• Thi đua - Khen thưởng

Người thầy cả đời gắn bó với ngôn ngữ dân tộc Khmer

30/12/2022 04:05 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 30/12/2022 | 04:05

STO - Với sự đam mê và nhiệt huyết của mình, suốt hơn 40 năm qua, thầy Lâm Lên, ngụ ấp Rạch Sên, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ học sinh dân tộc Khmer và tăng sinh tu học tại chùa Khmer trong và ngoài tỉnh biết đọc, biết viết chữ và tiếng Pali. Đối với thầy, niềm vui, hạnh phúc và vinh dự nhất là được đứng trên bục giảng để đem ngôn ngữ, chữ viết đến với con em và sư sãi Khmer.

Đến với xóm Prếk Chvêng, thuộc xã Thạnh Phú hỏi nhà Kru Lên, tức thầy Lâm Lên được bà con ở đây cho hay, thầy với chiếc xe cà tàng vừa về chùa Prếk On Đơk (Cần Đước) để giảng dạy tiếng Pali cho các vị tăng sinh. Trước mặt chúng tôi, hình dáng của một người thầy đáng kính trọng đang đứng trên bục giảng, tay cầm phấn viết lên bảng với những dòng chữ Pali và giải thích, dịch nghĩa từ tiếng Pali sang tiếng Khmer để cho các vị tăng sinh hiểu.

Thầy Lâm Lên đang giảng dạy cho các vị tăng sinh tại điểm chùa Prếk On Đơk, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: THẠCH PÍCH

Thầy Lâm Lên chia sẻ: “Gần kết thúc khóa học rồi, nên hôm nay thầy tranh thủ thời gian đến chùa để ôn bài cho các vị tăng sinh đang theo học tiếng Pali năm thứ ba (năm cuối khóa), với mong muốn trong kỳ thi tốt nghiệp Pali roong sắp tới, do Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng tổ chức, các vị thi đạt kết quả cao. Năm nay, ngoài dạy tiếng Pali lớp 1, lớp 2 và lớp 3 tại chùa Prếk On Đơk, trong tuần, thầy còn được sư trụ trì của một số chùa thỉnh giảng dạy chữ Khmer và tiếng Pali tại các điểm chùa Khmer như: Pôthi Satharam (Sóc Vồ), phường 7 (thành phố Sóc Trăng); Tum Núp, xã An Ninh (Châu Thành); Sala Pôthi, phường 2 (thị xã Vĩnh Châu); Sro Lôn, xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên)”. Ở tuổi gần 80, nhưng hàng ngày, thầy Lâm Lên vẫn miệt mài chạy xe một mình đến các điểm chùa để mang những kiến thức chữ Khmer và tiếng Pali cho các vị tăng sinh.

Thuở nhỏ, biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, cậu bé Lâm Lên vẫn chăm chỉ công việc đèn sách và được cha mẹ đưa vào tu học tại chùa Prếk On Đơk. Trong thời gian đi tu, biết chùa nào có mở lớp dạy chữ Khmer, giáo lý, hay chữ Pali, thầy tiếp tục xin sư trụ trì chùa đi học từ trong tỉnh đến du học ở nước ngoài. Sau 5 năm theo học tiếng Pali tại đất nước chùa Tháp (Campuchia), thầy trở về quê hương mang những kiến thức đã học được để truyền cảm hứng cho các vị tăng sinh trong chùa.

Thầy Lâm Lên kể lại: “Sau khi hoàn tục, tôi bắt đầu đi học khóa sư phạm cấp tốc Sóc Trăng. Năm 1980, tôi tiếp nhận công việc giảng dạy tại Trường Tiểu học Thạnh Phú. Lúc đầu, việc dạy chữ cho các em học sinh gặp nhiều khó khăn. Đến năm 1989, tôi tiếp tục dạy môn Khmer tại Trường Trung học phổ thông Văn Ngọc Chính. Năm 2004, sau khi về hưu theo chế độ cho đến nay, tôi được các trường, ngành, chùa Khmer mời đi giảng dạy như: Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ; Trường Quân sự Quân khu 9; Trường Đại học Cần Thơ; Trường Đại học Trà Vinh; Trường Cao đẳng Hậu Giang… đặc biệt là tại các điểm chùa Khmer trong tỉnh. Mỗi lần kết thúc khóa học, thầy cảm thấy rất vui khi giúp cho con em đồng bào, cán bộ, sư sãi biết tiếng nói, chữ viết của dân tộc, biết về văn hóa để giữ gìn và phát triển hơn nữa, sau này lớn lên còn có thể sử dụng vào việc học tập, công tác, đóng góp cho xã hội”.

Chúng tôi ái ngại khi thầy tuổi đã cao mà đường sá đi lại quá xa xôi, thầy Lâm Lên tâm sự: “Hiện nay, đoạn đường từ nhà đến chùa xa nhất là chùa Sala Pôthi của thị xã Vĩnh Châu (đi về gần 90km). Những hôm trời mưa to, thầy cũng phải tranh thủ đi cho kịp thời gian để lên lớp giảng dạy cho các vị tăng sinh. Nhiều lúc, tôi cũng nghĩ đến việc từ chối không nhận đi giảng dạy ở xa nữa, nhưng nghĩ đến những học trò thân yêu, nhớ những tiết học tiếng Khmer, tiếng Pali, với những nụ cười của các vị học trò làm cho tôi có thêm động lực tiếp tục công việc. Dù vậy, niềm an ủi và niềm vui lớn nhất là khi thấy học trò của mình thi đỗ tốt nghiệp Pali roong đạt kết quả cao và tiếp tục theo học tại Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ”. 

Là một vị “thủ khoa” tại kỳ thi tốt nghiệp Pali roong tỉnh Sóc Trăng năm học 2021 - 2022, tăng sinh Huỳnh Đi - chùa Sala Pôthi (thị xã Vĩnh Châu) cho biết: “Trong suốt những năm học, được thầy Lâm Lên dạy môn ngữ pháp Khmer là niềm vinh dự cho sư chúng tôi. Thầy sống giản dị, hiểu biết rộng về tiếng Pali, chữ Khmer và hiểu được tâm tư của học trò. Trong giảng dạy, thầy rất tôn trọng sư và có phương pháp dạy rất hay để giúp tăng sinh tiếp thu bài nhanh, nhớ kỹ. Cùng với đó, thầy còn định hướng cho tăng sinh chọn con đường học cao hơn, nhất là theo học tại Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ, để sau này có trình độ phục vụ cho công tác tôn giáo và dân tộc”.

Một số vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức trụ trì của một số chùa Khmer cho rằng, xét về người có trình độ hiểu biết tiếng Pali và chữ Khmer hiện nay, thầy Lâm Lên là một trong những “bậc thầy” giỏi và cả đời tâm huyết với nghề. Không quản ngại đường xa, khi chùa nào cần giáo viên mời đến dạy, thầy Lên đều sẵn sàng nhiệt tình nhận lời tham gia. Tấm lòng của thầy Lâm Lên dành cho các vị tăng sinh thật đáng kính trọng.

THẠCH PÍCH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: