• Giáo dục

Sóc Trăng chủ động, tích cực trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

21/03/2023 18:37 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 21/03/2023 | 18:37
Giọng Nữ miền Nam
  • Giọng Nữ miền Nam
  • Giọng Nữ miền Bắc

STO - Chiều ngày 21/3, tại Tỉnh ủy Sóc Trăng, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, ngày 28/11/2014 và Nghị quyết số 51/2017/QH14, ngày 21/11/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” do đồng chí Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng. Tham gia buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Sóc Trăng; lãnh đạo HĐND, UBND, sở, ban ngành tỉnh tiếp và làm việc với đoàn.

Đại biểu tham dự buổi làm việc về giám sát chuyên đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ảnh: NGỌC HẢI

Theo báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng luôn chủ động, tích cực triển khai các văn bản hướng dẫn cụ thể việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại địa phương; tổ chức hội nghị, hội thảo trực tuyến, thông tin tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, trong đó chủ yếu là lực lượng trong ngành giáo dục và các ban ngành liên quan về chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mạng lưới trường, lớp học của tỉnh Sóc Trăng cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học, hoạt động giáo dục, trong đó tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, ưu tiên xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh có 372/463 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 162 trường so với năm học 2015 - 2016. Tuy nhiên, thực tế thì cơ sở vật chất chưa đồng bộ để đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, còn thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng; đồ dùng, trang thiết bị xuống cấp.

Về công tác bồi dưỡng giáo viên, 100% cán bộ quản lý, giáo viên được cử tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn, đến thời điểm này đã hoàn thành mô đun 9, đây là tiền đề để giáo viên hình thành thói quen dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Tuy nhiên, mặc dù được tập huấn nhưng một số cán bộ quản lý, giáo viên còn lúng túng trong việc nghiên cứu, tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chương trình dạy bộ môn khoa học tự nhiên (Hóa, Lý, Sinh) thì chương trình dạy và học chưa liên tục; giáo viên dạy cả tổ hợp bộ môn này chưa đáp ứng đầy đủ chuẩn về trình độ chuyên môn.  

Các trường đã chủ động, điều chỉnh chương trình dạy học các môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với thực tế của đơn vị và khả năng tiếp thu của học sinh. Tuy nhiên, lượng kiến thức đưa vào bài học còn khá lớn so với năng lực hiện tại của học sinh lớp 1, 2, 3 ở trường vùng sâu trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NGỌC HẢI

Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Tô Ái Vang - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị Chính phủ rà soát tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số. Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có đợt bồi dưỡng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa dành cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên vào dịp hè bằng hình thức trực tiếp. Tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để phân hiệu Trường Đại học Cần Thơ sớm đi vào hoạt động, góp phần tạo nguồn nhân lực cho tỉnh...

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NGỌC HẢI

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang vận hành, rất mong nhận được nhiều kiến nghị, đề xuất để bộ tổng hợp, đánh giá. Các ngành cùng vào cuộc thực hiện triển khai chương trình này chứ không riêng ngành giáo dục. Cần chú trọng chuẩn bị nhân lực phục vụ trong ngành giáo dục, cũng như tập huấn lực lượng cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu hiện nay thì tiến hành liên tục, nhiều lần, có sự rút kinh nghiệm hiệu quả tập huấn. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi lực lượng nhà giáo, tạo động lực cho đội ngũ này chung sức thực hiện chương trình đổi mới. "Đổi mới là quá trình, không quá nóng vội, không quá cứng nhắc" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trưởng đoàn giám sát Đinh Công Sỹ ghi nhận sự vào cuộc tích cực của tỉnh trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhiều giáo viên nhận thức được mục tiêu, nhiệm vụ trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Các em học sinh cũng rất hứng thú khi học chương trình đổi mới. Trưởng đoàn yêu cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh bổ sung thêm một số nội dung vào báo cáo.

NGỌC HẢI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: