• Thi đua - Khen thưởng

30 năm giữ lửa cho bếp ăn từ thiện

22/09/2022 04:28 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Xuân Nguyên
  • Thứ Năm, 22/09/2022 | 04:28
Giọng Nữ miền Nam
  • Giọng Nữ miền Nam
  • Giọng Nam miền Nam
  • Giọng Nữ miền Bắc
  • Giọng Nam miền Bắc

STO - Hơn 20 năm qua, bà con cư ngụ trong khu chợ thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã quen thuộc với hình ảnh ông Nguyễn Văn Sang với những chuyến xe chở đầy rau củ cho bếp ăn từ thiện Trung tâm Y tế huyện Mỹ Tú. Không chỉ giữ lửa cho bếp ăn, ông Sang còn làm nhiều việc nghĩa tình, ấm lòng người.

Chiều muộn, khi các tiểu thương trong chợ dọn dẹp, đóng cửa cũng là lúc ông Sang bắt đầu công việc của mình. Trên chiếc xe máy cà tàng, treo hai chiếc giỏ lớn, ông Sang lần lượt ghé qua các sạp, thu gom rau củ. Có những ngày, các sạp cho nhiều, ông phải đi về 7, 8 lượt, đến khi trời tối mịt mới xong việc.

Sau khi chất hết rau củ vào giỏ, buộc gọn gàng, ông Sang lau vội mồ hôi thấm đẫm trên khuôn mặt rồi bắt đầu câu chuyện về bếp ăn từ thiện. Những năm đầu thập niên 90, do kinh phí hạn hẹp, bếp ăn chỉ nấu cháo trắng kèm muối tiêu và nước sôi miễn phí cho thân nhân và người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Đến năm 2000, khi Trung tâm Y tế huyện xây mới, tập trung nhiều người hơn, ông Sang mới tìm đến các chùa xin gạo và nhờ một nữ mạnh thường quân hỗ trợ rau củ, nhu yếu phẩm cho bếp ăn. Từ đó, bếp ăn từ thiện bắt đầu “đỏ lửa” ngày 2 buổi sáng chiều, với những phần cơm nóng hổi được trao đi.

Ông Nguyễn Văn Sang (bìa phải) và bếp ăn từ thiện Trung tâm Y tế huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã mang đến những suất cơm miễn phí, ấm lòng bệnh nhân nghèo. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

“Khi biết tôi cần thực phẩm cho bếp ăn, nhiều mạnh thường quân bắt đầu chủ động hỗ trợ gạo và rau củ quả. Để đủ thực phẩm cho bếp ăn, tôi đến các sạp rau trong chợ hỏi mua thêm, các chủ sạp biết việc làm của tôi ý nghĩa, họ đều mở lòng, vừa bán vừa cho, rồi dần dần không tính tiền, mỗi ngày soạn sẵn rau củ đợi tôi đến lấy. Trước đây, để cải thiện phần cơm, tôi và các thành viên của bếp ăn tự chế biến thêm đậu hũ, tuy nhiên mấy năm gần đây, nhờ có lò đậu hũ ở chợ bán giá rẻ, mọi người bớt vất vả, mà phần ăn của bà con cũng ngon hơn. Gần 30 năm qua, nhờ sự chung tay của mọi người mà bếp ăn từ thiện này mới được duy trì” - ông Sang trải lòng.

Theo ông Sang, hàng ngày, bếp ăn nấu khoảng 60kg gạo, cho hơn 200 suất cơm trắng kèm thức ăn gồm 3 món canh, mặn, xào được chế biến từ rau củ quả. Có 2 đợt phát cơm là vào lúc 9 giờ sáng và 15 giờ. Bà Trần Thị Thương, có thân nhân điều trị nội trú ở Trung tâm Y tế huyện chia sẻ: “Người nghèo như chúng tôi đến nuôi bệnh, trị bệnh, có được những bữa cơm như vầy là quý lắm. Tôi biết có nhiều bệnh nhân phải chữa trị lâu ngày, nhờ ăn cơm từ thiện mà đỡ phần nào chi phí. Chúng tôi thật sự rất biết ơn bếp ăn này”. Không ít hoàn cảnh neo đơn như cụ Nguyễn Văn Hên, một bệnh nhân nghèo, lớn tuổi, không có con cháu chăm sóc, khi nhập viện, hàng ngày đều đến bếp ăn nhận cơm. Ở bếp ăn này, cơm và thức ăn nấu chín còn nóng hổi được bày ra trên các bàn gỗ, bà con đến lấy sẽ tự múc sao vừa đủ ăn, bởi ai cũng ý thức được sự chia sẻ khó khăn của bếp ăn từ thiện.

Ông Sang cho biết thêm, hiện bếp ăn được nhiều mạnh thường quân quan tâm, có nhiều người đăng ký cho gạo định kỳ hàng tháng. Một số người dân địa phương và kiều bào còn hỗ trợ mua nhu yếu phẩm, chất đốt. Bếp ăn cũng được các nhà hảo tâm trang bị nồi cơm điện cỡ lớn, ngoài bếp củi, còn có bếp điện, bếp gas nên việc nấu nướng nhanh và tiện lợi hơn. Trong đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát năm 2021, bếp ăn từ thiện của bệnh viện cùng với các tổ chức, đoàn thể địa phương đã hỗ trợ hàng ngàn suất cơm cho Trung tâm Y tế huyện, các chốt kiểm dịch, khu cách ly tập trung. “Năm đó, khi tình hình dịch bệnh căng thẳng, tôi liên hệ các chùa, mạnh thường quân để xin gạo. Nhiều nông dân trong vùng cũng ủng hộ hàng trăm ký rau củ. Nhờ đó mà bếp ăn không chỉ duy trì hoạt động, mà còn tiếp sức cho bà con địa phương mình chống dịch” - ông Sang tâm sự.

Hiện ông Sang là Chủ tịch Hội Người cao tuổi của thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, trước đó ông từng là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn. Dù ở vai trò nào ông Sang cũng gắn bó với bếp ăn từ thiện. Những năm gần đây, ông Sang còn vận động xin hàng, lo mai táng cho những hoàn cảnh khó khăn, người vô gia cư chẳng may qua đời, thường xuyên góp tiền cho các bệnh nhân nghèo chuyển viện...

Ông Sang có 5 người con, tất cả đều có công việc ổn định. Biết ông Sang hay làm việc thiện, bạn bè và người thân trong gia đình cũng vui lòng góp sức. Các con của ông thường phụ tiếp chở rau củ, vài người bà con họ hàng, bạn bè các nơi thì hỗ trợ tiền khi bếp ăn bị “hụt” chi phí.

Tấm lòng thiện nguyện của ông Sang đã lan tỏa đến mọi người, giúp cho bếp ăn từ thiện từ việc chỉ nấu được cháo trắng, muối tiêu đến nay đã cho đi hàng trăm suất cơm ngon mỗi ngày. Điều mong mỏi của ông Sang không chỉ là bếp ăn sẽ luôn được các mạnh thường quân, nhà hảo tâm tiếp sức mà những việc thiện nguyện khác cũng được mọi người chung tay. Bởi trong tâm niệm của ông, khi hết lòng cho đi sẽ nhận lại được niềm vui, hạnh phúc.

XUÂN NGUYÊN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: