• Giáo dục nghề nghiệp

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn - trong cái khó vẫn có hướng đi

13/12/2022 04:35 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 13/12/2022 | 04:35

STO - Thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều lao động nông thôn tại tỉnh Sóc Trăng đời sống khó khăn do ít đất sản xuất hoặc không có đất sản xuất; không có nghề nghiệp ổn định, đa số làm thuê để mưu sinh, nên thu nhập bấp bênh và khó bền vững. Đào tạo nghề cho lực lượng lao động ở nông thôn được xem là một trong những giải pháp thiết thực tạo điều kiện cho lao động thay đổi tư duy, nâng cao tay nghề để dễ tìm công việc phù hợp, có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, công tác này cũng gặp không ít khó khăn nên các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trong tỉnh có giải pháp tháo gỡ, để giải quyết vấn đề nghề nghiệp cho lao động nông thôn.

Theo đánh giá của Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kế Sách Trần Minh Hiếu, công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của người lao động. Công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp về đào tạo nghề chưa theo kịp nhu cầu của xã hội, nhất là trong học sinh, thanh niên chưa hiểu đúng và lựa chọn học nghề là một trong những con đường lập thân, lập nghiệp phù hợp với khả năng và điều kiện của mình. Nhiều người trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa, do vậy việc mở lớp cũng còn gặp khó khăn. Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề phục vụ giảng dạy còn thiếu, cũ, lạc hậu… là thực trạng chung trong giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương trong tỉnh.

Trước những khó khăn, thách thức trên, trung tâm cũng đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục. Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, các ngành có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh, nhằm phổ biến các chế độ, chính sách ưu đãi đối với lao động nông thôn. Đồng thời giải thích cho người lao động hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề hiện nay để người lao động tự nguyện tham gia và có trách nhiệm trong học tập. Các xã, thị trấn đều quan tâm công tác đào tạo nghề cho người dân và coi đây là công tác hết sức quan trọng nhằm góp phần giảm nghèo ở địa phương. Mạng lưới các cơ sở dạy nghề của địa phương có bước phát triển, việc triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa và đa dạng hóa về loại hình đào tạo, ngành nghề đào tạo, phương thức đào tạo được duy trì đẩy mạnh, mang lại kết quả trong việc hình thành và phát triển hệ thống các cơ sở dạy nghề, mở rộng ngành nghề đào tạo, huy động nguồn nhân lực từ người học nghề, từ các cơ sở sản xuất và từ xã hội cho công tác đào tạo nghề.

Tại huyện Kế Sách (Sóc Trăng), người lao động học nghề đan giỏ nilon đảm bảo có việc làm, có cơ sở thu mua sản phẩm làm ra. Ảnh: NGỌC HẢI

Trong năm 2022, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kế Sách đã mở 23 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 421 học viên, đạt 106,3% so với kế hoạch. Theo đó, dạy nghề phi nông nghiệp đa dạng như: đan giỏ nilon, cắt uốn tóc - trang điểm, đan ghế dây nhựa, quấn lõi quạt gió; nghề nông nghiệp gồm: kỹ thuật nuôi ốc bươu đen, nuôi lươn, nuôi ếch, nuôi bò, nuôi dê, trồng rau hữu cơ, trồng cây ăn quả và hoa kiểng. Giải quyết việc làm cho lao động học nghề là 345 học viên, đạt 81,9% so với kế hoạch đào tạo nghề năm 2022.

Các lớp được mở theo nhu cầu của người học nghề, đối với nghề phi nông nghiệp, sau khi học xong đa số lao động có việc làm, có thu nhập ổn định; với nghề nông nghiệp, kết thúc khóa học, người học nghề áp dụng trực tiếp những kiến thức đã học vào vật nuôi, cây trồng của gia đình mình để chăn nuôi, trồng trọt. Chị Nguyễn Thị Mỹ Xuyên - Giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kế Sách cho biết: “Tại huyện Kế Sách, đào tạo nghề phi nông nghiệp mở 8 lớp thì đã có 4 lớp dạy đan giỏ nilon với 72 học viên. Đa số học viên là phụ nữ, tuy không phải là lao động chính trong gia đình, nhưng các chị mong muốn qua lớp học nghề có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi để làm việc có thêm thu nhập. Đến học lớp này, chỉ cần 5 buổi học là các chị biết cách đan chiếc giỏ. Tôi đã dạy nhiều lớp, đa số các chị rất thích học nghề này và cho rằng đây là công việc có thu nhập giúp các chị chống chọi suốt 2 năm dịch Covid-19 hoành hành. Sau khi học xong, các chị có việc làm ngay, cơ sở Huy Kỳ ở huyện Châu Thành (Sóc Trăng) thu mua các sản phẩm các chị làm. Tính bình quân, người lao động thu nhập thêm từ công việc này nhiều nhất là 4 triệu đồng/tháng, ít nhất cũng được 2 triệu đồng/tháng”.

Do đang mang thai nên chị Trần Thị Ngọc Tào, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, không đi làm được mà phải ở nhà chăm con cho chồng đi làm. Thấy thu nhập từ công việc làm thuê của chồng cũng không đủ trang trải các chi phí hằng ngày nên chị quyết định học lớp đan giỏ nilon để thời gian rảnh ở nhà chị đan giỏ kiếm thêm tiền. Chị Tào bộc bạch: “Học nghề này cũng dễ, chỉ cần kiên trì ngồi đan, kéo dây chặt tay, chỉnh cho đều, đẹp là hoàn thành chiếc giỏ. Sau khi học xong, tôi lãnh dây về làm chờ ngày sinh. Rồi sinh xong, khi lấy lại sức khỏe, tôi vẫn làm tiếp để có đồng vô đồng ra”.

Giáo viên trung tâm truyền đạt kỹ thuật chăn nuôi bò cho các học viên. Ảnh: NGỌC HẢI

Khắc phục những khó khăn, năm 2022, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đã mở được 44 lớp đào tạo nghề cho 792 học viên, trong đó nghề phi nông nghiệp có 11 lớp, nghề nông nghiệp 33 lớp, nâng tổng số học viên tham gia học nghề là 1.040, đạt 147,72% chỉ tiêu trên giao (trong đó trung tâm đào tạo 792 học viên và đào tạo nghề tư nhân được 248 học viên). Trung tâm đã tổ chức bế giảng 26 lớp dạy nghề, với 466 học viên, dự kiến đến cuối năm 2022, trung tâm sẽ tổ chức bế giảng lớp đạt 100%.

Tính đến nay, số người có việc làm sau học nghề 453/466 lao động, đạt tỷ lệ 97,21%, trong đó có 7 lớp đan hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm được cơ sở Huy Kỳ bao tiêu (89,51%), một số học viên còn nhận đan giỏ theo nhu cầu của khách hàng, có mức thu nhập khá ổn định. Đối với nghề nông nghiệp, sau khi học nghề xong, lao động tự tạo việc làm, như: chăn nuôi và trồng trọt tại nhà, từ đó mức thu nhập tăng lên, giúp lao động cải thiện được cuộc sống. Đặc biệt, với mô hình trồng bí đao bung ở xã Viên An, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ cho các hộ trồng bí đao bung là 500.000 đồng/1.000m2 và được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trần Đề Lưu Tuấn Anh đánh giá: “Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trần Đề rất quan tâm đa dạng hình thức đào tạo nghề, nhiều chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo được đổi mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường, góp phần quan trọng cho việc nâng cao chất lượng nguồn lao động của huyện. Số lượng lao động nông thôn được đào tạo nghề ngày một tăng; chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Điểm dạy nghề được bố trí thuận lợi cho người học, học viên chủ động lựa chọn buổi học, đảm bảo học viên vừa đi học vừa sắp xếp được công việc của mình. Thực tế cho thấy, lao động nông thôn đã được tiếp cận kiến thức mới, biết cách làm ăn, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tự tạo việc làm tại chỗ hoặc tự hành nghề để kiếm sống, có cơ hội gia nhập vào việc làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương”.

Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đóng vai trò quan trọng góp phần nâng cao tay nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động, thời gian qua, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh vượt khó, vạch hướng đi, hướng đến mục tiêu trang bị kỹ năng và kiến thức cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đào tạo phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của lao động.

NGỌC HẢI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: