• Giáo dục nghề nghiệp

Đào tạo nghề, lao động nông thôn góp phần ổn định sinh kế

03/10/2022 04:50 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 03/10/2022 | 04:50

STO - Lao động nông thôn được tiếp cận kiến thức mới, biết cách làm ăn, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tự tạo việc làm tại chỗ hoặc tự hành nghề để kiếm sống, có cơ hội tìm được việc làm ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Đó là đánh giá chung của lãnh đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trần Đề (Sóc Trăng) về công tác đào tạo nghề. Ngoài ra, người theo học còn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg, ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhờ tham gia lớp dạy nghề trồng bí đao bung mà anh Sơn Lan, ở ấp Bờ Đập, xã Viên An, huyện Trần Đề, mạnh dạn đầu tư mô hình trồng bí đao bung với diện tích 2,5 công đất. Anh Lan chia sẻ, học nghề 22 ngày, mỗi ngày anh được hỗ trợ 30.000 đồng tiền ăn theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg, ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, anh dành trang trải tiền xăng, ăn uống khi đến lớp. Anh còn được tiếp cận kiến thức hữu ích về trồng bí đao bung. 

Tham gia các lớp dạy nghề, giúp cho lao động nông thôn có hướng đi trong phát triển kinh tế, tăng thu nhập gia đình. Ảnh: NGỌC HẢI

Ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Viên An, Tổ trưởng Tổ hợp tác Trồng bí đao bung cho biết: “Tổ hợp tác có 17 thành viên với tổng diện tích canh tác 6ha. Vừa rồi, các thành viên đều tham gia lớp dạy nghề trồng bí đao bung, anh em được trang bị kiến thức hữu ích cho mô hình này, mỗi anh em theo lớp đều được hỗ trợ tiền ăn mỗi ngày. Đây là vụ đầu tiên anh em chuyển đổi trồng bí đao bung thay cây màu khác. Hiện nay, đa số anh em đã thu hoạch xong, do mới trồng nên năng suất chưa cao, ước tính trung bình 2 tấn/công, có công ty đến thu mua giá 3.000 đồng/kg. Có anh Sơn Hiên, ở ấp Bờ Đập, xã Viên An, thực hiện mô hình mẫu cho năng suất 4,5 tấn/công. 1 năm trồng được 2 vụ bí đao bung, vụ sau công ty hứa sẽ thu mua giá 3.300 đồng/kg”.

Theo chuyên viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trần Đề Trần Thị Thúy Yêm, lớp dạy nghề trồng bí đao bung là một trong những lớp dạy nghề mà trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan mở, có 18 học viên. Đến nay, trung tâm đã mở được 26 lớp đào tạo nghề, có 468 học viên, trong đó nghề phi nông nghiệp có 7 lớp với 126 học viên; nghề nông nghiệp 19 lớp với 342 học viên. Nâng tổng số học viên tham gia học nghề là 629/704 học viên, đạt tỷ lệ 89,34% chỉ tiêu trên giao (trong đó trung tâm đã đào tạo được 468 học viên và đào tạo nghề tư nhân được 161 học viên). Hiện trung tâm đã tổ chức bế giảng 7 lớp dạy nghề, có 124 học viên.

Theo đánh giá của trung tâm, 112/124 lao động đã học nghề xong, được cơ sở bao tiêu sản phẩm và tự tạo việc làm giúp cải thiện cuộc sống, mức thu nhập khá ổn định. Tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo nghề là 90,32%. Đây là kết quả chọn lọc ngành nghề đào tạo; đồng thời, khi dạy nghề nào, trung tâm cũng tìm đầu ra cho sản phẩm do lao động nông thôn tạo ra. Sắp tới, trung tâm sẽ phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dệt may Sắc Màu Việt Nam tổ chức lớp dạy may công nghiệp, sản phẩm học viên làm đạt yêu cầu sẽ được thu mua.

Ngoài ra, trung tâm phối hợp với hội, đoàn thể và UBND xã, thị trấn tổ chức xây dựng mô hình đào tạo nghề nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học tại các lớp học để học viên thực hành, tổng số có 19 mô hình như: mô hình chăn nuôi gà, heo tại xã Trung Bình, mô hình trồng màu thị trấn Lịch Hội Thượng, xã Lịch Hội Thượng, xã Viên Bình, Viên An, Tài Văn, mô hình chăn nuôi bò tại xã Thạnh Thới Thuận; mô hình trồng lúa thị trấn Trần Đề, mô hình nuôi thủy sản xã Liêu Tú, Lịch Hội Thượng, Viên An.

Thực tế, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng tồn tại khó khăn, hạn chế nhất định, thời gian học nghề ngắn hạn nên chỉ phù hợp một số ngành nghề nhất định, chưa mang tính bền vững, lâu dài… nên còn những trường hợp đào tạo nghề không giải quyết được việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định. Trình độ học viên không đồng đều nên vẫn còn một vài học viên tiếp thu kiến thức chậm. Đội ngũ giáo viên còn thiếu, quá trình dạy nghề còn nặng về lý thuyết, dành ít thời gian cho thực hành. Việc mở các lớp đào tạo nghề lưu động gặp nhiều khó khăn do kinh phí hỗ trợ còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trần Đề Lưu Tuấn Anh, nhìn chung, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, công tác đào tạo nghề từng bước được phát triển, hình thức đào tạo nghề ngày càng đa dạng, nhiều chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo được đổi mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường, góp phần quan trọng cho việc nâng cao chất lượng nguồn lao động của huyện. Số lượng lao động nông thôn được đào tạo nghề ngày một tăng; chất lượng, hiệu quả được nâng lên; người lao động sau học nghề đã tiếp cận và vận dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống…

Nhờ được thụ hưởng các chính sách trong giáo dục nghề nghiệp mà lao động nông thôn, nhất là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo… được hỗ trợ kịp thời, biết cách làm ăn, tăng năng suất lao động khi qua các lớp đào tạo nghề nông thôn.

NGỌC HẢI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: