• Đời sống xã hội

Nhớ tô nước cơm của ngày xửa ngày xưa

23/08/2022 04:04 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 23/08/2022 | 04:04

STO - Nhìn tô mắm cá lóc chưng thơm lừng trên bàn ăn, tôi nói với bà xã: “Hôm nay ăn theo món ngày xưa đi…”. Rồi tôi kể chuyện ngày trước chén nước cơm thường đi kèm với món mắm lóc chưng, bà xã tôi trố mắt: “Ăn uống gì kỳ vậy”. Tôi chắc lưỡi: “Dân Sài Gòn theo chồng về tỉnh, biết gì về những món ăn dân dã miệt ruộng đồng…”.

Tô nước cơm màu trắng đục sánh đôi cùng tô mắm lóc chưng là món ngon dân dã không thể nào quên. Ảnh: THIÊN LÝ

Trong ký ức của tôi vẫn còn mang máng những năm tháng cùng gia đình làm những cuộc tản cư rày đây mai đó. Trên chiếc ghe hàng khá lớn, một chèo mũi, một chèo lái và cùng với chiếc máy Kohler 4, cả gia đình tôi “chạy giặc” hết nơi này đến nơi khác. Khi thì chèo chống về Tập Rèn (xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), khi thì ghé tá túc với người bà con ở Vũng Thơm (xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), lúc thì chạy tuốt về Búng Tàu (xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang)… Có chỗ ở vài tháng, chỗ chỉ ở vài ngày, có khi mới ghé nấu xong bữa cơm thì phải nhổ sào cấp tốc đi nơi khác vì tình hình thấy… không êm.

Có nhiều lúc nhìn đám con đang lớn dần, ba tôi xót ruột: “Cứ chạy tới, chạy lui vậy hoài, chắc tụi nhỏ dốt ráo…”. Thế là ba tôi quyết định chèo chống về địa bàn xã An Mỹ (nơi giáp ranh với thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) dựng nhà tre lá tạm bợ để chị em chúng tôi được “cắp sách đến trường”. Trong khi người lớn đang tìm kế sinh nhai, lo lắng tìm mọi cách để có thêm thu nhập thì bọn trẻ chúng tôi vô tư lự. Đi học về, lên mâm cơm thì chí chóe giành nhau từng càng ba khía, khứa cá kho, húp miếng nước cơm - dù đã nguội ngắt.

Nội tôi có tay nghề làm mắm rất giỏi, nên trong nhà lúc nào cũng có vài khạp mắm cá lóc để phòng khi mưa gió trở trời khó kiếm thức ăn. Nhưng dù trời nắng hay trời mưa, dù thức ăn trên bàn đôi lúc khá thịnh soạn thì vẫn luôn luôn hiện hữu tô nước cơm bình dị đó. Tôi không nhớ mình đã húp muỗng nước cơm ấy từ bao giờ, nhưng tôi biết những đứa em tôi sau này lớn lên đều có ly nước cơm pha vài muỗng đường cát ngọt ngào ấy. Nhà nghèo, những đứa em tôi khi đã “dứt sữa” thì chuyển qua uống sữa bột (sữa ghi gô), sữa bò, nhưng má tôi pha một muỗng nhỏ sữa cũng có khi vài muỗng đường với một ly lớn nước cơm còn âm ấm. Vậy mà đứa nào cũng “sổ sữa” tròn ủm.

Hồi đó, dù trong thời kỳ tản cư hay hồi cư về quê cũ, nhà nào cũng thủ sẵn ngoài sân, sau hè hay trong chái bếp vài thước củi đã phơi khô, chục bó lá dừa khô để nhóm lửa nấu ăn. Nấu cơm là chuyện sơ đẳng của các cô, thím ngày xưa nhưng để có một tô nước cơm hơi sánh đặc và giề cơm cháy thơm giòn là cả một sự kỳ công với “kinh nghiệm đầy mình”. Trước hết là nồi cơm chuẩn bị nấu phải nhiều hơn bình thường, lửa không cao ngọn để nồi cơm sôi nhẹ, đều và tuyệt đối không xới trong lúc này. Khi gạo đã nở hột, nước hơi sánh đặc thì chắt liền nước cơm ra tô. Nếu muốn có cơm cháy thì chừa lại ít nước cơm trong nồi và than củi đùa ra chung quanh đít nồi, thỉnh thoảng xoay nồi cơm cho cơm cháy chín đều, không bị khét. Thật thú vị khi mà bụng đói cồn cào chỉ cần một tô cơm nguội, chế miếng nước cơm vừa xăm xắp và rưới vài muỗng nước mắm chưng cá lóc, trộn đều thì “ngon nhất trần đời”, thậm chí quên luôn ơ cá kho tiêu với nồi canh chua thanh mát kế bên. Một điều rất lạ là chỉ có nước cơm sôi đi kèm với tô mắm chưng mới phù hợp, cũng như mắm lóc chưng đi kèm với món bí rợ hầm dừa mới đúng sách của những người dân dã xứ tôi. Mắm lóc chưng mà ăn cùng với nồi canh chua thì... không giống ai.

Thật kỳ công khi chắt nước cơm từ nồi cơm điện, hạt gạo thơm lài khá mềm cơm nên dễ nhão. Ngồi kế bên canh me hạt gạo vừa trở mình và nước cơm hơi sánh lại là chắt liền nên nồi cơm cũng rất… được. Nhìn tôi cứ chăm bẳm chan nước cơm vào tô cơm bốc khói nghi ngút, bà xã tôi tròn mắt nhìn và chắc chắn trong đầu nghĩ “có gì đó sai sai, không hợp lắm”. Bà xã tôi đâu biết rằng tô nước cơm trắng đục ấy là thức ăn, là nước uống đã nuôi anh chị em tôi ngay từ thuở sơ sinh khi gia đình tôi trong cơn túng ngặt. Tô nước cơm sánh đôi cùng tô mắm lóc chưng, đó là hình ảnh quê nhà khó phai.

THIÊN LÝ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: