• Giáo dục

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng - Bước chuyển mình sau 30 năm

29/04/2022 05:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 29/04/2022 | 05:01

STO - Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày tái lập tỉnh Sóc Trăng, cùng với những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế, những thay đổi tích cực trong đời sống xã hội, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Sóc Trăng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có những bước phát triển toàn diện và vững chắc trong lĩnh vực GD-ĐT, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

Những dấu ấn đổi mới…

Những ngày đầu tái lập tỉnh Sóc Trăng, ngành GD-ĐT cũng gặp một số khó khăn nhất định về cơ sở vật chất, mạng lưới trường, lớp… Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và sự quyết tâm phấn đấu của cán bộ, giáo viên trong toàn ngành nên lĩnh vực GD-ĐT dần đi vào ổn định và từng bước phát triển. Được biết, trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn khó khăn, nhiều lĩnh vực cần sự đầu tư, tuy nhiên, hàng năm tỉnh đã dành cho GD-ĐT khoản kinh phí nhất định để đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học ở các trường. Nhờ có sự quan tâm đầu tư đúng mức của tỉnh nên diện mạo trường, lớp trên địa bàn toàn tỉnh thay đổi về cơ bản. Hệ thống trường lớp được hoàn thiện hơn theo quy hoạch, cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp; trang thiết bị được đầu tư khá đồng bộ, tạo điều kiện cho thầy dạy tốt, trò học tốt.

Hàng năm, tỉnh Sóc Trăng đã dành cho ngành GD-ĐT khoản kinh phí nhất định để đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học ở các trường. Ảnh: H.NHƯ

Song song với việc quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp, công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo cũng được ngành GD-ĐT đặc biệt quan tâm, từng bước kiện toàn cơ cấu bộ máy quản lý, chuyên môn. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành cũng được tăng cường về số lượng, chuẩn hóa về trình độ, đảm bảo yêu cầu của việc dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục. So với ngày đầu tái lập tỉnh, chỉ có hơn 5.000 giáo viên thì đến nay toàn ngành hiện có trên 14.099 giáo viên; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhìn chung đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Toàn ngành hiện có 5 tiến sĩ, 212 thạc sĩ, 68 giáo viên đang học thạc sĩ, 10 giáo viên đang học nghiên cứu sinh và trên 88% giáo viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn theo quy định mới.

Từ những điều kiện thuận lợi trên, lãnh đạo ngành GD-ĐT đã chỉ đạo các trường học tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Tập trung chỉ đạo dạy học bám sát các yêu cầu về chuẩn kiến thức và kỹ năng. Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh trong học tập, đồng thời coi trọng việc kiểm tra, đánh giá đúng thực chất, coi trọng việc phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Bên cạnh việc dạy và học văn hóa, các trường tăng cường việc giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho học sinh thông qua việc dạy lồng ghép vào các môn văn hóa, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Việc giáo dục văn hóa, lịch sử truyền thống và các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao… cũng luôn được nhà trường chú trọng để tạo ra những thế hệ học sinh phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.

… phát triển cả quy mô và chất lượng

Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, lĩnh vực GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng đã có sự phát triển vượt bậc về số lượng, chất lượng cùng những bước đi vững chắc, đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Các loại hình trường, lớp phát triển mạnh từ cấp mầm non đến trung học phổ thông. Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 487 trường, tăng 265 trường so với năm học 1992 - 1993, trong đó chưa kể các trường chuyên biệt và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên. Hiện số trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh được phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, với 355/487 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ trên 76%; phấn đấu cuối năm 2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng trên 80%.

Chất lượng giáo dục các cấp học đã chuyển biến rõ nét, đạt mức trung bình của khu vực đồng bằng sông Cửu Long; tỷ lệ học sinh bỏ học giảm nhiều hơn so với giai đoạn trước. Cùng với đó là tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng theo từng năm học. Đặc biệt, năm 2016, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia bậc THPT, Sóc Trăng đạt tổng cộng 10 giải, đứng thứ 3 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Học sinh tốt nghiệp THPT hiện đạt tỷ lệ 99,55%, tăng so với những năm trước.

Đồng chí Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở GD-ĐT Sóc Trăng trao chứng nhận và tặng quà cho các học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Ảnh: H.NHƯ

Bên cạnh đó, quy mô trường, lớp thường xuyên được củng cố và phát triển phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của các địa phương. Đặc biệt, với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, nên công tác giáo dục dân tộc luôn được quan tâm, chú trọng, hiện toàn tỉnh đã có 10 trường phổ thông dân tộc nội trú, tăng 9 trường so với năm học 1992 - 1993. Không chỉ hệ thống trường công lập được các cấp chính quyền chú trọng đầu tư, mà với chủ trương xã hội hóa giáo dục, hệ thống trường ngoài công lập cũng được hình thành và phát triển mạnh với chính sách đa dạng hóa trong giáo dục ở nhiều cấp học.

Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã đạt được các mục tiêu về công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Từ tháng 12-2008, tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở, hiện các đơn vị đang tiếp tục củng cố và duy trì tốt thành tích đã đạt được để có thể tiến đến thực hiện phổ cập giáo dục trung học phổ thông trong những năm tiếp theo.

Đồng chí Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở GD-ĐT Sóc Trăng phấn khởi cho biết: “Có được những thành tựu nêu trên là do sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là sự đoàn kết, quyết tâm phấn đấu của toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên cho sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh nhà. Phát huy những kết quả đạt được, ngành GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở để chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chung của ngành; rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất và huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng đội ngũ; đổi mới cơ chế quản lý, công tác quản lý và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới song song với việc nâng cao chất lượng giáo dục…”.

Những kết quả đạt được đã khẳng định những bước đi vững chắc, giải pháp hữu hiệu mà ngành GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng thực hiện trong thời gian qua, bức tranh về sự nghiệp giáo dục của tỉnh ngày càng có nhiều điểm sáng. Những kết quả đạt được trong suốt 30 năm có tâm huyết, khát vọng, sức lực của bao thế hệ đi trước và đó cũng là nguồn động viên, tiếp sức cho các thế hệ hôm nay và mai sau luôn trân trọng và tự hào, khẳng định niềm tin cho đội ngũ toàn ngành tiếp tục phấn đấu cho sự nghiệp GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới, góp phần xây dựng và phát triển quê hương Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

H.NHƯ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: