• Huyện Mỹ Xuyên

Cây hẹ bông giúp nông dân thoát nghèo

24/04/2022 05:09 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 24/04/2022 | 05:09

STO - Những năm gần đây, nhiều bà con nông dân trên địa bàn xã Tham Đôn, huyên Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đẩy mạnh thực hiện việc cải tạo vườn tạp, tận dụng đất bờ bao và đất lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang trồng hoa màu, đặc biệt là hẹ bông. Nhờ mô hình sản xuất này mà nhiều hộ nông dân không những thoát được nghèo mà từng bước vươn lên khá giả.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng hẹ bông, nhiều nông dân nơi đây cho biết, hẹ là loại hoa màu dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp hơn so với những cây màu khác. Khi trồng hẹ, người trồng chỉ mất chi phí mua giống 1 lần gieo xuống đất, sau khi thu hoạch, gốc hẹ có khả năng tự nhiên đâm chồi phát triển thành cây hẹ mới. Hẹ bông cho thu hoạch quanh năm, trong quá trình trồng, chăm sóc chỉ cần có nguồn nước tưới ổn định là được. Thông thường, từ tháng 10 (âm lịch), nông dân sẽ gieo hạt, sau khi hạt nảy mầm thành cây hẹ con thì được mang ra trồng trên các luống đất, khoảng hơn 2 đến 3 tháng sau, hẹ bông sẽ cho thu hoạch đợt đầu tiên. Mỗi đợt thu hoạch kéo dài khoảng 1 tháng, sau đó người trồng sẽ dừng thu hoạch khoảng 1 tuần để bón phân, chăm sóc cho cây phục hồi, rồi tiếp tục thu hoạch. Hiện nay, giá hẹ bông từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, một công hẹ có thể đảm bảo thu nhập cho nông dân trên 30 triệu đồng/năm. Như vậy so với trồng lúa thì thu nhập từ cây hẹ tăng gấp nhiều lần và ít gặp rủi ro về sâu bệnh.

Rẫy hẹ của hộ anh Sơn Quang ở ấp Cần Giờ 2, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: CHANH THA

Nhờ phát huy được hiệu quả kinh tế nên cây hẹ nhanh chóng xác định được vị trí chủ lực của mình. Cứ sau một vài lần luân canh các loại màu khác nhau thì nông dân lại trồng trở lại cây hẹ. Anh Sơn Quang, ấp Cần Giờ 2, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên cho biết: "Cây hẹ rất dễ trồng và vốn đầu tư thấp hơn so với các loại rau màu khác, khi trồng hẹ, nông dân chỉ mất chi phí mua giống một lần gieo xuống đất. Sau khi thu hoạch, gốc hẹ có khả năng tự nhiên đâm chồi, phát triển thành cây hẹ mới. Ngoài ra, khi trồng hẹ bông, nông dân còn thu hoạch từ hẹ lá, trung bình 3 tháng cắt lá một lần, với giá bán từ 6 - 7 ngàn đồng/kg nên cũng có thêm nguồn thu nhập”. Nhiều hộ trước đây từng là hộ nghèo, thiếu trước hụt sau nhưng nhờ tận dụng diện tích đất trồng màu mà đã vươn lên ổn định được cuộc sống.

Gia đình anh Danh Kiến Đông ở ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên trước đây thuộc diện hộ nghèo, kinh tế gia đình eo hẹp. Nhờ tận dụng diện tích trồng màu, trong đó hẹ là cây chủ lực mà nhiều năm trở lại đây, gia đình anh không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả. Anh Đông phấn khởi nói: "Hiện nay, cuộc sống khá lên rồi, nhờ trồng hẹ trúng mùa được giá nhiều năm liền, nên mới lo được cho con ăn học đàng hoàng”. Đặc biệt, cây hẹ còn là cây giúp tạo công ăn việc làm cho những hộ nghèo và những hộ không có đất sản xuất. Với những hộ thuộc diện này, họ có thể có được nguồn thu nhập tương đối, đủ trang trải cho sinh hoạt phí từ việc ngắt thuê bông hẹ hoặc lặt (làm sạch) hẹ. Trung bình, người ngắt bông hẹ có thể được 40.000 - 50.000 đồng/nửa ngày/người và người lặt hẹ cũng có được số tiền tương đương. Toàn xã Tham Đôn có hơn 280 héc-ta trồng hẹ, các ấp trong xã có diện tích trồng hẹ nhiều như: So La, Trà Mẹt, Bưng Chụm… Theo những hộ chuyên trồng cây màu này, cây hẹ chính là “cần câu cơm” của họ. Chắc còn lâu lắm mới có cây màu khác thay thế được tiềm năng của cây hẹ.

Theo đồng chí Trương Văn Tửng - Phó Chủ tịch UBND xã Tham Đôn, hẹ là loại màu chủ lực của xã, đem lại hiệu quả kinh tế cao và được xem là cây xóa đói giảm nghèo tại địa phương, đời sống người dân khá giả cũng nhờ trồng hẹ. Hiện nay, đầu ra của nông dân trồng hẹ được ổn định, thương lái thường đến tận rẫy thu mua, giá cả ổn định. Nhiều năm trước đây, hệ thống thủy lợi chỉ được nạo vét bằng thủ công nhưng hiện nay được cơ giới hóa nên đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nhà nông. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục vận động nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, luân canh hẹ với cây trồng khác để cải thiện độ màu mỡ cho đất, nhằm tiếp tục phát huy thế mạnh của loại màu này.

CHANH THA

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: