• Giáo dục

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

13/08/2022 03:46 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 13/08/2022 | 03:46

STO - Trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), chuyển đổi số sẽ hỗ trợ đổi mới GD-ĐT theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời.

Xuất phát từ thực tế về sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, việc đổi mới nội dung và phương pháp GD-ĐT theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục phát triển là một yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng, tất yếu của ngành Giáo dục. Đó cũng là mục tiêu hướng tới của ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng, nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tế của xã hội hiện nay. Để thực hiện được nhiệm vụ này, trong thời gian tới ngành GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Sở GD-ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Lãnh đạo các cơ sở giáo dục chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên thực hiện xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá, thiết bị dạy học và học liệu, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong quá trình dạy học.

Giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Ảnh: H.NHƯ

Đổi mới phương pháp giảng dạy bằng cách thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức sang hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực người học. Thực hiện giảng dạy các giờ học chuyển từ chủ yếu diễn ra trên lớp học truyền thống sang việc đa dạng hóa các hình thức dạy học. Chuyển từ việc chủ yếu khai thác các điều kiện giáo dục trong phạm vi nhà trường sang việc tạo điều kiện cho học sinh được học tập qua các nguồn học liệu đa dạng, phong phú trong xã hội, nhất là qua internet... phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu. Phối hợp giữa dạy học trực tuyến và dạy học trực tiếp đảm bảo linh hoạt, phù hợp và hiệu quả.

Bên cạnh việc đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, giáo viên sử dụng hiệu quả các phần mềm dạy học trực tuyến có thể hiện các bài tập, câu hỏi kiểm tra để đánh giá quá trình học tập của học sinh. Đồng thời, đổi mới cách tiếp cận các điều kiện vật chất hỗ trợ quá trình dạy học tạo cơ hội cho giáo viên và học sinh được học tập tại thực địa, sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ngoài cơ sở giáo dục để học sinh va chạm với thực tế, từ đó có thể định hướng nghề nghiệp trong tương lai và việc dạy học sẽ được gắn với thực tiễn cuộc sống. Quan tâm bồi dưỡng và tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên nhà trường tự nghiên cứu học tập thực hành để cập nhật, tiếp cận phương tiện hiện đại, giúp giáo viên sử dụng có hiệu quả các phương tiện đó cho quá trình đổi mới phương pháp dạy học và tích cực tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học.

Đặc biệt, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trong hoạt động dạy học và quản lý giáo dục, bao gồm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá, cụ thể xây dựng kho học liệu, bài giảng điện tử, ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra dùng chung; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý quá trình dạy học và quản trị nhà trường, thực hiện xử lý văn bản kết hợp với ký số trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thực hiện học bạ điện tử, hồ sơ sổ sách điện tử, sổ điểm điện tử. Tiếp tục xây dựng và thường xuyên cập nhật kho học liệu số dùng chung trong toàn ngành, gồm: bài giảng e-Learning, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cổng thư viện số (giáo trình, bài giảng, học liệu số) liên thông, chia sẻ học liệu với các cơ sở GD-ĐT trong toàn tỉnh. Cũng như triển khai, tiếp cận và ứng dụng các thông tin mới, đa dạng và hiệu quả hơn đối với học tập cá nhân hóa thông qua các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra các cơ hội tương tác đa chiều, tăng khả năng tiếp cận cho cả giáo viên và học sinh.

Được biết, hiện nay Sở GD-ĐT Sóc Trăng đã số hóa dữ liệu trường, lớp, học sinh, đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn ngành theo hình thức cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD-ĐT tại địa chỉ https://csdl.moet.gov.vn/ với 100% các trường từ mầm non cho đến trung học phổ thông đã thực hiện.

Với những nội dung đề cập ở trên phần nào đã cho thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số trong GD-ĐT, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin sẽ giúp cho ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng nói riêng và ngành Giáo dục cả nước nói chung ngày càng phát triển và tiệm cận với sự phát triển chung của thế giới.

H.NHƯ

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: