• Công nghiệp

Khuyến công góp phần giúp cơ sở công nghiệp nông thôn hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh

10/12/2022 04:25 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 10/12/2022 | 04:25

STO - Nắm bắt được khó khăn của các cơ sở công nghiệp nông thôn do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thành công 19/19 đề án khuyến công, với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng, qua đó đã hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trong tỉnh vượt qua khó khăn, hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong năm 2022.

Từng phải tạm ngưng hoạt động trong nhiều tháng liền do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại bánh kẹo Ba Xuyên (thành phố Sóc Trăng) gặp rất nhiều khó khăn. Anh Hà Minh Tuấn - Giám đốc công ty cho biết, đến cuối năm 2021, khi đơn vị tái hoạt động thì lại thiếu hụt công nhân lao động, thị trường tiêu thụ và đầu ra sản phẩm cũng bị bó hẹp hơn nên khó càng thêm khó. Để vượt qua thách thức này, công ty mạnh dạn cho ra sản phẩm mới là sữa chua gói (bịch), dung tích nhỏ, giá thành rẻ, hạn sử dụng lâu hơn nên dễ tiêu thụ, tiếp cận được người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa.

"Kết quả công ty đã thành công nhờ sự đồng hành của trung tâm, thông qua hỗ trợ đơn vị máy đóng gói sữa chua có công suất 14.000 lít/tháng, giúp công ty tăng được năng suất, doanh số, chất lượng sản phẩm. Tính đến thời điểm này, công ty hoàn thành khoảng 90% kế hoạch sản xuất đã đề ra, trong đó đầu tư từ nguồn khuyến công đóng góp khoảng 40% doanh số cho đơn vị” - anh Tuấn thông tin.

Nhờ sự đồng hành của chương trình khuyến công, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại bánh kẹo Ba Xuyên (thành phố Sóc Trăng) đã cho ra đời sản phẩm sữa chua gói, góp phần tăng doanh số cho đơn vị. Ảnh: HOÀNG LAN

Được sự tiếp sức từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2022, Cơ sở Sản xuất - Kinh doanh nấm Bảo Đăng (huyện Long Phú) đã có điều kiện mua sắm máy sấy thăng hoa 6 ký/lần sấy, nồi hấp tiệt trùng 200 lít/lần hấp, với tổng kinh phí gần 325 triệu đồng. Theo chia sẻ của anh Trần Vũ Phong - chủ Cơ sở Bảo Đăng, ngành chế biến dược liệu, thảo dược là một ngành mới đang ngày càng phát triển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải thuê gia công tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các khâu chế biến và cơ sở của anh cũng không ngoại lệ. Qua đó, việc được hỗ trợ các máy móc tân tiến giúp cơ sở chủ động trong khâu chế biến, đa dạng hóa các mặt hàng (đông trùng hạ thảo tươi, khô, sấy thăng hoa), giảm được chi phí nhưng chất lượng sản phẩm lại được nâng cao, hạ được giá thành, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần thúc đẩy cơ sở sản xuất, kinh doanh vượt chỉ tiêu đề ra và hướng đến phát triển bền vững.

Dù đã đầu tư dây chuyền xay xát gạo tẻ với công suất 3 tấn/giờ và dây chuyền xay xát gạo nếp với công suất 1,8 tấn/giờ, trung bình mỗi tháng cơ sở sản xuất khoảng 50 tấn gạo các loại. Tuy nhiên theo bà Ký Thị Hen - chủ Cơ sở Ký Thị Hen (thành phố Sóc Trăng), trong quá trình tách màu hạt gạo vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, nhờ sự hỗ trợ và nhận được sự đồng hành từ trung tâm thông qua đầu tư Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến xay xát lúa gạo” với số tiền 285 triệu đồng, giúp cơ sở có điều kiện mua 1 máy tách màu đa sắc 5 máng, màn hình màu, tách được 5 loại màu khác nhau so với máy cũ là màn hình trắng đen chỉ tách được một loại màu, với tổng kinh phí 670 triệu đồng. Bà Ký Thị Hen phấn khởi cho biết, việc đầu tư máy tách màu hiện đại, giúp cơ sở sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tăng được năng suất (từ 50 tấn/năm lên 60 tấn/năm), sản phẩm chất lượng hơn (kích cỡ cũng như màu sắc hạt gạo đồng đều hơn), tăng được giá thành, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng ở các thị trường khó tính.

Việc đầu tư máy tách màu đa sắc đã giúp Cơ sở Ký Thị Hen tách được kích cỡ, màu sắc hạt gạo đồng đều hơn, bán được giá tốt hơn. Ảnh: HOÀNG LAN

Để đồng hành, tiếp sức cho cơ sở công nghiệp nông thôn trong sản xuất, kinh doanh, trong năm 2022, trung tâm đã phối hợp với phòng kinh tế, kinh tế hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành 19/19 đề án, đạt 100% kế hoạch, với tổng kinh phí thực hiện là 6 tỷ 68,3 triệu đồng, trong đó, chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ thực hiện 2 đề án với số tiền là 900 triệu đồng; chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ thực hiện 17 đề án với số tiền hỗ trợ là 2 tỷ 162,8 triệu đồng, kinh phí đối ứng của đơn vị thụ hưởng là trên 3 tỷ đồng. Qua đó, hỗ trợ 15 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng các máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì mẫu mã, sử dụng hiệu quả nhiên liệu, nguyên vật liệu, hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ và cải tiến chất lượng môi trường, sức khỏe người lao động, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp trong tỉnh.

Ngoài ra, từ nguồn kinh phí khuyến công, trung tâm hỗ trợ 4 doanh nghiệp, 1 hộ kinh doanh, 1 hợp tác xã đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2022, kết quả có 5/6 sản phẩm được cấp chứng nhận. Tổ chức 4 hội nghị tập huấn về công tác khuyến công cho 178 cán bộ, công chức phụ trách công tác khuyến công cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện: Mỹ Tú, Trần Đề, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu. Tổ chức 1 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn cho 36 cơ sở công nghiệp nông thôn. Tổ chức 1 đoàn công tác tham quan các mô hình sản xuất có hiệu quả như: công nghệ sản xuất xơ dừa tại Bến Tre, quy trình sản xuất, chế biến thanh long tại Long An và mô hình ứng dụng công nghệ sấy tiên tiến trong chế biến thủy sản (tôm khô, cá khô) tại tỉnh Cà Mau, qua đó, giúp cán bộ quản lý nhà nước; các doanh nghiệp tiếp cận, học tập kinh nghiệm về phương thức tổ chức, quản lý và ứng dụng mô hình hiệu quả của tỉnh bạn để nhân rộng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Đồng chí Chung Chí Trường - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh khẳng định, các chương trình khuyến công đã cụ thể hóa các giải pháp hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương để tiếp tục hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất theo hướng bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Sóc Trăng.

HOÀNG LAN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: