• Đời sống xã hội

Hoài niệm về chiếc cối đá của một thời bĩ cực

17/10/2022 07:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 17/10/2022 | 07:00

STO - Ở nhà người dì của tôi, chiếc cối đá “nằm úp mặt” nơi góc hè đã rất nhiều năm nay mà không ai “ngó ngàng” tới nên nó đã trở thành... "phế vật". Thế hệ chúng tôi chắc cũng hiếm có người nào không biết những chiếc cối ấy đã quan trọng như thế nào trong cuộc mưu sinh của bà con mình xưa kia.

Quê tôi xưa kia là vùng thuần nông nên cuộc sống người dân đa phần là nghèo, nhất là giai đoạn sau chiến tranh kết thúc. Ba tôi nói, ngày trước chiếc cối xay lúa thì không phải nhà nào cũng có vì khá mắc tiền nhưng chiếc cối giã gạo thì hầu như nhà nào cũng có. Ban đầu là những chiếc cối làm bằng gốc cây còng (me tây) cao tuổi và với bàn tay của những thợ mộc tài hoa qua nhiều công đoạn “cưa - lọng - đục - đẽo” dần dần hình thành nên chiếc cối có bộ đế vuông vức, vững chắc, lòng cối trơn mịn và thành cối hơi nghiêng về bên trong để khi giã những hạt gạo lứt không bị văng ra ngoài.

Chiếc cối đá được sử dụng với nhiều công năng. Ảnh: THANH BÌNH

Thường cối cây có 2 loại: loại nhứt có sức chứa khoảng 20 lít gạo lứt. Loại cối này thường là ở trong những gia đình đông người (điền chủ, chủ cả) và loại cối này chỉ dành cho những tay lực điền có sức mạnh dẻo dai, giã cùng lúc 3 - 4 người (chày ba, chày tư). Còn loại cối nhì chỉ chứa khoảng 10 lít gạo và chỉ 1 hoặc 2 người giã (chày đôi). Rồi dần dần những chiếc cối cây bị hư hỏng và chiếc cối đá nói chung từ từ xuất hiện. Thật ra, chiếc cối đá có 2 loại: một loại được làm từ đá xanh nguyên khối, loại còn lại được đúc từ ximăng và cả 2 lòng cối chỉ chứa được trên dưới 10 lít gạo. Dù là cối cây hay cối đá, chúng cũng đều có những ưu điểm và khuyết điểm riêng. Cối cây với hình thể "đầu bự, đít teo", lại nhẹ nên dễ nghiêng ngã khi trụ trên mặt đất không bằng phẳng. Rồi lòng cối trơn, lực ma sát không nhiều nên giã cả ngàn chày mới được một táo (20 lít) gạo trắng tinh tươm. Nhưng bù lại gạo không bị nát (gạo tấm) nhiều, cám mịn cũng nhiều, không lẫn cát, sạn trong gạo. Còn chiếc cối đá thì ngược lại.

Chiếc cối giã gạo ngày xưa không chỉ có nhiệm vụ giã gạo, nó còn một nhiệm vụ thứ hai không kém phần quan trọng là để quết bánh phồng trong những ngày giáp Tết. Những năm sau kết thúc chiến tranh, dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng hình như nhà nào cũng ráng cấy một ít nếp để tráng vài chục bánh phồng, gói vài chục đòn bánh tét để cúng gia tiên và đãi khách trong những ngày Tết. Những năm đó, tuy còn trong lứa tuổi "ham ăn, mê ngủ" nhưng cứ tầm 3 - 4 giờ sáng, tai văng vẳng nghe tiếng quết bánh phồng "phình phịch" là cả đám chúng tôi co ro, cúm rúm kéo nhau ra ngồi coi người lớn quết bánh phồng mà tâm trạng cứ lâng lâng thèm thuồng. Có lẽ, đây là "giai đoạn" vui nhất của không riêng gì đám trẻ chúng tôi. Tiếp theo những tiếng chày "phình phịch" là buổi hừng đông ngồi há mỏ nghe người lớn nói chuyện xưa, kể chuyện tàu, đọc thơ Lục Vân Tiên... một cách mê mẩn.

Ngoài nhiệm vụ giã gạo, quết bánh phồng, chiếc cối còn “đảm nhận” thêm nhiệm vụ khá quan trọng nữa: quết chuối nuôi heo. Hồi đó, dù cuộc sống rất khó khăn nhưng nhà nào cũng nhín nhút nuôi ít nhất một cặp heo để xẻ thịt (hoặc bán) để ăn Tết. Ngoài chút ít “cơm thừa, cá cặn” ra thì thức ăn chính của cặp heo là chuối cây quết trộn với vài lon cám coi như là xong bữa. Vườn tạp hồi đó rất hiếm cây ăn trái nhưng cây chuối thì minh thiên. Thường thường, những cây chuối đã “ăn buồng” xong mới lấy vô xắt nhưng cũng có người đốn luôn chuối tơ vì vườn quá nhiều chuối. Do thân chuối khá lớn nên phải xắt chuối bằng dao dâu - một loại dao có lưỡi dài chừng 5 - 6 tấc, mỏng, bản bự và cán dao dài chừng 7 - 8 tấc. Những lát chuối xắt xong thì đem ra cối quết, mà quết bằng cối đá là nhanh nhất. Đám trẻ chúng tôi thỉnh thoảng cũng tham gia với khí thế ban đầu nhưng chỉ vài chục chày thì oải và tìm cách trốn biệt.

Những năm sau này, khi cuộc sống đã khấm khá hơn, những nhà máy chà gạo nhỏ lẻ bắt đầu xuất hiện thì chiếc cối xay lúa, những chiếc cối cây, cối đá cùng chung số phận thất nghiệp. Rồi những chiếc cối cây từ từ mục rã theo thời gian, tiếp đến là những chiếc cối bằng ximăng cũng từ từ nứt toác trơ ra những thanh sắt rỉ sét bên trong. Còn chăng là những chiếc cối đá xanh rất khó bị thời gian bào mòn. Nhưng phần nhiều chúng được những người sưu tập đồ cổ, những chủ quán cà phê, quán ăn... đặt trang trí một góc nào đó để tạo thêm cảnh quan… miền quê. Có người còn bỏ thêm một núm bèo tai tượng, trồng sen mini và thả vài cặp lia thia đồng hoặc cá 7 màu cho có thêm phần… sinh động.

THANH BÌNH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: