• Giáo dục nghề nghiệp

Nâng cao năng lực người lao động - Hướng đến cải thiện chỉ số Đào tạo lao động trong PCI

22/12/2022 03:56 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 22/12/2022 | 03:56

STO - Lực lượng lao động là nhân tố quyết định sự thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ thì việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao lại ngày càng được tỉnh Sóc Trăng quan tâm. Cùng với việc Quy hoạch tích hợp đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới trong tương lai. Tuy nhiên, nếu chất lượng nguồn nhân lực không được chuẩn bị sẵn sàng thì Sóc Trăng sẽ bỏ lỡ cơ hội bứt phá.

Kỳ 1: Góc nhìn từ thị trường lao động và doanh nghiệp

Chỉ số “Đào tạo lao động” của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2021 đạt 4,98 điểm, xếp thứ 58/63 tỉnh, thành cả nước và 11/13 vùng đồng bằng sông Cửu Long, giảm 1,1 điểm. Đây là vấn đề đặt ra không chỉ của địa phương, mà còn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, nhất là lao động trình độ cao, trong đó mức đáp ứng nhân sự ở cấp quản lý, giám sát chỉ nằm ở mức trung bình của vùng. Kéo theo doanh nghiệp tại tỉnh gặp khó khăn do chi phí tuyển dụng và đào tạo cao. Nguyên do, tỉnh Sóc Trăng chưa có giải pháp "hóa giải" thách thức mà thị trường lao động phải đối mặt, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp.

Thị trường lao động đối mặt thách thức

Qua phân tích thực tế, thị trường lao động tỉnh Sóc Trăng đang đối mặt với một số thách thức. Điều dễ nhận thấy, chất lượng lao động tại tỉnh chưa có tính cạnh tranh so với các tỉnh, thành khác trong vùng. Trong năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế của tỉnh trên 596.000 người, chiếm 49% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 11,9% trong năm 2021. Đối với lao động đã qua đào tạo, trình độ lao động cũng đa số dừng ở mức sơ cấp. Theo báo cáo từ các cơ sở đào tạo, trong giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Sóc Trăng tuyển sinh, đào tạo được trên 97.000 người, trong đó phần lớn là trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên (85%). Ngoại trừ 2 trường cao đẳng có thời gian đào tạo từ 2 - 3 năm, đa số các cơ sở đào tạo tại tỉnh đều có thời gian đào tạo trung bình ngắn, dưới 3 tháng.

Đa số các cơ sở đào tạo tại tỉnh Sóc Trăng đều có thời gian đào tạo trung bình ngắn, dưới 3 tháng. Ảnh: NGỌC HẢI

Ngoài vấn đề về chất lượng lao động, Sóc Trăng còn phải đối mặt với tình trạng di cư cao. Chênh lệch về thu nhập, cơ hội việc làm, mức sống giữa các địa phương là một trong những yếu tố thúc đẩy di cư tại tỉnh, nhất là lao động có tay nghề, trình độ có xu hướng di cư đến những tỉnh, thành có thu nhập cao hơn như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Cần Thơ... Ở năm 2021, tỉnh Sóc Trăng có tỷ suất di cư thuần là -24,05 ‰. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với các tỉnh trong vùng. Sự chênh lệch trong mức sống cũng là nguyên nhân chính cho tình trạng di cư lao động tại Sóc Trăng.

Ngoài ra, chất lượng đầu vào của các cơ sở đào tạo chưa được đánh giá cao. Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) khảo sát 10/19 cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh, có đến 60% cơ sở đào tạo đánh giá chất lượng học viên đầu vào tại tỉnh ở mức “trung bình”. Ngoài ra, về số lượng, có đến 40% đơn vị đào tạo phản hồi đang thiếu nguồn học viên đầu vào. Bên cạnh đó, hơn 50% đơn vị cũng phản ánh đang thiếu giảng viên.

Lực lượng lao động chưa làm “hài lòng” doanh nghiệp

Theo chuyên gia VCCI Cần Thơ, đơn vị đã khảo sát 30 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh có quy mô và sử dụng nhiều lao động, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nông, lâm, thủy sản, các doanh nghiệp có đánh giá chung là lao động chưa đáp ứng được kỳ vọng mà doanh nghiệp hướng đến. Theo đó, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng lao động có trình độ. Mức độ dễ dàng trong tuyển dụng không được các doanh nghiệp đánh giá cao. Theo đó, phần lớn doanh nghiệp đánh giá việc tuyển dụng lao động tại tỉnh ở mức khó khăn (44%) và trung bình (43%). Đào sâu vào vấn đề, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi tuyển dụng nhân viên kỹ thuật (chiếm 45%), cao hơn hẳn các vị trí khác. Lao động phổ thông cũng gặp tình trạng tương tự dù mức độ có phần nhẹ hơn, ở mức 24%. Khó khăn trong tuyển dụng kéo theo chi phí tuyển dụng của doanh nghiệp cũng tăng cao (9% so với tổng chi phí kinh doanh, PCI 2021).

Doanh nghiệp thiếu lao động chủ yếu tập trung ở vị trí lao động phổ thông và nhân viên kỹ thuật. Ảnh: CHÍ BẢO

Vẫn còn tình trạng thiếu lao động ở doanh nghiệp. Hơn 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng cho biết đang gặp tình trạng thiếu lao động. Cụ thể hơn, tình trạng thiếu lao động chủ yếu tập trung ở vị trí lao động phổ thông và nhân viên kỹ thuật, với mức độ lần lượt là 35% và 39% doanh nghiệp đánh giá. Vị trí quản lý cấp trung và cấp cao cũng xảy ra tình trạng thiếu nhưng mức độ nhẹ hơn.

Doanh nghiệp phải tốn nhiều chi phí để đào tạo lao động, điều đó cho thấy trình độ hiện tại của lao động tại tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đánh giá, lao động tại tỉnh còn thiếu tác phong công nghiệp. Theo đó, một trong những ý kiến được đề cập nhiều nhất là cần cải thiện thái độ lao động, tính kỷ luật trong công việc. Thái độ làm việc không chuyên nghiệp sẽ làm giảm năng suất của doanh nghiệp cũng như khó thu hút được những doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh.

Phó Giám đốc nhân sự Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết: “Doanh nghiệp hiện có 3.645 lao động đang làm việc tại công ty, nhà máy, xí nghiệp trực thuộc. Dự kiến đầu năm 2023, công ty thành lập xí nghiệp mới nằm trong khu công nghiệp, cần khoảng 2.000 lao động. Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong tỉnh nói chung là bắt buộc phải đào tạo lực lượng lao động, về tay nghề, an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn quy định khách hàng, tiêu chuẩn để xuất khẩu. Về ý thức của người lao động vẫn chưa mang tính chuyên nghiệp. Khó khăn về di cư, doanh nghiệp cũng gặp tình trạng lực lượng lao động không phải tại chỗ mà lao động ở địa phương khác đến; tình trạng người lao động bỏ việc, trong năm 2022, công ty nhận 1.494 lao động, trong đó nghỉ việc 826 người, dù công ty có những chính sách đãi ngộ khá hấp dẫn tuy nhiên cũng chịu cảnh không giữ chân được lao động”.

Chính những yếu tố trên đã tác động đến Chỉ số Đào tạo lao động của tỉnh trong năm 2021 đạt điểm thấp. Khi thấy được những vấn đề này, chính quyền địa phương, cơ sở đào tạo cùng doanh nghiệp nên “ngồi lại” để có tiếng nói chung về chủ đề “đào tạo lao động” để tháo gỡ những vướng mắc, giải quyết vấn đề kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp tại tỉnh, vì lao động là nhân tố chính cho sự phát triển của doanh nghiệp.

NGỌC HẢI

(Còn tiếp)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: