• Huyện Trần Đề

Nông dân huyện Trần Đề trúng mùa vụ lúa Đông - Xuân

01/03/2023 04:17 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 01/03/2023 | 04:17

STO - Vụ lúa Đông - Xuân năm 2022 - 2023, toàn huyện Trần Đề (Sóc Trăng) xuống giống với diện tích hơn 22.400ha. Tính đến thời điểm hiện tại, đã thu hoạch dứt điểm, sản lượng vượt so kế hoạch huyện đề ra, đặc biệt là trong vụ lúa Đông - Xuân này lúa không bị ảnh hưởng mặn xâm nhập, năng suất cao, giá bán tốt.

Đối với bà con nông dân, lúa Đông - Xuân là vụ mùa sản xuất mà bà con mong đợi nhất, bởi đây được xem là mùa vụ canh tác lúa thuận lợi nhất trong năm, kể cả về mặt thời tiết, giá bán. Theo đó, vụ lúa Đông - Xuân năm 2022 - 2023, bà con nông dân trên địa bàn huyện Trần Đề đã làm theo khuyến cáo mùa vụ của ngành Nông nghiệp tỉnh và đã cơ cấu vụ lúa Đông - Xuân gieo sạ phù hợp theo điều kiện tự nhiên của từng địa phương để đảm bảo lúa có năng suất tốt nhất. Do đó, một số địa phương trên địa bàn huyện thu hoạch lúa Đông - Xuân trước tết Nguyên đán và một số địa phương còn lại thu hoạch lúa Đông - Xuân sau tết Nguyên đán năm 2023.

Đồng chí Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (thứ 3 từ trái sang) trong chuyến đi khảo sát các cánh đồng lúa trên địa bàn huyện Trần Đề trong thời điểm thu hoạch gần dứt điểm. Ảnh: THÚY LIỄU

Trong ngày nắng đẹp của những ngày cuối tháng 2, chúng tôi đến một số địa phương trên địa bàn huyện Trần Đề để nghe những chia sẻ của hộ dân thu hoạch lúa Đông - Xuân sau tết Nguyên đán. Trên cánh đồng rộng lớn của xã Đại Ân 2, phần lớn bà con đã thu hoạch gần xong, chỉ còn một ít diện tích lúa của ông Lâm Vinh, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề thu hoạch xong là dứt điểm. Ông Vinh tâm tình: "Vụ lúa Đông - Xuân năm nay so cùng kỳ năm trước năng suất tốt hơn, do thời tiết thuận lợi, lúa ít gặp sâu bệnh, nhất là lúa không bị ảnh hưởng hạn, mặn, cùng với đó một phần nhờ canh tác giống lúa đặc sản nên năng suất luôn ổn định. Với diện tích 1,5ha, tôi xuống giống ST25 và lúa đang thu hoạch sắp xong, ước tổng sản lượng 12 tấn, giá bán 7.500 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận thu về hơn 60 triệu đồng".

Tạm biệt ông Vinh, chúng tôi đến tham quan ruộng lúa cũng đang lúc thu hoạch của ông Lý Đức Thái, xã Tài Văn, huyện Trần Đề. Gặp chúng tôi, ông Thái hồ hởi chia sẻ: "Vụ lúa Đông - Xuân năm nay không riêng gì tôi mà bà con nông dân trồng lúa tại địa phương tiếp tục có vụ mùa bội thu. Được vụ mùa thành công phần lớn nhờ vào việc tuân thủ đúng lịch thời vụ của ngành chuyên môn khuyến cáo, lúa tránh được mặn xâm nhập. Riêng với tôi, để có vụ lúa Đông - Xuân thu về lợi nhuận tốt, tôi chọn gieo sạ giống lúa đặc sản ST25 trên diện tích 3ha. Và trong suốt mùa vụ canh tác lúa, tôi áp dụng quy trình kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc có nguồn gốc sinh học, giảm dùng phân bón hóa học, nhờ đó kéo giảm chi phí đầu tư mùa vụ xuống còn 1,6 triệu đồng/công đất lúa. Hiện tại, lúa đang thu hoạch gần xong hết diện tích đất, ước năng suất 8 tấn/ha, giá bán 7.650 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận thu về là 120 triệu đồng/3ha".

Ông Lý Đức Thái, xã Tài Văn, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) chia sẻ, trong vụ lúa Đông - Xuân năm 2022 - 2023 với 3ha đất canh tác giống lúa ST25, trừ chi phí lợi nhuận thu về 120 triệu đồng. Ảnh: THÚY LIỄU

Trong nhiều năm qua, để nâng cao sản lượng và chất lượng lúa sau thu hoạch, hàng năm ngành Nông nghiệp huyện đều khuyến cáo đến hộ dân chuyển đổi dần diện tích canh tác giống lúa thường sang các giống lúa chất lượng cao. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề Trần Hoàng Dũng thông tin, đến thời điểm hiện tại, trong số hơn 22.400ha lúa gieo sạ vụ Đông - Xuân năm 2022 - 2023, diện tích lúa thơm, lúa đặc sản chiếm trên 93%. Chính nhờ canh tác các giống lúa chất lượng cao nên giá bán lúa tốt, bà con nông dân trồng lúa có thu nhập ổn định. Đồng thời, trong vụ lúa Đông - Xuân, toàn bộ diện tích trên địa bàn huyện không bị ảnh hưởng mặn, do huyện triển khai khung lịch mùa vụ hợp lý theo từng vùng đất cụ thể.

"Cùng với đó, huyện đã triển khai việc nạo vét các kênh thủy lợi nội đồng, tạo nguồn nhằm chủ động trữ nước cung cấp cho các cánh đồng lúa khi có độ mặn lên cao không thể lấy nước từ bên ngoài vào. Ngoài ra, huyện còn tăng cường công tác tuyên truyền đến bà con nông dân việc tuân thủ đúng lịch xuống giống do ngành chuyên môn khuyến cáo. Từ đó, góp phần đem lại vụ lúa Đông - Xuân trên địa bàn huyện thắng lợi cả về năng suất lẫn sản lượng sau thu hoạch…” - đồng chí Trần Hoàng Dũng cho biết thêm.

Theo thông tin của hầu hết bà con nông dân canh tác lúa trên địa bàn huyện Trần Đề, vụ lúa Đông - Xuân năm 2022 - 2023 khá thuận lợi về mặt thời tiết và năng suất tăng hơn cùng kỳ năm trước 10%, giá bán cũng cao hơn tầm 10% nên bà con nông dân đều có lợi nhuận tốt sau thu hoạch. Để luôn đảm bảo có vụ lúa thành công, mong rằng bà con nông dân nên tuân thủ đúng các khuyến cáo của ngành chuyên môn trong việc canh tác lúa, đặc biệt là ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào canh tác, nhằm giảm chi phí đầu tư mùa vụ, góp phần tăng lợi nhuận sau thu hoạch, đảm bảo đời sống bà con nông dân luôn ấm no, sung túc.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: