• Đời sống xã hội

Nhớ mùa dưa hấu Tết

29/12/2022 04:47 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 29/12/2022 | 04:47

STO - Quê tôi trước kia là một địa phương thuần nông, đi đâu cũng toàn gặp lúa với lúa. Tuy nhiên, cứ mỗi khi thu hoạch xong vụ lúa Hè - Thu là nhiều bà con nông dân lại cho đất nghỉ ngơi để chuẩn bị cho vụ dưa hấu đón Tết.

Từ những thập niên 90 về trước thì dưa hấu chủ yếu chỉ được trồng một vụ trong năm, đó là vụ dưa hấu Tết chứ không được trồng quanh năm như bây giờ. Sau khi thu hoạch lúa Hè - Thu chừng tháng bảy (âm lịch) thì bà con nông dân bắt đầu chuẩn bị lên liếp giả để trồng dưa. Gọi là liếp giả vì liếp được lên chủ yếu để trồng dưa hoặc rau màu một, hai vụ rồi lại ban ra trồng lúa trở lại. Giống dưa hấu trồng lúc đó chủ yếu là dưa hột và dưa ghép bầu. Dưa hột thì do người trồng tự mua hạt về ươm vô bầu rồi trồng. Ưu điểm của giống dưa này là vỏ mỏng, độ ngọt thanh. Còn giống dưa ghép bầu thì người trồng phải đón các ghe bán cây giống từ nơi khác đến để mua cây giống. Khác với dưa trồng bằng hạt, dưa ghép bầu trái rất to, chưng Tết rất đẹp nhưng hạn chế của nó là vị lạt, vỏ dầy.

Khi dưa bắt đầu bò khỏi luống, người trồng phải lấy rơm đã dự trữ sau thu hoạch lúa rải làm nền cho dưa bò không bị dính bùn đất. Ảnh: TRỌNG HỮU

Đầu tháng 10 (âm lịch), khi mưa bắt đầu thưa dần thì bà con nông dân cũng xuống giống dưa. Hồi đó, không phải làm gì cũng toàn thuê mướn như bây giờ, bà con trong xóm thấy làm là xúm xít lại vần công với nhau. Dưa mới trồng mỗi ngày phải tưới nước bằng thùng vòi gắn búp sen 3 lượt. Khi rễ dưa bén đất thì tưới ít hơn. Chừng nửa tháng sau khi trồng thì dưa bắt đầu bò khỏi luống, người trồng phải lấy rơm đã dự trữ sau thu hoạch lúa rải làm nền cho dưa bò không bị dính bùn đất. Trồng dưa hấu tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất kỳ công, lỡ mà gặp trận mưa lớn thì người trồng phải lấy nước rửa từng lá dưa cho sạch, nếu không lá bị giập sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trái sau này.

Sau ngày xuống giống chừng 1 tháng rưỡi là người trồng bắt đầu chụp nụ cho dưa. Đây là một kỹ thuật khó nhất trong nghề trồng dưa. Người có nhiều kinh nghiệm sẽ chọn được những nụ hoa cái và bông hoa đực mạnh mẽ nhất cho thụ phấn với nhau để sau này dưa được to trái, không bị dị dạng. Chụp nụ dưa xong thì người trồng cũng bắt đầu dựng chòi trông dưa. Chòi thường được đặt trên bờ kênh để dễ dàng quan sát rẫy dưa. Trước kia chưa có điện chỉ toàn sử dụng đèn dầu hay đèn pin. Vào mỗi tối, ba tôi và mấy chú bác canh dưa thường rủ nhau lấy đèn soi nhái, soi ếch rồi về nấu cháo làm vài ly rượu đế để chống lại cái lạnh buốt da của thời tiết cận Tết. Ai cao hứng thì đem theo cây đàn thùng đờn ca đến nửa đêm rồi lăn ra ngủ. Vậy là lũ muỗi được thưởng thức một bữa tiệc no nê.

Sau ngày chụp nụ, dưa hấu lớn rất nhanh, người trồng phải tuyển lựa những trái dưa hấu nhỏ không đủ chuẩn để làm thức ăn. Dưa hấu non đem nấu canh hoặc xào với mớ tép rong vừa đãi dưới mương còn nhảy xoi xói thì có cao lương mỹ vị nào bằng. Đến cuối tháng 11 (âm lịch) thì dưa hấu bắt đầu vô lòng tôm, nghĩa là ruột dưa bắt đầu có màu ửng hồng như màu gạch tôm. Lúc này, người trồng phải túc trực 24/24 để canh rẫy dưa, lỡ mà gặp trận mưa lớn hoặc con nước rong nhảy bờ không kịp cơi nới thì dưa sẽ bị úng đít, vụ dưa coi như thất trắng. Dưa hấu cũng là loại cây trồng rất khó tính. Khi dưa gần chín, người trồng phải tưới lượng nước cân đối, nếu không dưa sẽ bị nứt.

Bước sang độ rằm tháng chạp là người trồng bắt đầu thu hoạch dưa. Thương lái từ các nơi khác sẽ đổ về các rẫy xem dưa để đặt cọc. Người trồng dưa thường thương lượng về ngày cắt để vần công với nhau. Dưa sau khi cắt xong được chất lên võng (võng chủ yếu được thắt từ dây chuối) rồi hai người gánh xuống bờ kênh cho thương lái đem ghe lớn vô chở. Gặp năm hút hàng thì dưa bán hết từ trước ngày đưa ông Táo về trời, gặp năm mất mùa dưa xấu hoặc dội chợ thì người trồng phải tự thuê ghe lớn chở đi khắp nơi để bán, có người buôn bán ế ẩm còn không kịp về nhà ăn Tết. Dù vậy, trúng hay thất mùa gì thì trên gương mặt của những người nông dân chân chất ai cũng nở một nụ cười lạc quan. Bởi vụ dưa hấu Tết không chỉ đơn thuần là trồng để có thu nhập mà nó còn là một nét đẹp văn hóa truyền thống đã được lưu truyền từ nhiều thế hệ.

Đối với người trồng dưa hấu Tết thì trước khi bán, họ luôn lựa chọn những cặp dưa ưng ý nhất để dành chưng lên bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết cũng như để biếu cho bà con, lối xóm. Dù thương lái có nâng giá lên bao nhiêu thì cũng chỉ nhận được cái lắc đầu từ chủ rẫy dưa. Bởi cái tình của người quê là không gì có thể đánh đổi được.

Bây giờ thì nghề trồng dưa hấu Tết ở quê tôi chỉ còn là ký ức. Dưa hấu đã được trồng 4 mùa nên cái cảm giác thèm vị dưa ngày Tết cũng không còn. Dưa hấu giờ được trồng trên màng phủ, sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên người trồng rất nhẹ công chăm sóc, hình ảnh những căn chòi canh dưa leo lét ánh đèn dầu cùng tiếng đờn ca tài tử thâu đêm của những người trông rẫy cũng dần mất hút. Riêng tôi thì mỗi độ Tết đến, xuân về, tôi thường gọi các con lại để kể cho chúng nghe về những tháng ngày gian khó nhưng đậm đà tình nghĩa của những người dân quê trong vụ dưa hấu Tết, hy vọng thắp lên trong chúng tình yêu làng quê, biết nhớ về nguồn cội để trân trọng những gì tốt đẹp mà bao thế thệ ông cha đã gây dựng nên để làm hành trang vững bước vào đời.

QUÁCH TẤN THUẦN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: