Nhiều người học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng chính sách miễn, giảm học phí

24/09/2022 04:34 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 24/09/2022 | 04:34

STO - Đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp được ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nhân lực. Vì vậy, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, chính sách liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, trong đó phải kể đến chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, ngày 27/8/2021 của Chính phủ, quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021.

Chính sách dành cho giáo dục nghề nghiệp giúp học sinh, sinh viên vượt qua hoàn cảnh, học tập tốt. Ảnh minh họa: NGỌC HẢI

Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ban hành thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngày 2/10/2015 áp dụng đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo khoản 12 Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định đối tượng được miễn học phí trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: các đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; học sinh, sinh viên khuyết tật; người học các trình độ trung cấp, cao đẳng mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp; học sinh, sinh viên hệ cử tuyển (kể cả học sinh cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên) theo quy định của Chính phủ về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Sinh viên học chuyên ngành Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh học một trong các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp y, Pháp y tâm thần và Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước; học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 57/2017/NĐ-CP, ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành của cơ quan có thẩm quyền, cũng thuộc đối tượng được miễn học phí.

Ngoài ra, còn áp dụng đối với người học thuộc các đối tượng của các chương trình, đề án được miễn học phí theo quy định của Chính phủ; người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp; người học các trình độ trung cấp, cao đẳng, đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định; người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Các ngành, nghề chuyên môn đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định. Và còn 4 nhóm đối tượng được giảm 70% và 50% học phí.

Tại tỉnh Sóc Trăng, học sinh, sinh viên thuộc nhóm đối tượng được miễn, giảm học phí theo nghị định này cho rằng, đó là nguồn động lực to lớn, đồng hành với các em trong quá trình học tập, giảm gánh nặng khó khăn về kinh tế, các em yên tâm theo học ngành nghề mình lựa chọn. Từ khi nhập học tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng, sinh viên Thạch Thị Ngọc Thảo, ngành Kế toán không còn lo học phí mỗi năm vì cha mẹ em thuộc diện cận nghèo, người dân tộc Khmer nên được miễn học phí. Ngọc Thảo chia sẻ: “Học xong lớp 9, em có ý định nghỉ học, đi làm phụ giúp gia đình. Cha mẹ em có 4 người con, gia đình em không có ruộng đất, cha mưu sinh bằng nghề thợ hồ. Các anh chị em ai cũng học hành dang dở, đi làm sớm. Nhờ thi đậu tuyển sinh lớp 10, em cố gắng học tiếp, 3 năm cấp 3 em được miễn học phí. Vào học cao đẳng, em tiếp tục được xét giảm học phí, em rất mừng. Mỗi tháng em đi làm thêm kiếm cũng tầm 1,8 triệu đồng, nên trang trải các phần khác trong học tập, cha mẹ đỡ lo hơn”.

Cô Quách Hồng Duyên - Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng thông tin: “Năm 2021, trường thực hiện các chế độ chính sách cho học sinh, sinh viên theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP có 3 đối tượng được hưởng chế độ chính sách được miễn, giảm học phí: sinh viên học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp: giảm 70% học phí cho học sinh học ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Có 13 lượt sinh viên được miễn, giảm học phí với tổng số trên 25,7 triệu đồng. Năm 2022, trường tiếp tục thực hiện hỗ trợ chế độ cho 3 đối tượng này, dự kiến vào khoảng tháng 11/2022”.

Nhờ có những chính sách dành cho người học trong giáo dục nghề nghiệp, đã “trợ lực” cho quá trình học tập của các em, không bị chi phối do khó khăn về chi phí học tập. Đồng thời, cũng khuyến khích những đối tượng nằm trong nhóm thụ hưởng chính sách mạnh dạn lựa chọn học ngành nghề mình yêu thích.

NGỌC HẢI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: