• Đời sống xã hội

Sóc Trăng phát huy hiệu quả từ mô hình giảm nghèo bền vững

26/10/2021 03:06 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 26/10/2021 | 03:06

STO - Trong giai đoạn 2016 - 2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3%/năm, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số hơn 4%. Nhờ đó, số hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh trong năm 2020, hiện nay giảm còn 8.623 hộ, chiếm trên 2,6% tổng số hộ dân trên toàn tỉnh.

Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, các công trình kết cấu hạ tầng đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh và có việc làm để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Hơn nữa nhờ sự quan tâm của Trung ương và nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương đã giúp nhân dân giảm đến mức thấp nhất những ảnh hưởng từ dịch Covid-19...

Thời gian qua, để nâng cao đời sống đồng bào Khmer, tỉnh Sóc Trăng đã phát huy tiềm năng, lợi thế, điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, bền vững. Nghề chăn nuôi bò sữa, bò thịt từ nhiều năm qua được xem là thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng. Mô hình này đã góp phần quan trọng giúp đời sống nhiều hộ dân, nhất là các hộ nghèo, đồng bào Khmer nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, từng bước hình thành nghề chăn nuôi bò sữa trong tỉnh. Ngoài ra, người chăn nuôi bò sữa còn được trang bị kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi và khuynh hướng phát triển đàn bò.

Mô hình chăn nuôi bò thịt giúp nhiều gia đình thoát nghèo (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch bệnh). Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Chị Lâm Thị Ngọc Thu, ấp Tiếp Nhật, xã Viên An (Trần Đề) cho biết, bản thân cũng từng muốn rời quê mưu sinh nhưng con nhỏ, chồng thường hay bệnh nên dự định không thành. Chị bắt đầu thực hiện mô hình chăn nuôi bò khá lâu, nhưng gần đây mới thành công và phát triển được 13 con bò sữa, 2 con bò thịt, hiện tại mỗi ngày cho thu nhập trên 300.000 đồng. Chị thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách chăm sóc giúp bò khỏe, cho nhiều sữa đến các hộ nuôi bò sữa trong xóm.

Còn anh Thạch Minh Dương ở ấp Tâm Lộc, xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) trước đây kinh tế gia đình cũng tương đối khó khăn, đến năm 2012 khi đến với nghề nuôi bò sữa, cuộc sống đã bắt đầu được cải thiện và ổn định. Từ 2 con bò sữa ban đầu, đến nay gia đình anh đã phát triển lên 10 con. So với thu nhập từ trồng màu và làm lúa, chăn nuôi bò sữa hiệu quả và bền vững hơn.

Chị Thạch Thị Sà Vượl ở ấp Kinh Đào, xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành) là một trong những điển hình từ hiệu quả thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Từ một hộ nghèo, trồng màu thu nhập bấp bênh, chị đã mạnh dạn vay vốn, áp dụng mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Chị Sà Vượl chia sẻ: “Trước đây, gia đình chủ yếu tận dụng đất xung quanh nhà trồng màu, thời gian rảnh thì hai vợ chồng đi làm thuê. Hai đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống càng trở nên thiếu thốn. Năm 2013, gia đình được địa phương xét cho vay 7 triệu đồng không lãi suất và hỗ trợ 8 triệu đồng để phát triển chăn nuôi bò sinh sản, đồng thời được tập huấn kỹ thuật nuôi. Quá trình chăn nuôi, tích lũy, đến nay gia đình tôi có gần 20 con bò, cuộc sống ổn định hơn rất nhiều”.

Sóc Trăng phát huy hiệu quả từ chăn nuôi bò sữa trong đồng bào Khmer. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Năm 2020 bình quân mỗi nông hộ nuôi từ 5 - 6 con bò sữa trở lên. Cơ cấu đàn cái sinh sản chiếm 60% và đàn cái vắt sữa chiếm 40% tổng đàn; năng suất sữa đạt 4.500 kg/con/chu kỳ, sản lượng sữa tươi đến cuối năm 2020 đạt 12.530 tấn/năm. Bên cạnh đó, chăn nuôi bò thịt ở Sóc Trăng là ngành chăn nuôi truyền thống, góp phần giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động ở nông thôn, vùng đồng bào Khmer, giúp cho người nông dân có thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững và làm tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.

Nhờ mô hình này mà người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, nhất là đối với các nông hộ là người Khmer vùng sâu, vùng xa. Chỉ vài năm gắn bó với con bò sữa, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo, xây được nhà mới khang trang, mua sắm phương tiện đi lại, cải thiện đời sống... cho thấy hiệu quả thiết thực của dự án. Với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục phát huy các mô hình kinh tế thật sự hiệu quả, bền vững, đảm bảo sự phát triển toàn diện cả về vật chất lẫn tinh thần cho đồng bào Khmer.

PHƯỚC LIÊU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: