• Đời sống xã hội

Nhớ lần “ăn Tết” nơi cánh đồng hoang

25/01/2023 05:17 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 25/01/2023 | 05:17

STO - Đó là một vùng bưng trũng rộng ngút ngàn với hàng hàng, lớp lớp các loài thực vật hoang dại phát triển cao quá đầu người. Giữa vùng bưng trũng ấy không biết tự bao giờ có một gò nổi và cây cối um tùm che mát gần như trọn vẹn gò nổi ấy.

Sau tết Ất Mão 1975 - một cái Tết hoành tránh để ăn mừng ngày nước nhà thống nhất, ra giêng ba tôi móc hết “túi hò túi xê” ra mua gần 1.000 vịt con để nuôi lớn bán thịt. Tôi được giao nhiệm vụ trông coi đàn vịt với lý do tôi mê ở ngoài ruộng hơn trong nhà. Mấy ngày đầu tiếp nhận bầy vịt con ấy tôi hồ hởi lắm, vì nghĩ mình giống như vị tướng cầm quân ra trận, oai phong lẫm liệt. Nhưng càng về sau tôi càng “thấm đòn” bởi cái tính “vô kỷ luật” của chúng khi chúng gặp nước giống như lân gặp pháo, tưng bừng, náo nhiệt, bơi lội tứ tung. Có lúc chùm nhum, có lúc mê mồi chia ra hàng chục bầy nhỏ và mỗi bầy đi mỗi hướng. Mỗi lần lùa chúng vô chuồng là “trần ai khoai củ”, có không ít lần cửa chuồng đã đóng từ lâu thì từ đâu có cả mấy chục con lù lù xuất hiện trước cửa chuồng kêu la ầm ĩ đòi vô. Giữ bầy vịt con tuy cực nhưng có thú vui là khi vịt vô chuồng nhìn chúng rỉa lông chùm nhum từng cụm quanh chiếc đèn bão không đủ độ ấm. Rồi sáng sớm chúng ùa xuống nước rượt đuổi những con bù cào, châu chấu hay sục mỏ xuống nước tìm những chú cua con, những con ốc nhỏ vốn là món ăn khoái khẩu của chúng. Khi no mồi thì chúng tìm bờ mẩu nào đó để rỉa lông và “lim dim mắt phụng” như giải lao sau cả tiếng cật lực tìm mồi…

Rồi bốn, năm tháng trường “chỉ huy” cũng đến lúc vịt “rã bầy”, con nào tốt mái thì để lại, còn bao nhiêu chở ra chợ bán vịt thịt. Thật lòng mà nói tôi không muốn rã bầy chút nào, vì mấy tháng trời “đồng cam cộng khổ” đàn vịt càng lớn, càng khôn. Cả ngày chúng tỏa đi tìm mồi đôi lúc không thấy tăm dạng, nhưng chiều về chỉ cần lấy chiếc thùng thiếc đánh “xèng xèng” vài tiếng là chúng tự động kéo về không thiếu một “em”. Nhưng lúc này trên cánh đồng quê tôi đang lúc xiết nước chuẩn bị thu hoạch. Trong khi đó ở dạt đất bưng thì đã có mấy bầy vịt hàng ngàn con “trấn giữ”. Cực chẳng đã, ba tôi đành cho lùa bầy vịt băng đồng về cánh đồng quê ngoại tôi. Nơi đó còn có một vùng bưng rộng lớn, chưa có bầy vịt nào “chiếm đóng”, tha hồ “làm vua” một cõi. Đó là một vùng bưng trũng rộng ngút ngàn với hàng hàng, lớp lớp các loài thực vật hoang dại cao quá đầu người.

Nơi đây từng là vùng bưng trũng, đất trầm thủy quanh năm, giờ đã trở thành những ruộng lúa phẳng phiu. Ảnh: THIÊN LÝ

Giữa vùng bưng trũng ấy không biết tự bao giờ có một gò nổi khoảng 400 - 500m2 và cây cối um tùm che mát gần như trọn vẹn gò nổi ấy. Hồi cầm vịt ở cánh đồng quê nhà quá quen thuộc nên tôi không biết sợ chút gì. Nhưng nơi đây giữa bốn bề hoang vắng, lại thêm bờ gò âm u bỗng dưng tôi thấy sợ đủ thứ. Cũng may, tôi có hai người anh con cậu vốn thân nhau từ lúc nhỏ nên thấy tôi qua, hai anh mừng lắm. Gần tháng trời, đêm nào hai ông anh cũng ra chơi rồi ngủ lại nên cảm giác cô đơn, lo sợ của tôi cũng vơi bớt rất nhiều. Lúc này, những mẩu ruộng ở phía rìa rìa bưng bắt đầu thu hoạch, mặt ruộng khô dần, chỉ có khu vực vùng bưng là còn nước khá sâu nên bầy vịt chỉ ăn quanh quẩn các miếng ruộng đã thu hoạch xong ở gần gần đất bưng. Ngày ngày, sau khi thả vịt khỏi chuồng là tôi phụ tiếp các chủ đất cũng là bà con bên ngoại cắt lúa, đập lúa, làm sân phơi... Rồi những bữa cơm trưa dọn ra trên sân lúa với thức ăn tuy dân dã nhưng đầy ắp cá tôm từ những vũng bàu kiệt nước. Mùi thơm của cá lóc, tôm càng nướng rơm quen thuộc như vẫn còn đọng lại trong tâm trí tôi mãi đến sau này.

Rồi ngày Tết cũng đến. Trưa ngày 28 tháng Chạp, người anh đi ra chòi vịt với xấp bánh phồng sống, mấy đòn bánh tét và một nồi nhỏ thịt kho hột vịt... như “báo hiệu” tôi sẽ “ăn Tết” trên cánh đồng hoang vắng ngút ngàn này. Suốt gần chục ngày giáp Tết, cả cánh đồng hầu như không một bóng người khiến cho khu vực cầm vịt của tôi vốn đã hoang vắng, giờ càng vắng lặng hơn. Ngồi canh me bầy vịt mà mắt cứ hướng về xóm nhà ngoại, tâm trí lại tưởng tượng bao cuộc vui chơi của anh em trong xóm mà lòng ray rứt không yên. Bao lần tôi định lẻn vô xóm chơi đến khuya chút rồi quay về chòi nhưng lại ngại mấy con chó trong xóm đêm đêm chực chờ cắn vịt. Vịt đang đẻ mà bị chó rượt thì chắc chắn là thê thảm nên tôi cố dằn lòng chịu đựng sự cô quạnh khủng khiếp trong những ngày cận Tết.

Chiều 30 Tết, trong sự chờ đợi gần như vô vọng, tôi buồn bực nên chui vô mùng ngủ sớm để quên đi những hình ảnh vui chơi của anh em quê ngoại và tốp bạn bè trong xóm nhà tôi. Đang lúc mơ màng, tôi bật dậy vì tiếng vịt rộ như có ai đó đang đi đến chòi vịt. Tôi khoát mùng chui ra và thật bất ngờ: hai ông anh tôi đang đứng ngời ngời bên cạnh chuồng vịt, trên tay lỉnh kỉnh đồ ăn. Có lẽ trong suốt quãng đường sau này, tôi chưa lần nào có được sự vui mừng như thế, có thể còn hơn “buồn ngủ gặp chiếu manh” nữa. Thế là đám “lửa trại” được đốt bùng lên từ nhánh củi khô có đầy trên gò nổi. Đó có thể nói là đêm “đón giao thừa” ấn tượng nhất trong đời anh em tôi.

Mùa hè năm 1977, sau 2 năm chăn vịt, tôi lìa quê bắt đầu lại cho chuyện học đã bị bỏ lửng từ sau ngày 30/4/1975 và sau này cứ bao lần về quê ngoại là bao lần tôi muốn ra thăm lại khu bưng trũng xưa, nhưng vì nhiều lý do nên ý định ấy cứ mãi dở dang. Mãi đến tháng mười vừa qua, tôi làm chuyến “đột kích” về chốn cũ. Nhưng vùng đất bưng ngày nào không còn, khu “gò nổi” cũng chẳng có một vết tích hiện hữu. Thay vào đó cánh đồng phẳng phiu, mượt mà màu xanh của lúa. Tôi thật sự không nhận ra chỗ nào là gò nổi có hàng bình bát oằn trái, nơi nào tôi cầm vịt, chỗ nào tôi từng làm hầm dụ cá lóc vô muốn đầy hầm... Theo yêu cầu của tôi, mấy anh em con cậu, con dì bày tiệc nho nhỏ ngoài mé vườn - một nơi có thể phóng tầm mắt ra khu bưng trũng ngày nào. Anh Hai tôi cằn nhằn: “Thằng này ngộ thiệt...” mà anh đâu biết rằng nơi đó anh và tôi đã từng “ăn” một cái Tết khó phai trong ký ức của tôi.

THIÊN LÝ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: