• Giáo dục

40 năm vẫn vẹn nguyên giá trị

19/11/2022 03:38 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 19/11/2022 | 03:38

STO - Trong vô vàn những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam thì truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo luôn được trân trọng, giữ gìn qua nhiều thế hệ. Bởi giáo dục luôn có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia và “Không thầy đố mày làm nên” hay “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Vì vậy mà người thầy luôn được kính trọng và nghề giáo được coi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, năm 1957, Hội nghị Quốc tế các nhà giáo đã quyết định lấy ngày 20/11 là Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo. Tại Việt Nam, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 167/HĐBT chính thức lấy ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam - ngày để tôn vinh các nhà giáo, tôn vinh việc dạy học của ngành giáo dục nước nhà; thể hiện truyền thống hiếu học, tinh thần tôn sư trọng đạo.

Trong suốt chiều dài lịch sử giáo dục của Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều bậc thầy vĩ đại như: Từ các triều đại phong kiến ở Việt Nam có những người thầy như: Chu Văn An, thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy Lê Quý Đôn, thầy Nguyễn Đình Chiểu… đến thời kỳ đấu tranh cách mạng, nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta cũng từng là thầy giáo: cố Tổng Bí thư Trần Phú, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Tiêu biểu hơn là thầy giáo Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta. Đó là những bậc thầy tài đức vẹn toàn, những tấm gương mẫu mực, những nhà giáo tiêu biểu trong lịch sử giáo dục của đất nước. Và còn có biết bao thầy giáo, cô giáo vẫn thầm lặng cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp trồng người. Có thể nói, để đào tạo ra những thế hệ có thể làm rạng danh đất nước, trọng trách của người thầy không chỉ có sứ mệnh truyền đạt kiến thức mà còn ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách, đạo đức làm người của học sinh, giúp họ trở thành người vừa có tri thức, năng lực, vừa có nhân cách, đạo đức để giúp ích cho đời.

Bằng sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề, thầy cô giáo luôn cố gắng, nỗ lực vì đàn em thân yêu. Ảnh: XUÂN HƯƠNG

Đối với Sóc Trăng, nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh không ngừng phấn đấu thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, nhất là việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trong đó, nhân tố quyết định chất lượng của công cuộc đổi mới chính là đội ngũ nhà giáo. Mặc dù cũng còn không ít hạn chế, khó khăn nhưng phải thừa nhận giáo dục tỉnh ta thời gian gần đây cũng đã có sự chuyển mình đáng ghi nhận. Nếu như từ những năm đầu tái lập tỉnh, cơ sở vật chất còn thiếu thốn phải học ca 3, tre lá, tạm bợ, thì đến nay tỷ lệ kiên cố hóa đã gần 90%. Chất lượng giáo dục ngày càng phát triển, nhiều học sinh, giáo viên tham dự các cuộc thi đã đạt được nhiều giải ở cấp quốc gia và khu vực. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia được nâng dần theo thời gian, từ 3% của năm 2004 đến nay toàn tỉnh đạt 80%.

Riêng đội ngũ nhà giáo, năm 1992, toàn tỉnh có hơn 5.600 giáo viên, đến nay đã tăng lên hơn 17.000 cán bộ quản lý, giáo viên. Giai đoạn 1992 - 2002, cả tỉnh có được 1 nhà giáo nhân dân và 7 nhà giáo ưu tú, đến nay toàn tỉnh vinh dự có được 1 nhà giáo nhân dân và 156 nhà giáo ưu tú, trong đó, phải kể đến Nhà giáo nhân dân Lâm Es - người thầy dân tộc Khmer mẫu mực, cả đời vì sự nghiệp giáo dục. Ông là nhà giáo đầu tiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, năm 2002. Từng giữ cương vị Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng nhưng vẫn miệt mài với công việc hoàn thiện bộ sách Giáo khoa tiếng Khmer. Công trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào giảng dạy cho học sinh Khmer Nam Bộ ở các trường phổ thông dân tộc nội trú. Sau đó, dù tuổi đã cao nhưng thầy vẫn tâm huyết cùng ngành Giáo dục tỉnh nhà, vì các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng cho đến lúc chính thức nghỉ hưu.

Nhà giáo nhân dân Lâm Es - nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng luôn hết mình vì các thế hệ học sinh. Ảnh: XUÂN HƯƠNG

Hay như cô Trần Thị Lan Thảo - Nhà giáo ưu tú, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoàng Yến, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng), trong suốt 30 năm công tác, cho dù ở cương vị nào, hoàn cảnh nào (nhiều năm công tác ở vùng sâu), cô cũng luôn gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động. Với sự nhiệt huyết và lòng yêu nghề, mến trẻ, cô luôn phấn đấu hết mình cho sự nghiệp “trồng người”, xứng đáng là một nhà giáo gương mẫu, tiêu biểu để đồng nghiệp học tập và noi theo. Với những thành tích xuất sắc trong giảng dạy và quản lý, năm 2014, cô đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú và năm nay, cô là 1 trong những nhà giáo được Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng xét chọn là nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 1982 - 2022.

Và còn nhiều lắm những tấm gương nhà giáo thầm lặng mà cao quý. Nhất là trong đại dịch Covid-19, đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà vẫn không ngại hiểm nguy, kiên cường trên mặt trận giáo dục với mọi hình thức giảng dạy trực tuyến rồi chuyển sang trực tiếp để mục đích cuối cùng là mang kiến thức tốt nhất đến các em học sinh thân yêu.

Trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, có lẽ trách nhiệm của người thầy được đặt ra ngày càng nặng nề hơn. Tuy nhiên, bằng sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề và hơn hết là sự trân trọng của toàn xã hội sẽ là động lực giúp mỗi giáo viên vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với lòng tin yêu, sự kỳ vọng của mọi người.

XUÂN HƯƠNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: