• Đời sống xã hội

Hết lòng với nghề dệt chiếu

07/04/2023 04:50 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Xuân Nguyên
  • Thứ Sáu, 07/04/2023 | 04:50

STO - Gần 20 năm gìn giữ nghề dệt chiếu của gia đình, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, chị Trần Thị Điệp, ở ấp 13, xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) được xem là điển hình phụ nữ chịu thương chịu khó, vươn lên thoát nghèo, tâm huyết với nghề truyền thống.

Chị Điệp dệt xong tấm chiếu mới thì trời cũng vừa tắt nắng. Sau khi sắp xếp lại số lác đã nhuộm màu, chị tất bật gom những bó lác trên sân phơi mang vào kho chứa. Mấy hôm nay, vào đợt thu hoạch lác nên chị Điệp bận rộn hơn khi vừa phải hoàn thành các đơn đặt hàng, vừa phải tranh thủ phơi, nhuộm lác.

“Năm nay, giá phân thuốc tăng, chi phí trồng và thu hoạch lác cao, mà giá chiếu vẫn giữ nguyên nên đồng lời ít. Nghề dệt chiếu vất vả mà lợi nhuận không cao, chủ yếu là nhờ vào số lượng chiếu giao cho khách mối. Dệt chiếu vốn là nghề truyền thống của gia đình bên chồng và hiện tại các anh, chị đều làm công việc khác, chỉ còn vợ chồng chúng tôi gắn bó với nghề này” - chị Điệp trải lòng.

Năm 2005, chị Điệp theo chồng về sinh sống ở ấp 13, xã Vĩnh Lợi và được mẹ chồng dạy cho nghề dệt chiếu. Từ đó đến nay, chị Điệp vẫn một lòng giữ nghề, tích cực mở rộng công việc sản xuất, kinh doanh. Theo chị Điệp, để dệt một chiếc chiếu thủ công phải có 2 thợ, 1 người đẩy sợi vào khung dệt, người kia thực hiện thao tác dập, tất bật cả ngày cũng chỉ được 2 cặp chiếu. Hơn 10 năm trước, khi đơn đặt hàng tăng, để kinh doanh phát triển và giữ nghề, chị Điệp quyết định mua 2 chiếc máy dệt chiếu, sắm máy may bìa, máy chẻ lác nhờ đó mà số lượng chiếu làm ra nhanh, nhiều hơn so với chiếu dệt thủ công, sản phẩm dệt đạt chất lượng, mẫu mã đẹp nên được khách ưa chuộng. Cũng theo chị Điệp, muốn có tấm chiếu đẹp thì cọng lác tươi phải tròn đẹp, xử lý sạch sẽ trước khi chẻ, sợi lác phơi phải thật khô, trắng, cọng bóng tròn, không quá to. Công đoạn nhuộm màu sợi lác cũng công phu, phải biết cách nhuộm để sợi lác bền màu, không dính lên quần áo sau khi phơi lại…

Chị Điệp đem những sợi lác nhuộm màu phơi khô rồi mới mang vào dệt chiếu. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Hiện nay, mỗi ngày chị Điệp dệt hơn 10 chiếc chiếu và cứ 3 ngày là tập trung lại giao cho khách. Giá của chiếu cũng tùy theo kích thước và độ mỏng, dày theo yêu cầu của khách hàng mà dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/chiếc. Thông thường, vào dịp Tết, đơn hàng nhiều hơn, khi đó vợ chồng chị Điệp và con gái phải thường xuyên thức đến khuya cùng dệt chiếu, may bìa, đóng gói mới kịp giao cho khách. Trước đây, chiếu của chị Điệp giao cho khách ở chợ xã Châu Hưng, nay tập trung chủ yếu ở chợ Bạc Liêu.

Vợ chồng chị Điệp hiện có 5 công đất trồng lác nên không phải mua nguyên liệu, cứ vài ngày sẽ thu hoạch lác một lần rồi mang vào xử lý, phơi khô cất vào kho chứa để xài dần hoặc bán lẻ. Nghề dệt chiếu không chỉ mang lại cho chị Điệp thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm cho bà con trong xóm. Đối với thợ chẻ lác được trả công khoảng 70.000 đồng/người và người đốn lác nhận tiền công 200.000 đồng/ngày.

Tâm sự về nghề dệt chiếu, chị Điệp trải lòng: “Mặc dù cuộc sống chưa dư dả nhưng tôi sẽ luôn cố gắng gìn giữ nghề dệt chiếu, bởi đó là nghề truyền thống của gia đình. Hiện con gái của tôi cũng được dạy nghề và sử dụng thành thạo máy dệt, biết chẻ lác, phơi lác… Mong muốn hiện nay của tôi là có thêm vốn mua phụ liệu dệt, phân bón cho ruộng lác, tráng xi măng toàn bộ khu vực sân phơi để tiện cho việc phơi lác mỗi khi mùa mưa đến”.

Đồng chí Lý Thị Hồng Gấm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thạnh Trị chia sẻ: “Năm 2014, chị Điệp đã đăng ký kinh doanh nhãn hiệu cho sản phẩm chiếu với tên gọi chiếu Út Điệp. Hơn 10 năm trước, kinh tế gia đình chị Điệp thuộc diện khó khăn, thu nhập từ nghề dệt chiếu bấp bênh, sinh hoạt trong gia đình thường xuyên thiếu hụt. Cho đến khi chị mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho nghề thì hoạt động sản xuất mới tiến triển. Hiện nay, gia đình chị Điệp đã thoát nghèo, không những vậy, cơ sở dệt chiếu của chị Điệp còn tạo việc làm cho một số bà con trong ấp. Ở xã Vĩnh Lợi hiện chỉ còn chị Điệp làm nghề dệt chiếu. Có thể nói, chị Điệp là điển hình của người thợ chịu thương chịu khó, gìn giữ nghề truyền thống của gia đình và sống được với nghề”.

XUÂN NGUYÊN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: