• Đời sống xã hội

Mưa về lại nhớ… canh chua lươn với bông lục bình

22/08/2021 06:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 22/08/2021 | 06:01

STO - Mưa về luôn thổi vào tâm thức của mỗi người một niềm rạo rực khó tả, một nỗi xốn xang không tên hay chỉ đơn giản là bâng khuâng nhớ về những kỷ niệm đã xa.

Cơn mưa dầm dề, lê thê giữa những ngày nằm chèo queo trong phòng trọ vì giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 càng khiến tôi nhớ miên man, thèm da diết những món ăn dân dã quê nhà. Nhớ nhất là nồi canh chua lươn “cây nhà lá vườn” thuở nhỏ. Đơn giản chỉ là chú lươn mập mạp vàng ươm nấu chung với bông lục bình – loài hoa bông tím nở ngát khắp sông rạch miền Tây, thêm dăm thứ rau thơm, ớt sừng trồng ở sau nhà.

Người dân quê tôi thường hay xách chĩa đi đâm lươn vào hừng đông hay lúc xế chiều; hoặc cũng có thể bắt lươn bằng cách thả câu kiều, đặt lọp, đặt trúm… Hồi trước, đặt trúm lươn đem lại thu nhập cho nhiều gia đình trong xóm tôi. Cứ đầu mùa mưa hàng năm là thời điểm nghề trúm lươn vào “vụ” mới. Ống trúm làm bằng thân cây tre, dài cỡ 2 lóng, 1 đầu làm miệng trúm, đầu kia để nguyên mắt, có khoan lỗ nhỏ để lấy không khí cho lươn “thở” khi đã vào bên trong trúm. Miệng ống có một cái hom được làm từ những nan tre mỏng kết hình nón hướng vào lòng trúm, được cố định với thân trúm bằng một xiên tre hay thanh sắt. Sau khi đặt mồi bằng giun đất băm nhỏ trong hom, người đặt trúm mang ống trúm ra bờ ruộng, bờ sông, kênh mương, ao hồ... Đặt thân trúm theo một góc nghiêng, miệng trúm cố định dưới đáy bùn, còn đầu có phần có lỗ thở cho lươn để nổi khỏi mặt nước. Lươn đi ăn ban đêm, nghe mùi tanh của mồi dẫn dụ, mon men trườn đến ăn rồi chui tọt vào phía trong hom trúm. Những nơi lươn hay làm “mà” (hang trú ngụ) là lớp bùn đất mềm sát bờ cỏ ngập nước, gốc tre, bụi cây mấp mé ao hồ, sông suối. 

Khoái nhất là đi dỡ trúm. Sau khi đổ nước ra khỏi ống, thấy hơi nặng tay hơn lúc thường, xóc nhẹ, nghe tiếng “ọc ạch” bên trong trúm là có lươn. Có ống khi xóc không nghe ọc ạch nhưng vẫn có lươn, vì có những con lươn to mà lòng ống lại hẹp. Cũng có khi, đổ trúm ra không phải là lươn mà là... rắn. Rắn mò vào trúm tấn công và ăn lươn rồi mắc trong đó. Lươn là món khoái khẩu mà lại không phải là đối thủ của các loại rắn. Có lần tôi theo anh ba tôi đi dỡ trúm, thấy con rắn nuốt nửa con lươn nhưng có lẽ vì con lươn quá lớn so với nó nên con rắn bị tét cả bụng, cả 2 con chết luôn trong trúm.

Lươn mang về làm sạch. Để tạo vị chua, có thể dùng cơm mẻ, trái giác, me, bần… cho vô nồi nước sôi; thả lươn vào, nêm đường, nước mắm, bột nêm cho vừa ăn thì cho tiếp bông lục bình đã tét sẵn và rửa sạch vào. Cũng có khi người ta cho thêm vào nồi canh ít cọng bông súng, vài trái đậu bắp cắt đôi hay nắm bông điên điển, nắm cải bắp để sắc màu, hương vị thêm hấp dẫn, đảo đều rồi nhắc xuống. Rắc thêm ít lát ớt xắt với rau thơm (rau răm, húng quế, ngò gai, mò om) hái ở vườn nhà. Tô canh chua nóng bên chén cơm gạo mới thơm lựng, chấm nước mắm nhỉ hay muối ớt mà nghe đậm đà mùi dân dã hương quê.

Bây giờ lươn nuôi nhiều hơn lươn đồng, nghề đặt trúm ở quê tôi cũng dần mai một. Văng vẳng trong lòng người xa xứ là những lời ru man mác của tháng năm xưa: “Bắt lươn đem nấu canh chua / Món ăn dân dã đâu thua thị thiềng”.

LƯU TỶ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: