• Huyện Mỹ Tú

Chợ Xẻo Gừa trong hồi ức thuở thiếu thời

17/12/2021 05:15 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 17/12/2021 | 05:15

STO - Lớn lên từ một miền quê nghèo, trong ký ức tuổi thơ tôi là những dịp cuối năm theo ba má đi sắm tết ở chợ Xẻo Gừa. Tuy khu chợ này (thuộc huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) chưa thuộc vào hàng nổi tiếng, nhưng với tôi - một cậu bé mỗi ngày phải lội bộ hơn ba bốn cây số đi học cấp II ở trường xã - thì đó là cả một ngày hội.

Chợ Xẻo Gừa (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: TẠ VĂN 

Ba tôi nói, chợ Xẻo Gừa đã có từ hồi ông còn nhỏ hơn tuổi tôi bấy giờ. Cái tên Xẻo Gừa là do hồi xửa hồi xưa có nhiều bụi gừa mọc thành rừng dọc theo con rạch ở mé sau chợ cũ, dưới chân cầu Xẻo Gừa ngày nay. Ở xứ miền Tây Nam Bộ, một trong những nét văn hóa đặc sắc trong giao thương là hình thức tụ họp mua bán trên sông được gọi là "chợ nổi". Giống như kiểu "chợ chồm hổm", "chợ nhóm" nơi đầu xóm, chợ họp trong mấy tiếng rồi tan, nhưng có lẽ do đặc trưng đời sống của vùng sông nước nên hình thành "chợ nổi" và cứ thế mà tồn tại hàng trăm năm nay. Nhờ vị trí gần vàm sông lớn cho ghe hàng từ Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu vô tới, lại có nhiều nhánh nhỏ tỏa ra nhiều xóm, nhiều xã vùng trong nên ở chợ Xẻo Gừa đặc sản rau quả, cá mắm, hàng tạp hóa… mùa nào, thời nào cũng dồi dào, phong phú.

Đối với người dân quê tôi, đi chợ nổi mỗi ngày như là một thói quen. Có nhiều người chèo xuồng hay chạy máy ghe cả đoạn đường dài tới chợ chỉ để ăn một tô cháo, một tô bún nước lèo hay mua trái cây, rau củ, đồ gia dụng... thăm hỏi, giao lưu cùng người quen ở chợ. Tôi chỉ biết mặt một vài người bán hàng sống cùng xóm, gần nhà, nhưng không hiểu sao mỗi lần đi chợ với má tôi, rất nhiều người ở chợ đều chào hỏi má như người quen thân từ lâu lắm. Tôi hỏi má: "Chắc ông nội hồi xưa làm hương cả nên nhiều người biết đến mình hả má?”. Má tôi giải thích: “Hổng phải đâu con, cứ đôi ba ngày má đều theo ghe đi chợ, riết rồi người ta quen mặt, gặp nhau chào hỏi xã giao vậy thôi". Tình cảm kẻ bán người mua hồi xưa hình thành tự nhiên, thân quen vậy đó. Tình người xóm chợ được thể hiện trong mỗi cử chỉ, lời nói mộc mạc, thân thiện, cười nói vô tư…

Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, hàng hóa nhiều hơn và phong phú hơn về chủng loại. Ghe cộ cũng tấp nập ngược xuôi. Ghe đi bổ hàng thì đổ về các ngã kinh, rạch nhỏ; còn ghe lớn thì đậu đâu đó để chờ dỡ đủ hàng, để đi tiếp về các chợ xa. Ghe lớn, ghe nhỏ, xuồng năm lá, xuồng ba lá… lên hàng, xuống hàng suốt từ khi trời còn mờ sương, cho đến sáng bửng thì coi như tan chợ. Những chiếc ghe chở đầy dưa hấu xanh mướt len giữa những chiếc xuồng bán hoa cúc vạn thọ vàng rực càng làm tưng bừng, rạng rỡ cả một khúc sông.

Ở nhiều nước trên thế giới, loại hình du lịch văn hóa (cultural tourism) đang rất được ưa chuộng, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Một số chợ nổi du lịch ở Mexico, Anh, Hà Lan, Thái Lan… không chỉ thu hút với những thắng cảnh thiên nhiên trên sông, nét đặc trưng mua bán trên sông, mà còn có những hoạt động triển lãm đồ mỹ nghệ, sinh hoạt thể thao - văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc với sự hỗ trợ đầu tư tổ chức của chính phủ. Tuy không nổi tiếng như: chợ nổi Ngã Năm (TX. Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng), chợ nổi Gành Hào (Cà Mau), chợ nổi Ngã Bảy (Phụng Hiệp, Hậu Giang), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long)… nhưng dù ngày thường hay ngày lễ, chợ nổi Xẻo Gừa ngày ấy vẫn đông vui với những lời mời gọi của các bạn ghe, những hàng quán bồng bềnh di động như cháo, hủ tiếu, bún cá, cà phê…

Bây giờ khu chợ cũ trên bờ đã được xây dựng lại khang trang, thậm chí nhiều người dân buôn bán cũng đã có nhà trên bờ nhưng chẳng mấy khi họ bỏ "chợ nổi". Chợ nổi Xẻo Gừa ngày xưa giờ chỉ còn là giao thương tạm bợ trên sông với quy mô nhỏ theo kiểu "thương hồ" ngày xưa, nhưng cuộc sống của nhiều người dân quê tôi vẫn gắn chặt với ghe, xuồng vận chuyển hàng hóa nông sản thường xuyên lên xuống nơi bến cũ - cũng như những phiên chợ nổi miền Tây luôn chiếm một vị trí khó thể mờ phai trong tâm thức những người con xa quê bạt xứ…

TẠ VĂN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: