• Giáo dục nghề nghiệp

Xuất khẩu lao động góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương

25/12/2022 03:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 25/12/2022 | 03:01

STO - Xuất khẩu lao động là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết được các vấn đề an sinh xã hội. Những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện nhiều giải pháp để công tác này đạt hiệu quả thiết thực nhất.

Theo đó, tỉnh đã ban hành Đề án số 10/ĐA-UBND, ngày 23/12/2019 của UBND tỉnh Sóc Trăng thực hiện chính sách hỗ trợ vốn vay đối với người lao động tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc... theo hợp đồng; tham gia chương trình du học sinh vừa học, vừa làm tại Đài Loan (Trung Quốc) từ ngân sách tỉnh, giai đoạn 2019 - 2021. Qua đó, giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, các cơ quan có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả đề án, đảm bảo đúng quy định. Kết quả, giai đoạn 2019 - 2021, toàn tỉnh có 557 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (nữ là 272 người), trong đó hộ nghèo 8 người, hộ cận nghèo 4 người, thân nhân người có công 6 người, dân tộc Khmer 98 người...

Tính đến cuối tháng 6/2022, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện cho vay 60 người xuất khẩu lao động, với số tiền trên 4,2 tỷ đồng (48 người vay vốn đi làm việc tại Nhật Bản, 12 người vay vốn đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc)). Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 134 học sinh đi du học tại Đài Loan (Trung Quốc) theo hình thức vừa học, vừa làm và đã thực hiện cho vay đối với 72 trường hợp, với số tiền 3,4 tỷ đồng. Chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã giúp cho người lao động từng bước nâng cao mức sống hộ gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, giúp cho người lao động tiếp cận được phương pháp làm việc khoa học và được tiếp cận phương thức sản xuất tiên tiến, thông thạo ngoại ngữ. Ngoài ra, khi người lao động có việc làm ổn định, thu nhập cao sẽ hạn chế phát sinh các vấn đề tệ nạn xã hội, góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Cần tăng cường công tác tuyên truyền cho mọi đối tượng về chính sách xuất khẩu lao động. Ảnh: X.HƯƠNG

Chương trình du học sinh vừa học, vừa làm đã giúp cho các em học sinh, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn về tài chính được tiếp tục học tập nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, để sau khi tốt nghiệp có việc làm ổn định, thu nhập cao, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho địa phương.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, việc hỗ trợ các đối tượng xuất khẩu lao động, nhất là về vốn vay đã giúp cho người lao động có được việc làm ổn định; có thu nhập cao, đảm bảo đời sống của bản thân và gia đình; góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tùy theo từng thị trường lao động, thu nhập bình quân của người lao động từ 15 - 25 triệu đồng/tháng (trong đó, người lao động đi làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc) thu nhập khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng; Nhật Bản, Hàn Quốc khoảng 20 - 25 triệu đồng/tháng). Hàng năm, người lao động tích lũy được khoảng 240 triệu đồng (chưa bao gồm tiền làm thêm giờ); từ đó, người lao động đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ ngân hàng, có tiền gửi về gia đình sửa chữa, xây dựng nhà ở, phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, sau khi trở về địa phương, người lao động có trình độ nghề nhất định, có thể tham gia làm việc tại các doanh nghiệp trong nước.

Hỗ trợ vốn vay giúp người xuất khẩu lao động có được việc làm, thu nhập ổn định. Ảnh minh họa: QUANG BÌNH

Điển hình như em Đinh Thị Si Mol, sinh năm 1996, thường trú tại ấp Trà Mẹt, xã Tham Đôn, xuất cảnh tháng 5/2019, hiện nay đang làm việc tại Nhật Bản; Trần Minh Phước, sinh năm 2000, thường trú tại ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên), xuất cảnh tháng 11/2019, vay 78 triệu đi làm việc tại Nhật Bản, hiện nay trả hết nợ và gửi tiền về gia đình sửa chữa nhà ở khang trang. Hay như em Nguyễn Thị Kim Yến, sinh năm 1999, thường trú tại xã Mỹ Quới (thị xã Ngã Năm), xuất cảnh tháng 9/2019 sang làm việc tại Nhật Bản, thu nhập bình quân khoảng 30 triệu đồng/tháng, gửi tiền về gia đình sửa chữa nhà ở khang trang; Nguyễn Hoàng Gia Luân, sinh năm 2000, thường trú tại xã Long Bình (thị xã Ngã Năm), xuất cảnh tháng 5/2019, vay 78 triệu đồng đi làm việc tại Nhật Bản, thu nhập bình quân khoảng 30 triệu đồng/tháng, hiện nay đã trả hết nợ vay ngân hàng và gửi tiền về phụ giúp gia đình.

Đối với học sinh tham gia chương trình du học sinh vừa học, vừa làm tại Đài Loan (Trung Quốc), học sinh tự lực được chi phí học tập, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình trong việc học tập (bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng/người). Hiện số học sinh này vẫn đang học tập và làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) nên chưa thể đánh giá được hiệu quả của chương trình; tuy nhiên, thông qua chương trình du học sinh vừa học vừa làm tại Đài Loan (Trung Quốc), tỉnh sẽ có được nguồn lao động chất lượng cao, có kỹ năng thực hành tốt, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; góp phần thực hiện hoàn thành Đề án Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xuất khẩu lao động cũng còn một số vấn đề đáng quan tâm, trong đó, công tác tuyên truyền tuy được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, nhưng chưa thường xuyên và sâu rộng. Kết quả triển khai thực hiện đề án không đạt yêu cầu đề ra; số người được hỗ trợ vay vốn đạt thấp (đạt 15,53%); nguồn vốn thực hiện chính sách chưa được hiệu quả, tỷ lệ cho vay đạt thấp (chương trình cho vay đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt 43,62%; chương trình cho vay du học sinh đạt 17,24%). Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, từ đó các nước phải tạm dừng hoặc giảm quy mô tiếp nhận lao động; mặc khác, người lao động lo ngại dịch bệnh nên chưa tham gia. Việc thực hiện chính sách có phạm vi giới hạn các nước Nhật Bản, Hàn Quốc... nên người lao động hoặc du học sinh có nhu cầu đi làm việc, học tập ở các nước khác chưa được hỗ trợ, từ đó, hiệu quả của công tác xuất khẩu lao động chưa cao. Mức hỗ trợ vốn vay chương trình du học sinh còn thấp so với nhu cầu thực tế (tối đa 50 triệu đồng/người)…

Để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, tỉnh Sóc Trăng sẽ có những giải pháp tháo gỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng và phát huy chính sách đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, giúp mọi người nắm rõ hơn chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ để tích cực tham gia. Qua đó, năm 2022, toàn tỉnh đã có 228 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 103,64% kế hoạch.

Hy vọng công tác xuất khẩu lao động sẽ gặt hái nhiều kết quả khả quan hơn nữa, nhằm đáp ứng mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

XUÂN HƯƠNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: