• Huyện Thạnh Trị

Tạo đà cho huyện Thạnh Trị phát triển nhanh và bền vững

01/02/2023 04:43 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 01/02/2023 | 04:43

STO - Năm 2022 khép lại, với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) đã đạt được những thành tựu quan trọng trên lĩnh vực kinh tế - xã hội - quốc phòng - an ninh; đồng thời, huyện cũng đề ra các định hướng cho năm 2023. Nhân dịp này, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Trương Vũ Phương - Bí thư Huyện ủy Thạnh Trị xoay quanh nội dung này.

Phóng viên: Thưa đồng chí, với cương vị Bí thư Huyện ủy, đồng chí có đánh giá gì về các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương trong năm 2022?

Đồng chí Trương Vũ Phương: Năm 2022, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Huyện ủy, HĐND; sự điều hành linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt của UBND huyện và các địa phương; sự vào cuộc tích cực của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, Đảng bộ đã thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. 

Nổi bật, có 20/20 chỉ tiêu đạt và vượt (10 chỉ tiêu đạt, 10 chỉ tiêu vượt) so với nghị quyết đề ra; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 101,4% nghị quyết, tăng 3,1% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện đạt 3.525 tỷ đồng (tăng 5,1% so cùng kỳ), đạt 100,71% nghị quyết; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng lúa và nuôi trồng thủy sản đạt 175,89 triệu đồng/ha (tăng 5,4% so cùng kỳ), đạt 100,51% nghị quyết.

Tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm ước đạt trên 56.779ha, tổng sản lượng 387.458 tấn (trong đó, sản lượng lúa đặc sản chiếm 81,2%). Chăn nuôi tiếp tục được duy trì ổn định. Trong năm, có 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số 7/8 xã nông thôn mới; duy trì nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn huyện, có 6 sản phẩm OCOP được công nhận đạt tiêu chuẩn. Công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm được tập trung chỉ đạo quyết liệt.

Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 620 tỷ đồng (tăng 12,7% so cùng kỳ), đạt 103% nghị quyết; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng xã hội đạt 5.820 tỷ đồng (tăng 29,3% so cùng kỳ). Thu ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra và tăng 32,4% so cùng kỳ. 

Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ nét. Triển khai có hiệu quả công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế là 96,52%, đạt 102,68% nghị quyết.

Phê duyệt kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng. Đào tạo nghề cho 1.493 lao động; giải quyết việc làm mới cho 2.565 lao động; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm còn 5,88% hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo Khmer là 8,41%. Triển khai xây dựng hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở được 272 căn, giúp hộ có nhà ở kiên cố, an tâm lao động, sản xuất phát triển kinh tế, từng bước phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.

Quốc phòng - an ninh được giữ vững ổn định. Hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của UBND các cấp được nâng lên đáng kể.

Công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến tích cực, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên. Công tác cán bộ được thực hiện đúng quy trình, quy định, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong năm kết nạp được 154 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn huyện lên 3.643 đảng viên. Dân vận, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục có sự đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. 

Phóng viên: Trên cơ sở những thành tựu đạt được, để tạo bước phát triển đột phá trong năm 2023, huyện sẽ tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Trương Vũ Phương: Năm 2023, Đảng bộ và nhân dân trong huyện tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chung tay góp sức để tạo thành sức mạnh tổng hợp, kiên quyết khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực và quyết tâm hơn nữa để hoàn thành và hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo đà cho huyện Thạnh Trị phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.

Về phát triển kinh tế, tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn với cơ cấu giống cây trồng - vật nuôi có giá trị kinh tế cao; sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, an toàn sinh học để nâng cao giá trị và tăng khả năng cạnh tranh; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực.

Tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phấn đấu năm 2023, huyện có thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 1 xã nông thôn mới nâng cao. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Tích cực kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp của huyện đã được quy hoạch; tăng cường xúc tiến thương mại, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm. Triển khai thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Tập trung đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm tác động đến phát triển kinh tế - xã hội huyện. 

Về văn hóa - xã hội, chỉ đạo tổ chức các hoạt động nhân ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, của tỉnh, của huyện đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội.

Về quốc phòng - an ninh, tiếp tục làm tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Về xây dựng hệ thống chính trị, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Triển khai có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp.

Nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp. UBND các cấp tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

HOÀNG PHÚC (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: