Đầu ra nông sản - lấy đặt hàng thay giải cứu

25/01/2022 04:18 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 25/01/2022 | 04:18

STO - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị “Góp ý kiến báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn” vào ngày 19-1, một trong những nội dung được Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh tại hội nghị là: “Nông sản Việt Nam phải được mong chờ đặt hàng chứ không phải chờ đợi để được giải cứu”.

Theo đó, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, đã đến thời điểm chín muồi để tổng kết và ban hành 1 nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nghị quyết mới phải đạt yêu cầu tiếp tục khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có vị trí, vai trò ý nghĩa chiến lược đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Việc giải quyết tốt những vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Thường trực Ban Bí thư là yếu tố quan trọng mang tính tiền đề để đất nước đạt được mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. “Phải tạo điều kiện để thực hiện điều mà bấy lâu nay chúng ta vẫn mơ ước là “ly nông nhưng không ly hương”. Nông sản Việt Nam phải được mong chờ đặt hàng chứ không phải chờ đợi để được giải cứu” - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Nhờ thay đổi quy trình sản xuất, bảo quản đáp ứng theo yêu cầu thị trường, hành tím Vĩnh Châu đã dần được tiêu thụ ngày một tốt hơn. Ảnh: TÍCH CHU

Có 2 vấn đề lớn để nông sản được mong chờ đặt hàng đó là: cần có vùng sản xuất mang tính hàng hóa đủ lớn và nông sản phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường. Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu thuộc loại lớn trong tỉnh có lần chia sẻ với người viết rằng, thông thường chúng ta hay hỏi khách hàng có muốn mua nông sản này, nông sản kia của Việt Nam không mà ít khi chúng ta chủ động mang sản phẩm đi chào mời họ, giới thiệu cho họ biết về năng lực, quy trình sản xuất sản phẩm đó… Vị lãnh đạo trên kể: “Đối với thị trường Nhật hay một số thị trường lớn khác như EU, Mỹ… khi chúng ta đặt vấn đề mua bán với họ về một sản phẩm nào đó (thô hay chế biến), họ thường không trả lời ngay là mua hay không mua mà điều đầu tiên là họ muốn được thấy mẫu mã sản phẩm, được nếm thử chất lượng sản phẩm, được biết về quy trình sản xuất, khả năng cung ứng… Vì vậy, để họ đặt hàng với chúng ta, điều đầu tiên là chúng ta phải có sản phẩm gắn liền với vùng sản xuất hoặc nhà máy chế biến.

Đến đây có thể thấy, để nông sản được đặt hàng, không còn giải cứu, vấn đề đầu tiên là sản xuất phải theo quy hoạch, theo một quy trình thống nhất cho từng loại nông sản, đồng thời xây dựng mối liên kết doanh nghiệp - nông dân (hoặc hợp tác xã) để hình thành nên chuỗi giá trị nông sản hàng hóa hoàn chỉnh và thực chất. Còn nếu để sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm thì cho dù sản lượng có dồi dào, việc tiêu thụ cũng sẽ rất khó khăn, giá cả sẽ không được như kỳ vọng. Câu chuyện của trái thanh long, mít Thái rớt giá thê thảm mới đây là một minh chứng rõ ràng nhất về việc sản xuất theo tập quán đám đông mà không có sự liên kết, nắm bắt các yêu cầu của thị trường.

Như vậy, nông nghiệp cần bắt đầu bằng sự chuyển đổi từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” để chủ động thích ứng nhằm đáp ứng một cách đầy đủ và có hiệu quả với những biến động của thị trường. Hay nói một cách khác, nông nghiệp cần xác định sản xuất cái gì, bán ở đâu, số lượng bao nhiêu, theo tiêu chuẩn nào?… thì mới thoát cảnh giải cứu, hay chí ít cũng hạn chế tối đa tình trạng “trúng mùa, thất giá”. Đây là một vấn đề lớn, khó, nhưng không thể không làm nếu muốn nông sản được mong chờ đặt hàng thay vì chờ được giải cứu như ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư.

Để chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp trước hết phải thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ của nông dân thông qua việc tổ chức lại sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã kiểu mới. Khi đó, mới hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu tập trung mang tính hàng hóa cao, đồng nhất (về chất lượng và mẫu mã), tạo điều kiện cho việc liên kết với doanh nghiệp (đầu vào và đầu ra) xây dựng hoàn chỉnh chuỗi giá trị cho từng mặt hàng nông sản. Vấn đề này chúng ta đã làm và hiện vẫn đang tiếp tục làm nhưng kết quả thì vẫn chưa như mong đợi, khi nội lực của hợp tác xã vẫn chưa đủ mạnh và mối liên kết với doanh nghiệp vẫn chưa bền chặt và thực chất.

Ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại hội nghị trên cho thấy, những điểm mạnh, điểm yếu cũng như cơ hội của nông sản Việt Nam nói riêng và vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung đã được làm rõ, nên chúng ta có quyền hy vọng tới đây, vấn đề tiêu thụ nông sản sẽ được cải thiện hơn, nông nghiệp sẽ thực sự là một nền kinh tế chứ không đơn thuần là sản xuất như cách nghĩ, cách làm từ trước đến nay.

TÍCH CHU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: