• Đời sống xã hội

Ông Hải mù bắt cá

27/10/2022 04:51 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 27/10/2022 | 04:51

STO - Hơn 30 năm qua, dù đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, cuộc sống nghèo khó, vất vả nhưng ông Sơn Ngọc Hải, xã An Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) không than vãn. Ông vui lòng chăm sóc cho người em vợ tật nguyền, đi mò cua, bắt cá kiếm sống, lo từng bữa ăn cho gia đình…

Vừa bước xuống mương nước, ông Hải đã nhanh tay tóm gọn con cua đồng trong sự ngạc nhiên của chúng tôi. Tiếp tục dò dẫm dưới nước, phát hiện có cá, ông Hải vội khom người, rà tay chậm rãi, chỉ một lúc sau đã tóm được con cá rô, rồi thêm 2 con cua đồng. “Bữa nay tôi may mắn, vừa xuống là gặp được cá, còn có thêm cua đồng. Bình thường, nước vô mương đầy như vầy, mò lâu lắm mới dính cá” - ông Hải cười nói, vẻ mặt vui mừng.

Tuy hai mắt không thấy đường nhưng ông Sơn Ngọc Hải vẫn cần mẫn trong việc mò cua, bắt cá. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Sau hơn 2 giờ lặn lội dưới nước, bắt được hơn chục con cá rô, vài con ốc, cua đồng, ông Hải men theo mé mương, nắm lấy nhánh bình bát, chậm rãi leo lên bờ. Ngoài kia, bà Thạch Thị Tha, vợ ông Hải cũng vừa hái được mớ rau vườn, vội đến đưa cây gậy dò đường cho ông Hải, rồi cùng đi về nhà. Bữa cơm trưa với mẻ cá kho khô, tô canh rau tập tàng đối với gia đình ông Hải là quá đầy đủ, như vậy có thể tiết kiệm tiền, mua sữa cho đứa cháu ngoại gần 8 tháng tuổi và dành tiền cho bà Tha trị bệnh.

Bà con chòm xóm kể lại, hơn 30 năm trước, ông Hải bị phát ban, không tiền trị bệnh nên đôi mắt lần lượt mù lòa. Lúc ông Hải còn sáng mắt, vợ chồng ông đi làm mướn kiếm sống, nuôi người em trai liệt cả hai chân. Khi nghịch cảnh không may ập đến, cuộc sống gia đình vốn dĩ khó khăn càng trở nên ngặt nghèo. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào cũng vậy, ông Hải vẫn không nản lòng.

“Lúc hai mắt tôi bị mù hẳn, mọi sinh hoạt, đi lại trở nên khó khăn. Lúc vợ đi làm mướn thì tôi ở nhà làm việc lặt vặt, rồi canh con nước dưới sông, hễ tới nước ròng thì lội xuống mò cá. Trước đây, con sông này nhiều cá lắm, độ chừng tháng 2, tháng 3, cá bống cát nhiều vô kể. Có ngày tôi bắt được hơn 2kg cá, một mớ thì đem bán, một mớ để dành ăn, bà con xung quanh thương tình nên mua không trả giá, nhờ vậy có tiền mua gạo” - ông Hải trải lòng. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, cá dưới sông không còn nhiều, có ngày lặn ngụp  2 - 3 tiếng đồng hồ, ông Hải chỉ kiếm được chừng 1kg cá, ít nữa thì hơn chục con đủ để ăn.

Bà Trần Thị Sáu ở cạnh nhà ông Hải cho biết: “Ông Hải năm nay 60 tuổi rồi. Tuy hai mắt không thấy đường nhưng ông bắt cá rất tài tình, hễ xuống ruộng, xuống sông một lúc là bắt dính cá. Trong nhà, bàn ghế bị sút gãy, ông cũng mày mò sửa chữa. Chúng tôi quý ông Hải ở chỗ, dù nghèo khó, tật nguyền nhưng không hề than thân trách phận. Mấy năm trước, vợ chồng ông vừa nuôi người em bị liệt chân, còn phải chăm sóc cho người cha bị tai biến, cuộc sống khắc khổ lắm. Hiện vợ ông Hải bị chứng đau đầu nặng, tuột huyết áp, thường xuyên phải nằm bệnh viện, đến lúc khỏe thì đi làm mướn, ai thuê gì làm đó, có được tiền thì mua mắm, muối trong nhà... Thỉnh thoảng xóm giềng cũng mang cho ông một ít thức ăn, lúc đó cả nhà mừng lắm”.

Căn nhà ông Hải đang ở là do một doanh nghiệp cất cho cách đây 20 năm, hiện nhà cũng đã xuống cấp. Phía sau nhà, nơi người em trai bị tật đang ở, mái dột nát, hai bên vách lá thủng loang lổ. Tháng trước, gặp trận mưa gió lớn, cột nhà lung lay, vách lá bung, ông Hải phải lấy dây buộc tạm. Để ngăn không cho nước mưa trút xuống bộ vạc tre, vợ chồng ông Hải căng tạm tấm nylon che chắn chỗ người em nằm. Kể về người em vợ tật nguyền, ông Hải bộc bạch: “Vợ tôi chỉ có Thạch Tâm là em ruột, lại bị tật nguyền, cho nên dù khổ cỡ nào cũng phải đùm bọc nhau mà sống. Tôi ước gì có thể sửa lại cái nhà sau, cất được nhà vệ sinh sạch sẽ. Em tôi đi lại không được, tôi lại bị mù, mỗi lần đi vệ sinh ở cây cầu bắc ngoài mương, tôi cũng sợ, lo nhất là khi trời mưa, đêm tối, đường đất sình lầy trơn trợt”.

Đồng chí Huỳnh Hữu Lộc - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã An Mỹ cho biết, hoàn cảnh gia đình ông Hải đặc biệt khó khăn, với số tiền hỗ trợ người khuyết tật vài trăm ngàn mỗi tháng của địa phương cũng chỉ giúp cho gia đình ông Hải tạm trang trải cuộc sống, khi ốm đau, bệnh tật thì khó khăn vô cùng. “Trước đây, ông Hải có thể kiếm sống bằng việc bắt cá, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây do lớn tuổi, sức khỏe sa sút nên không đi nhiều như trước. Thương nhất là những lần ông xuống sông bị giẫm phải miểng sành, gai nhọn, vết thương vừa lành là ông lại dò dẫm đi kiếm cá. Hiện nhà sau của ông Hải xuống cấp, cầu vệ sinh lại cách xa nhà, bắc cheo leo trên con mương. Người bình thường, đi lại trên nền đất sình bùn, trơn trợt còn khó, đối với người khuyết tật như ông Hải, ông Tâm thì khó hơn rất nhiều. Với gia đình ông Hải lo cơm ăn hàng ngày đã vất vả, thì biết bao giờ mới sửa được nhà” - đồng chí Huỳnh Hữu Lộc thông tin.

XUÂN NGUYÊN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: