• Thi đua - Khen thưởng

Chuyện về nữ huyện đội trưởng quả cảm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

14/11/2021 04:11 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 14/11/2021 | 04:11

STO - 82 tuổi đời, 55 tuổi Đảng, Thiếu tá Võ Thị Lan - nguyên Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Mỹ Xuyên (Huyện đội trưởng Mỹ Xuyên) còn nhớ như in những tháng ngày mưa bom bão đạn trên chiến trường, bên đồng đội, trực tiếp tham gia chiến đấu, cô đã cùng đồng đội “lội ngược dòng” sinh tử. Cô là người phụ nữ đầu tiên cũng là duy nhất cho đến nay ở tỉnh Sóc Trăng giữ chức chỉ huy trưởng ban CHQS cấp huyện. Cô đã dành trọn tuổi trẻ, cuộc đời tô thắm thêm 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng cho phụ nữ Việt Nam “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

Nặng gánh nhiệm vụ - vẹn tình đồng đội

Cô Lan tham gia cách mạng năm 1959, hoạt động tại xã Hòa Tú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Gia đình cô có 3 chị em gái, cô thứ tư, mọi người hay gọi là cô Tư Lan. Xuất phát từ lòng căm thù giặc và tiếp bước những người thân, cô Tư Lan xung phong tham gia cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ.

Cô Tư Lan được phân công nhiệm vụ làm liên lạc đưa thư, theo dõi bọn tề điệp để thông báo tình hình. Quay ngược về quá khứ, cô Lan kể về công việc giao liên của mình: “Cô đâu đi bình thường. Cô ngụy trang bằng thúng bánh dừa rồi đội đi bán khắp nơi nhằm che mắt địch, cô len lỏi trong xóm ấp để đưa thư cho tổ chức liên lạc với nhau. Có lần cô bị địch áp giải về đồn, chúng dùng mọi cực hình tra tấn bắt cô nhận dạng trong 17 người chúng bắt được ai là người tham gia cách mạng. Nhưng cô nhất định im lặng. Chúng thấy chẳng khai thác được gì nên để mẹ cô đến đưa tiền chuộc cô về. Sau trận đòn tàn bạo của kẻ thù, nhiều tháng sau sức khỏe của cô vẫn chưa hồi phục. Nhưng cái được lớn nhất là không có chứng cứ buộc các chú là cộng sản nên chúng tạm giam các chú một thời gian rồi thả. Đây là lần thử thách đầu tiên trên con đường cô dấn thân vào phục vụ cách mạng”.

 Cuộc sống giản dị của cô Võ Thị Lan - nguyên Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Mỹ Xuyên (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: THẾ BẰNG  

Do là nữ nên nhiều lúc cô tưởng chừng như không hoàn thành được nhiệm vụ. Nhưng cô luôn tự nhủ đã là đảng viên thì nhiệm vụ nào, khó khăn mấy, bằng mọi giá cũng phải hoàn thành. Năm 1968, cô được trên phân công giữ chức Trưởng Công an xã Hòa Tú, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với cô. Trong đợt tổng tiến công Mậu Thân 1968, cô cùng với tập thể Chi bộ Hòa Tú đã vận động hàng trăm lượt dân công hỏa tuyến, hàng chục tấn lương thực, thực phẩm kịp thời phục vụ chiến trường.

Cuối năm 1972, cô được rút về Huyện đội Mỹ Xuyên giữ chức Huyện đội phó phụ trách dân quân, đây là nhiệm vụ mới mẻ với cô. Song được sự động viên, giúp đỡ của tập thể ban cán sự huyện, cô ngày đêm “lặn lội” với phong trào, quyết làm tròn nhiệm vụ xây dựng, phát triển du kích cả số lượng và chất lượng. Từ năm 1979, cô Lan nhận nhiệm vụ Chính trị viên Huyện đội Mỹ Xuyên; đến năm 1981, cô được phân công Huyện đội trưởng Mỹ Xuyên. Đến năm 1990, cô nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá. Trực tiếp tham gia chiến đấu, chứng kiến đồng đội hy sinh, dù nguy hiểm, khó nhọc, cô cũng nhất quyết cõng đồng đội đến nơi chôn cất, rồi nén nỗi đau để lấy sức mạnh cùng anh em quyết chiến.

Khi nghỉ hưu, cô đảm trách nhiệm vụ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Mỹ Xuyên, tham gia xây dựng lực lượng cựu chiến binh, phát động và phát triển các phong trào của hội. Sau 5 năm, cô xin nghỉ công tác hội nhưng vẫn mặn mà các hoạt động chăm lo cho anh em đồng đội. Cô thường đi đến vùng sâu, vùng xa, tìm gặp những anh em tham gia kháng chiến mà đời sống còn nghèo khó, tìm nguồn giúp đỡ để gia đình xây dựng nhà ở. Hay tin người nào bệnh, qua đời, cô đều đến thăm, viếng. Tuy là thương binh 4/4, trên người nhiều vết tích chiến tranh nhưng cô vẫn tích cực với hoạt động sẻ chia cùng đồng đội.

Xung phong lên đường không hẹn ngày về

Năm 1974, để có vũ khí trang bị cho các đơn vị chuẩn bị đánh đòn quyết định sau này, tại tỉnh Sóc Trăng thành lập tiểu đoàn nhận vũ khí trang bị tại Campuchia đưa về Sóc Trăng, tiểu đoàn lấy tên “Tiểu đoàn giải phóng quê hương”. Do thời gian khẩn trương nên mọi công tác tuyển lựa phải gấp rút. Song qua thời gian chuẩn bị lực lượng đã đến lúc lên đường nhưng số lượng anh em tình nguyện đi còn ít so với quy định. Cô Lan nhớ lại: “Qua nhiều đêm suy nghĩ, cô biết đây là nhiệm vụ gian khổ, có khi chỉ có đi mà không có ngày về. Nếu mình là nữ mà xin đi thì chắc chắn sẽ khơi dậy phong trào, huyện ta sẽ hoàn thành chỉ tiêu trên giao. Thế là cô xung phong đi. Trên đường đi, có một chuyện bất ngờ xảy ra. Anh em của trạm dẫn đường đưa tiểu đoàn lạc vào khu vực địch đóng chốt. Lúc này, trời cũng gần sáng, nếu không sớm tìm đường thoát khỏi nơi nguy hiểm thì coi như các đồng chí có thể hy sinh hết nếu địch phát hiện và bao vây, vì toàn cánh đồng mênh mông nước. Thế là cô quyết định tiên phong đi tìm cán bộ địa phương giúp. Cô trầm mình lội trong nước cả cây số mặc cho đỉa đeo cắn đầy mình (vì vùng này đỉa rất nhiều), nhờ kiên trì rồi cô cũng gặp được cán bộ địa phương nhờ anh em đưa đơn vị vượt ra khỏi khu vực nguy hiểm. Sau gần 4 tháng, tiểu đoàn đã đưa vũ khí về đến quê hương Sóc Trăng an toàn. Lúc đi tải hàng, có khi đi về không còn ai, nhưng đợt cô đi thì vẫn đảm bảo lực lượng trở về đều an toàn”.

Hòa bình lập lại không lâu, chiến tranh biên giới Tây Nam bùng phát, bọn Pôn Pốt đánh sang biên giới giết hại nhân dân ta rất dã man, lại một lần nữa cô tình nguyện cùng lực lượng vũ trang huyện Mỹ Xuyên lên biên giới tham gia chiến đấu. Cô Lan kể: “Trong hoàn cảnh ấy, cô càng thấy trách nhiệm của mình, cô lại xung phong chỉ huy đơn vị đi biên giới chiến đấu. Cô nghĩ cô là phụ nữ, cô xung phong đi thì sẽ có nhiều anh em cùng đi. Với lại, cô chỉ còn mẹ già, nếu hy sinh còn 2 chị thay lo được, còn các anh khác trong ban chỉ huy còn vợ, còn con sẽ khó hơn cô nhiều. Cô cùng đơn vị lên chiến đấu tuy không dài như thời ta đánh Mỹ - nguỵ nhưng không kém phần ác liệt, lực lượng Mỹ Xuyên cùng với đơn vị bạn chiến đấu hàng chục trận giữ vững vị trí đóng chốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Do hăng say công tác, ham sự tiến bộ nên cô dành cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời cho cách mạng, không nghĩ chuyện lập gia đình riêng. Kết thúc chiến tranh, công việc ổn định, cô nhận các con, cháu của 2 chị chăm lo, nuôi dưỡng. Với những thành tích đạt được, cô Lan được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì, Ba; 5 Huy hiệu Chiến sĩ quyết thắng; 2 Kỷ niệm chương “Phụ nữ Tây Nam Bộ”… Và gần đây nhất, cô nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

THẾ BẰNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: