• Đời sống xã hội

Vất vả nghề cưa cây

28/11/2021 03:22 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 28/11/2021 | 03:22

STO - Người làm công việc cưa cây rất gian nan, vất vả và phải đối mặt với sự hiểm nguy, thậm chí có thể đánh đổi cả mạng sống của mình. Tuy nhiên, vì “miếng cơm, manh áo”, những thợ cưa cây “dịch vụ” chấp nhận rủi ro để kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình.

Anh Hu cưa “mở miệng” thân cây thốt nốt (ảnh chụp trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp). Ảnh: THI RE

Ngay buổi sáng sớm, chuông điện thoại của anh Trần Minh Luân (thường được gọi là thợ Hu), ngụ Khóm 9, Phường 3, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) đã vang lên: “Alô! Cưa cây ở đâu? Để chúng tôi đến đó”. Khoảng một tiếng sau, anh Hu cùng đồng nghiệp của mình lên xe mang theo dụng cụ hành nghề và có mặt tại nhà bà Sinh, ngụ Khóm 5, Phường 3, TP. Sóc Trăng để khảo sát địa hình. Gia đình bà Sinh cần đốn hạ cây dừa, cây thốt nốt và tỉa nhánh các cây sala gần đường dây điện. Sau khi quan sát kỹ lưỡng, anh Hu báo giá và khách đã đồng ý.

Bắt tay vào việc, anh Hu bắc thang trèo lên buộc dây thừng cho chắc và được sự trợ lực của đồng nghiệp, thiết bị hỗ trợ là pa lăng. Trong tiếng động cơ máy cưa rè... rè, xoen... xoét, ầm, ầm, chỉ trong thời gian ngắn, cây thốt nốt có chiều cao hơn 10m rời khỏi gốc, ngã về hướng vườn cây và tránh được đường dây điện của gia đình. Anh Hu và đồng nghiệp của mình thở phào và nhoẻn miệng: “Uống ly nước cho mát. Thế là hạ thành công và an toàn, mừng quá”.

Theo các thợ cưa cây, các dụng cụ cần được trang bị để hành nghề gồm: máy cưa, dây nài, dây thừng để kéo cây, móc pa lăng, giá treo, thuốc diệt côn trùng, dao… Sau khi nhận lịch hẹn với khách hàng, thợ cưa đến nơi, trước tiên cần phải tư vấn khách hàng về mục đích sử dụng cây. Quy trình thực hiện cưa hạ cây an toàn trải qua nhiều công đoạn khác nhau, nếu cây đó có tổ ong thì thợ cưa cần phải sử dụng thuốc diệt côn trùng, xua đuổi các loại côn trùng.

Đang trò chuyện, anh Hu chỉ tay lên cây dừa có một tổ ong bần, cái đó chuyện nhỏ, chỉ xịt thuốc côn trùng nhẹ nó bay hết thôi. Khi chúng tôi hỏi về cách cưa hạ cây trực tiếp, anh Hu bày tỏ: “Thợ cưa cây sử dụng công cụ hỗ trợ trèo lên buộc dây thừng nơi trọng yếu, nhờ người phụ kéo cây về hướng cần ngã, cưa gốc để hạ cây. Xong, thợ sẽ đoạn thân cây thành từng khúc theo yêu cầu của khách hàng, tỉa nhánh, cưa cành. Còn hình thức đoạn lóng áp dụng nơi địa hình khó khăn, có khả năng ảnh hưởng tài sản khách hàng. Thợ cưa như chúng tôi định hình phương án, trèo lên cây đoạn thành từng lóng nhỏ, đến chỗ an toàn sẽ sử dụng dây thừng buộc và triển khai như kiểu hạ trực tiếp. Cưa cây, khả năng dự đoán tốt hướng ngã theo dáng cây, dưới sự tác động của hướng gió. Mỗi loại cây đều có độ khó riêng, trước khi vào cưa hạ bất kỳ cây gì đều tỉ mỉ quan sát theo yêu cầu của gia chủ, khách thuê, đảm bảo trong quá trình cưa thân cây, nhánh cây rơi xuống không ảnh hưởng đồ vật xung quanh và người bên dưới. Nếu cưa xong, khách cần bán gỗ lại thì tôi mua với giá cả hợp lý. Những thân cây hoặc gốc cây, tôi thu mua về để điêu khắc các hình tượng bằng gỗ”.

Là một trong những người đồng hành đắc lực của anh Hu từ nhiều năm qua, anh Lâm Sà Phôl bộc bạch: “Nhiều lúc yêu cầu của khách hàng đưa ra vô cùng hóc búa, chẳng hạn như cưa cây dừa mà không được để trúng các loại cây cối xung quanh. Chỉ cần một nhát cưa không chuẩn là hư hỏng dây điện, dây cáp liền. Biết khó nên khách mới thuê mình để đốn hạ. Dù khó khăn, vất vả leo trèo như “chú khỉ” trên cao để mé nhánh, cành cây, nhưng chúng tôi lúc nào cũng thận trọng, an toàn tính mạng là trên hết”.

Theo kinh nghiệm của các thợ hành nghề cưa cây, muốn đốn hạ cây, đặc biệt là cây dừa hay cây thốt nốt ở địa hình phức tạp thì trước hết phải buộc dây thừng trên thân cây cho chắc, sau đó cưa “mở miệng” cho thân dừa mất điểm tựa thì người thợ nhanh như chớp rời xa gốc dừa... Lập tức, đồng đội hỗ trợ kéo dây hô nhịp nhàng, khi thợ cưa đếm 1, 2, 3 kéo mạnh như kéo co. Khi thấy cây ngã đổ về phía mình thì vừa kéo dây vừa lùi xa ra sau nhằm tránh sự cố xảy ra. Khi cây dừa đã yên vị dưới đất, họ hoàn thành công việc. Nếu gia chủ muốn xẻ thân cây dừa làm gỗ thì họ cưa thành khúc.

Chia tay với các anh thợ khi trời đã gần tối, những giọt mồ hôi ướt đẫm áo các anh. Công việc của các anh yêu cầu rất cao, không phải tay ngang mà làm được và nguy hiểm cận kề. Anh Hu chia sẻ: “Nói thì dễ nhưng không phải ai cũng làm được nghề cưa hạ cây, phải luôn túc trực bên gốc hoặc có khi leo chót vót trên ngọn, nhánh, tiềm ẩn biết bao nguy hiểm, chỉ cần sơ suất nhỏ là tai họa có thể ập đến. Đổi lại, khi cưa các cây ở thế khó, thù lao cũng tạm ổn. Chúng tôi không chỉ đi cưa hạ cây và thu mua cây ở địa bàn thành phố mà khi bà con ở các huyện cần cưa cây hoặc bán cây, chúng tôi cũng sẵn sàng có mặt”.

THI RE

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: