• Đời sống xã hội

Nhớ xe vua Thạnh Trị

24/09/2022 04:07 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 24/09/2022 | 04:07

STO - Nói đến xe xích lô, xe lôi đạp, ai được sinh từ những năm 1990 trở về trước hầu như đều biết. Còn xe vua thì trái lại, nó còn rất lạ lẫm đối với nhiều người Sóc Trăng, vì loại xe này chỉ xuất hiện nhiều trên địa bàn huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) đến cuối thế kỷ XX.

Xe vua Thạnh Trị (Sóc Trăng) đang vận chuyển lúa gạo lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1A vào năm 1984. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Vì sao người dân gắn cho loại phương tiện giao thông này một cái tên vương giả như vậy - Xe vua? Có lẽ vì diện tích, kích cỡ xe cao, rộng, khi ngồi giữa bốn bề thông thoáng, khách vừa có thể tự do quan sát cảnh vật xung quanh, vừa lướt mình nhanh theo gió, một cảm giác rất phiêu bồng như ngồi trên kiệu, thật sung sướng như vua là vậy.

Theo cụ Mã Bình Xuân, 86 tuổi, làm nghề mộc ở thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, từng đóng thùng xe vua cho biết: "Cách đây khoảng 40 năm, huyện Thạnh Trị có rất đông người hành nghề chạy xe vua, huyện có hẳn cơ sở chuyên đóng thùng xe để bán và cho thuê. Xe vua Thạnh Trị được sử dụng để chở lúa gạo - sau khi nó được ghe, xuồng trung chuyển từ ruộng ra đến lộ ấp. Sau mùa vụ, rảnh việc, người nông dân dùng nó làm phương tiện chở người kiếm thêm thu nhập”.

Đối tượng của xe vua thường là những nội trợ, học sinh, tiểu thương, nông dân. Mặc trời rét căm căm hay đang đêm, lộ vắng; trời mưa như trút nước hay nắng như thiêu đốt, khách phương xa vừa đặt chân xuống xe đò, sẽ thấy lác đác những chiếc xe vua lướt nhanh qua mặt. Có lúc xe vua đứng im lìm bên đường vắng, như chờ ai, khi đó khách sẽ được bác tài tận tình mời mọc, chở đến tận nhà. Ngược lại khách địa phương muốn bắt xe đò đi tỉnh, sẽ được xe vua chở đến tận trạm. Có thể nói xe vua là sự lựa chọn thú vị khi vận chuyển đồ đạc và người ở cự li gần của giới bình dân khi đó. Nó tiện dụng hơn xích lô và xe lôi đạp. Ngoài Sóc Trăng còn có tỉnh An Giang, Đồng Tháp sử dụng phương tiện này.

Xe vua còn có mặt trong đoàn xe rước dâu quê. Từ sau lễ Oóc om bóc, hàng loạt xe vua được sơn mới để chờ hộ tống những cô dâu, chú rể về chung một mái nhà cho kịp đón xuân. Có một luật bất thành văn, bất kể khách ngồi đâu cũng phải có một khách ngồi phía trước thùng xe, nơi giáp với yên sau xe đạp, để cố định xe. Khách nào tự thấy mình thừa kílôgam thì tự khắc biết mình sẽ phải ngồi đằng trước. Vì thế  nên vài người lí lắc, nhất là bọn con nít, nắm rõ tâm lý mấy chị, mấy cô, có thân hình mũm mĩm, hay mang guốc cao đi chợ, nhưng lại thích ngồi phía sau, nên thỉnh thoảng là giở trò chọc phá. Khi xe lăn được vài vòng bánh là chúng nhón đít cho thùng lắc lư, làm cho mấy cô, mấy chị, ngồi mà trong lòng cứ thấp thỏm không yên, la làng, ỏm tỏi cả lên, khi thì xuống nước năn nỉ bọn quỷ nhỏ, đến khi xe dừng hẳn, thì mới thở phào nhẹ nhõm, cất tiếng cười trừ.

Vào ngày Tết, thường chủ xe chỉ nhận đạp đoạn đường ngắn mà không đồng ý chở xa hơn, bác tài vua thu nhập đỡ hơn, nhờ lượt khách đi chùa, đi chơi nhiều. Có thể nói không có loại phương tiện nào mà khách và chủ hiểu nhau và phối hợp ăn ý đến như thế; thấy xe đông khách, cho dù thanh niên hay thiếu nữ, đều sẵn sàng nhảy xuống, xắn tay áo giúp đỡ, người đẩy, người đạp đến khi bánh lăn đằm thì thôi, cước phí không hề tăng, tùy vào sự cởi mở của thượng khách, cước sàn là 200 đồng/lượt đi đoạn đường khoảng 500 mét (năm 1988 - 1992).

Cũng như xe xích lô, xe vua phải dùng chân để đạp, nhưng khác ở chỗ xe vua kéo theo thùng phía sau. Thùng xe phẳng, rộng, cao khoảng hơn 1 mét; trước và sau có dãy ghế bằng gỗ (ghế chính), mỗi bên ngồi được 2 người; ghế phụ là thành ngoài khung xe. Xe vua đạp nhẹ hơn xe xích lô (đẩy hành khách về phía trước). Xe vua chở được từ 5 - 6 người ôm ốm, ngồi sau chạy vun vút trên đường; trong khi người phu xe xích lô phải ì ạch, gồng lưng, căng lực cơ chân, mà chỉ chở được có 2 người. Tuy nhiên, xe vua có nhược điểm chỉ di chuyển trên địa hình bằng phẳng, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro xảy ra tai nạn cao, nên bị cấm lưu thông vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX.

Giờ đây xe vua chỉ còn trong ký ức của người dân Thạnh Trị với những tiếng bước chân nện lịch bịch trên Quốc lộ 1A, hòa với tiếng kêu ken két của cái bóp thắng ma sát với bánh, hình ảnh người đàn ông ốm tong, ốm teo trong chiếc áo sơ mi rộng thùng thình dài tới gối, đang thoăn thoắt lấy đà nhảy lên yên đã lùi vào quá khứ.

DƯƠNG TUYẾT NGỌC

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: