• Giáo dục

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng tích cực thực hiện chuyển đổi số

02/10/2022 04:08 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 02/10/2022 | 04:08

STO - Chuyển đổi số nói chung và trong ngành Giáo dục và Đào tạo nói riêng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, của tỉnh Sóc Trăng, qua đó tạo bước tiến dài trong công tác quản lý giáo dục và dạy học. Tuy nhiên, đi cùng với những thuận lợi đó, chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vẫn còn phải vượt qua nhiều thách thức phía trước. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng.

Phóng viên: Đồng chí cho biết hiện toàn ngành Giáo dục và Đào tạo nói chung và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói riêng đã và đang thực hiện chuyển đổi số như thế nào?

Đồng chí Châu Tuấn Hồng: Đầu năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 481 trường, trong đó, có 40 trường trung học phổ thông, 109 trường trung học cơ sở, 201 trường tiểu học, 131 trường mầm non. Hiện tất cả các trường đã triển khai nền tảng quản trị nhà trường, tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và hướng đến là người học.

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng tiếp tục cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về mạng lưới trường, lớp học, người học (kết quả của quá trình học tập, rèn luyện; hồ sơ sức khỏe); đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị trường học, tài chính - đầu tư, nước sạch, nhà vệ sinh trường học, công tác y tế trường học. Cuối năm học 2021 - 2022, trên cơ sở dữ liệu ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Sóc Trăng đã số hóa các dữ liệu gồm 481 trường, 8.259 lớp, 256.347 học sinh, 1.073 cán bộ quản lý, 14.168 giáo viên và 1.933 nhân viên.

Trong năm học 2021 - 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cho thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển sinh lớp 10 bằng hình thức trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người học, đồng thời góp phần làm thay đổi nhận thức của mọi người đối với công cuộc chuyển đổi số của tỉnh. Các phòng giáo dục và đào tạo và các trường trung học phổ thông đã sử dụng Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành trong việc liên thông trao đổi văn bản điện tử, gửi - nhận văn bản có ký số giữa các cơ sở giáo dục, phòng giáo dục và đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo. Các cơ sở giáo dục đã lựa chọn giải pháp phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực hiện, sẵn sàng áp dụng khi học sinh không thể đến trường, sử dụng tối đa lợi ích phần mềm quản lý học tập (LMS) mang lại, giúp học sinh học chủ động hơn và giảm tác động khi đường truyền Internet quá tải. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng đóng góp nguồn học liệu để chia sẻ dùng chung qua cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử và cuộc thi Xây dựng thiết bị dạy học số do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết thêm về những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số?

Đồng chí Châu Tuấn Hồng: Về mặt thuận lợi: theo Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy, giáo dục và đào tạo là một trong năm lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số, nên rất được lãnh đạo các cấp quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai lồng ghép các nội dung chuyển đổi số vào các văn bản hướng dẫn của ngành khi thực hiện nhiệm vụ năm học hàng năm. Qua đó, năng lực của đội ngũ nhà giáo hầu hết đều đáp ứng yêu cầu đối với công tác chuyển đổi số của ngành và của tỉnh; tất cả đều rất sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học.

Bên cạnh những thuận lợi, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng còn một số khó khăn: chuyển đổi số là lĩnh vực mới nên phần nào cũng còn lúng túng khi thực hiện; ngành phải thường xuyên trao đổi học tập kinh nghiệm, áp dụng các mô hình hay của các tỉnh bạn để tổ chức triển khai thực hiện trong ngành.

Nguồn nhân lực về công nghệ thông tin tại các cơ sở giáo dục chưa đảm bảo, nhất là ở các trường tiểu học và mầm non. Hiện việc khai thác công nghệ thông tin chủ yếu là các giáo viên được đào tạo từ các chuyên ngành khác chịu khó nghiên cứu tìm hiểu và sử dụng của một số đơn vị còn hạn chế, nhất là ở cấp học mầm non, tiểu học.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng đã có những giải pháp nào để thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới?

Đồng chí Châu Tuấn Hồng: Từ những thuận lợi và khó khăn nêu trên, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đề ra một số giải pháp, cụ thể như sau: đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho cán bộ quản lý và giáo viên về vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động giáo dục và đào tạo.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ phận phụ trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cụ thể là các đơn vị phải phân công lãnh đạo và viên chức phụ trách để làm đầu mối triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025 thể hiện rõ mục tiêu và nhiệm vụ triển khai trong từng năm học; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; phối hợp có hiệu quả việc đầu tư với thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

Phóng viên: Cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

HUỲNH NHƯ (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: