• Giáo dục nghề nghiệp

Nâng cao năng lực người lao động - Hướng đến cải thiện chỉ số Đào tạo lao động trong PCI

23/12/2022 23:58 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 23/12/2022 | 23:58

STO - Lực lượng lao động là nhân tố quyết định sự thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ thì việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao lại ngày càng được tỉnh Sóc Trăng quan tâm. Cùng với việc Quy hoạch tích hợp đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới trong tương lai. Tuy nhiên, nếu chất lượng nguồn nhân lực không được chuẩn bị sẵn sàng thì Sóc Trăng sẽ bỏ lỡ cơ hội bứt phá.

Kỳ 2: Giải pháp cải thiện nâng cao chỉ số Đào tạo lao động

Chỉ số Đào tạo lao động giúp phản ánh mức độ và chất lượng hoạt động đào tạo nghề, phát triển kỹ năng do tỉnh triển khai, nhằm hỗ trợ cho các ngành sản xuất, kinh doanh tại địa phương, cũng như tìm kiếm việc làm cho lao động tại địa phương. Vì vậy, để cải thiện nâng cao chỉ số này cần triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng lao động, hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tháo gỡ "nút thắt" giữa doanh nghiệp và lao động

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) khuyến nghị, cần nâng cao tính kỷ luật, thái độ của lao động. Các doanh nghiệp cũng cho rằng, cần chú trọng tuyên truyền, trang bị kiến thức cho người lao động về kỷ luật lao động công nghiệp, kỹ năng làm việc nhóm và ý thức, văn hóa trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nâng cao kỹ năng mềm cho lao động cũng là điều được các doanh nghiệp quan tâm. Mặt khác, tăng cường chỉ tiêu đào tạo và bổ sung thêm các ngành nghề mới. Doanh nghiệp cũng cho biết, hiện nay đang thiếu lao động ở các ngành kỹ thuật may mặc, quản lý công nghiệp, điện - điện tử, chế biến thủy sản. Ngoài ra, tỉnh cũng nên xem xét đầu tư cho các ngành nghề đang có xu hướng phát triển mạnh trong thời gian tới tại tỉnh như: logistics, vận tải biển, thương mại điện tử...

Cải thiện, đầu tư cơ sở đào tạo góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Ảnh: NGỌC HẢI

Tăng cường phối hợp giữa doanh nghiệp và chính quyền, cơ sở đào tạo. Cần có buổi làm việc chính thức giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tại tỉnh để phối hợp trong công tác đào tạo, tuyển dụng. Về đào tạo, cần nắm bắt đúng nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng thừa, thiếu lao động giữa các ngành nghề. Ngoài ra, cơ sở đào tạo nên bổ sung các hoạt động thực tế, tạo điều kiện cho người học có cơ hội tham quan, thực tập tại doanh nghiệp. Về tuyển dụng, do tình trạng khó tuyển dụng như đã đề cập ở trên, doanh nghiệp cũng mong nhận được hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác tuyển dụng.

Có chính sách hỗ trợ về lao động cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp mong muốn nhận được hỗ trợ kinh phí để đào tạo nâng cao tay nghề, ứng dụng kỹ thuật công nghệ, hỗ trợ nơi giữ trẻ cho người lao động. Ngoài ra, các buổi tập huấn, tuyên truyền về chính sách mới, luật lao động, tập huấn về tiền lương, bảo hiểm, công đoàn cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Thêm vào đó, một số doanh nghiệp đề xuất tổ chức các khóa đào tạo về an toàn vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy tại doanh nghiệp.

Cải thiện cơ sở vật chất của đơn vị đào tạo. Trang thiết bị cũ kỹ, lỗi thời trong đào tạo nghề sẽ khiến lao động không bắt kịp với thực tế khi làm việc tại doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ sở đào tạo có thể mời doanh nghiệp tham gia một số học phần để tăng tính thực tế. Nâng cao phúc lợi cho lao động có trình độ, tay nghề để giữ chân lao động…

Nhìn thấy lợi thế - hoạch định hướng đi

Nhận định và tư vấn giải pháp cải thiện chỉ số PCI Sóc Trăng năm 2022 và những năm tiếp theo tại hội thảo “Tìm giải pháp cải thiện nâng cao chỉ số Đào tạo lao động trong PCI tỉnh Sóc Trăng”, ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ phân tích: “Hạ tầng giao thông tại đồng bằng sông Cửu Long cũng như Sóc Trăng có phát triển nhưng chưa có cải thiện nhiều, chưa rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh, thành. Điều đó cho thấy, tốc độ đầu tư so với tốc độ phát triển vẫn chưa tương thích. Không riêng gì Sóc Trăng mà cả các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa được đầu tư nhiều về hạ tầng. Câu chuyện lớn nhất kìm hãm sự phát triển kinh tế đồng bằng, trong đó có tỉnh Sóc Trăng chính là hạ tầng. Hạ tầng liên quan hàng loạt vấn đề, trong đó là khó thu hút, phát triển doanh nghiệp đầu tư theo tốc độ tăng trưởng chung của các nước, nhất là thu hút những dự án lớn. Nếu không thu hút được nhà đầu tư, doanh nghiệp mới đến đây thành lập, kéo theo là không tạo được việc làm cho người lao động.

Trong tương lai, hạ tầng giao thông của tỉnh cũng như các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ triển khai đầu tư nhiều dự án, tuyến đường trọng điểm, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng) được định hướng đầu tư trở thành cảng nước sâu cửa ngõ của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đó là cơ hội, nhưng tận dụng được cơ hội, thì chúng ta phải có năng lực đáp ứng. Thêm nữa, Sóc Trăng đang có lợi thế (nuôi và chế biến tôm là một trong những thế mạnh của tỉnh - PV), trong ngành nông nghiệp, tôm ở Việt Nam và nhu cầu thế giới tăng rất nhanh trong thời gian tới. Ngành năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió, đang được nhiều doanh nghiệp đầu tư, nhất là nguồn đầu tư từ nước ngoài. Điều đó chính là Sóc Trăng sẽ đón nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, đồng nghĩa lao động sẽ dễ tìm việc tại địa phương. Nhưng để được nhận việc, người lao động cần phải trang bị kiến thức nghề nghiệp mà doanh nghiệp cần” - ông Nguyễn Phương Lam nhấn mạnh.

Tại hội thảo "Tìm giải pháp cải thiện nâng cao chỉ số Đào tạo lao động trong PCI tỉnh Sóc Trăng", các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ "nút thắt" liên quan đến đào tạo lao động. Ảnh: NGỌC HẢI

Bà Mã Thị Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đồng quan điểm: "Nếu lao động trình độ thấp, rất dễ bị doanh nghiệp đào thải. Người lao động không nên tự thỏa mãn bản thân, kể cả đã có việc làm mà không tự lực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, rất khó đạt được mức lương ổn định và cao hơn".

Nhìn ở khía cạnh người lao động, ông Nguyễn Phương Lam chỉ ra rằng: “Người lao động không chỉ quan tâm thu nhập mà còn không gian sống. Di dân là họ đi tìm nơi sống phù hợp, trong đó, đầu tiên phải có làm việc, vì thu nhập, lương cao. Và nơi họ tìm đến có nơi sống tốt hơn, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, tiện ích cuộc sống; cơ sở hạ tầng đảm bảo cuộc sống an toàn hơn. Tỉnh đang thiếu tiện nghi tối thiểu như những khu công nghiệp, chưa có khu nhà ở công nhân tập trung, giải quyết tình trạng này, tỉnh có thể kêu gọi đầu tư doanh nghiệp nhỏ, đáp ứng hạ tầng tương đối”.

Phân tích thêm, Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam nhận định: “Về lĩnh vực lao động, rất cần sự hoạch định của doanh nghiệp trung và dài hạn, mới xác định nhu cầu cần nguồn lao động, để tránh tình trạng đào tạo lại, đào tạo ngành nghề doanh nghiệp không cần. Ngoài ra, doanh nghiệp phải có những chính sách tốt dành cho người lao động để người lao động gắn bó lâu dài, không phải thay đổi việc làm thường xuyên. Ngoài ra, vấn đề doanh nghiệp tự đào tạo là đáp ứng xác thực nhu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động. Vì lao động được học ở trường nghề chỉ là kiến thức nền tảng nên cần doanh nghiệp đào tạo thêm chuyên môn. Và cần có một hiệp hội chuyên ngành nắm bắt nhu cầu đào tạo, nhu cầu phát triển để kiến nghị với lãnh đạo tỉnh, đây là cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp”.

Trong những năm gần đây, tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh ứng dụng mô hình liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp hay phương thức đào tạo theo đơn đặt hàng, giúp doanh nghiệp chủ động nguồn nhân lực được đào tạo theo đúng yêu cầu. VCCI Cần Thơ cũng khuyến khích trong thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh đào tạo theo mô hình liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nhằm đảm bảo cung ứng nguồn lao động chất lượng và tăng dần tỷ lệ lao động có việc làm sau khi ra trường.

Những giải pháp trên giúp tỉnh nắm bắt cơ hội và hoạch định thực hiện các giải pháp cải thiện nâng cao chỉ số PCI tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt là chỉ số về đào tạo lao động. Nâng cao chất lượng lực lượng lao động của tỉnh, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, tạo đà phát triển doanh nghiệp gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

NGỌC HẢI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: