• Huyện Trần Đề

Quan tâm phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

16/11/2022 05:14 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 16/11/2022 | 05:14

STO - Những năm qua, công tác phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng có đông đồng bào Khmer trên địa bàn huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đã có nhiều đổi mới, khởi sắc hơn. Những chính sách đầu tư xây dựng hệ thống trường, lớp kiên cố, chế độ ưu đãi hỗ trợ người dạy, người học ở vùng đồng bào Khmer trên địa bàn đã góp phần tạo động lực cho công tác giáo dục và đào tạo nơi đây ngày càng phát triển.

Xác định phát triển giáo dục và đào tạo là mục tiêu hàng đầu để nâng cao dân trí, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhiều năm qua, hệ thống trường lớp trên địa bàn huyện Trần Đề được quan tâm đầu tư đúng mức, đặc biệt là các trường có đông con em là đồng bào Khmer đang theo học đều được đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Từ đó, chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện không ngừng được nâng lên, không còn khoảng cách giữa giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc so với khu vực thành thị. 

Những xóm ấp giờ đây đã có nhiều đổi thay, những ngôi trường khang trang phần nào làm tươi mới diện mạo nông thôn vùng đồng bào Khmer. Đây chính là động lực để đồng bào Khmer tiếp tục quan tâm đầu tư nhiều hơn cho việc học của con em. Đến thăm Trường THCS Viên Bình, ngôi trường có trên 75% học sinh dân tộc Khmer đang theo học, thầy Trương Quý Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Viên Bình, phấn khởi cho biết: “Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2017 và hiện nay đang chuẩn bị các điều kiện để tái chuẩn. Thời gian qua, chất lượng giáo dục của nhà trường từng bước được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi hàng năm đều đạt trên 50%, số học sinh được xét tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 100%. Trong quá trình dạy học, nhà trường phân công giáo viên có kinh nghiệm bồi dưỡng, phụ đạo cho các em học sinh cũng như luôn quan tâm tăng cường tiếng Việt, dạy học tiếng Khmer và trau dồi thêm tiếng Anh căn bản cho các em”. Được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ trang thiết bị dạy và học, cùng với đó là đội ngũ giáo viên đều đạt chuẩn, có tinh thần yêu nghề, mếm trẻ, trường đã trở thành địa chỉ tin cậy để người dân địa phương gửi gắm con em đến học.

Học sinh Trường THCS Viên Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) trong giờ sinh hoạt dưới cờ. Ảnh: H.NHƯ

Cô và trò Trường THCS Viên Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) trong giờ học trên lớp. Ảnh: H.NHƯ

Song song với đầu tư cơ sở vật chất, ngành Giáo dục huyện cũng triển khai dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc Khmer trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn nhằm giáo dục ngôn ngữ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, ngành còn quan tâm công tác bồi dưỡng cho giáo viên, nhất là cho giáo viên tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đều cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, giúp cán bộ quản lý, giáo viên nắm vững phương pháp đổi mới theo chương trình đổi mới sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Riêng đối với trường dân tộc nội trú trên địa bàn huyện, các em học sinh tham gia học tập tại trường được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách dành cho học sinh dân tộc, được quan tâm nuôi dạy và đảm bảo các điều kiện rèn luyện về đức, trí, thể, mỹ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, tạo điều kiện để học sinh tham gia sinh hoạt văn hóa, học tập và trình diễn nghệ thuật truyền thống dân tộc nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.

Việc đầu tư phát triển chương trình giáo dục phổ thông vùng đồng bào Khmer và văn hóa Khmer tại các trường được quan tâm. Toàn huyện Trần Đề hiện có 21 trường dạy song ngữ, với tổng số 293 lớp, có 6.925 học sinh theo học; trong đó, cấp tiểu học là 16 trường, cấp trung học cơ sở 5 trường. Riêng các chùa Khmer trong huyện còn tổ chức dạy chữ Khmer trong dịp hè cho các em học sinh ở địa phương, cũng như hàng năm ngành Giáo dục huyện có tổ chức hội thi văn hay chữ tốt cả tiếng Việt và tiếng Khmer, thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Ông Võ Minh Dẫn - Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho biết: “Để nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh dân tộc thiểu số tại các trường vùng đồng bào dân tộc, Phòng Giáo dục huyện hướng dẫn các trường thường xuyên tổ chức các chuyên đề theo cụm trường, chuyên đề cấp huyện, sinh hoạt chuyên môn liên trường, theo cụm bộ môn với nhau để trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác dạy và học. Hầu hết các đơn vị đều tích cực tham gia các hoạt động này và mang lại hiệu quả thiết thực. Đối với việc dạy chữ viết và tiếng nói dân tộc, ngành giáo dục luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát, hiện toàn huyện có 21 trường phổ thông có tổ chức dạy tiếng Khmer cho các em học sinh. Đồng thời, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với học sinh dân tộc, nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công tác ở vùng dân tộc theo quy định”.

Với sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, công tác giáo dục vùng có đông đồng bào Khmer trên địa bàn huyện Trần Đề được quan tâm đúng mức, qua đó góp phần nâng cao trình độ dân trí, đóng góp nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

H.NHƯ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: