Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19

09/08/2022 03:31 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 09/08/2022 | 03:31

STO - Năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh rơi vào tình trạng “đóng băng” do thiếu nguyên liệu sản xuất, nguồn lao động, thị trường đầu ra… Trong lúc khó khăn đó, Sở Công Thương đã triển khai kịp thời các chương trình khuyến công để tiếp thêm nguồn lực, giúp doanh nghiệp, các cơ sở vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững sau đại dịch.

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong tỉnh, khi dịch bệnh bùng phát mạnh từ tháng 7-2021, DNTN Phú Hương - An Thành chuyên sản xuất lạp xưởng, bánh pía ở TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) phải tạm ngưng sản xuất để phòng, chống dịch bệnh và chỉ mở cửa hoạt động trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát nhưng chỉ đạt vài chục phần trăm do thiếu công nhân lao động, nguồn nguyên liệu khan hiếm và giá cao… Chính thời điểm ấy, đề án hỗ trợ lò sấy lạp xưởng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương đã giúp doanh nghiệp có điều kiện đổi mới trang thiết bị sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tiết kiệm chi phí đầu tư.

Anh Trần Xuân Kế - DNTN Phú Hương - An Thành phấn khởi cho biết: “Chính nhờ chương trình khuyến công mà doanh nghiệp có điều kiện phục hồi tốt sau dịch bệnh. Với máy sấy lạp xưởng có công suất 2,4 tấn/mẻ, giúp đơn vị cải tiến quy trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm (chuyển từ sấy bằng than sang điện), tiết kiệm điện năng, chi phí thuê nhân công, tăng năng suất. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm được nâng lên, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp".

Nhờ được hỗ trợ máy sấy lạp xưởng, DNTN Phú Hương - An Thành nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: H.LAN

Công ty TNHH Sản xuất thương mại bánh kẹo Ba Xuyên (TP. Sóc Trăng) đang tuyển dụng thêm công nhân lao động để đẩy mạnh sản xuất sau dịch bệnh. Theo anh Hà Minh Tuấn - Giám đốc công ty, khi Sóc Trăng bùng phát dịch bệnh, công ty phải tạm đóng cửa 6 tháng và chỉ hoạt động lại từ đầu tháng 1/2022 cho đến nay và công suất đã đạt được khoảng 70%, nguyên nhân giúp công ty phục hồi nhanh là nhờ được hỗ trợ máy móc, trang thiết bị sản xuất hiện đại để thay thế sản xuất thủ công truyền thống. Thay vì phải nấu sữa bằng gas như trước thì nay công ty thay bằng nồi nấu 3 lớp (sử dụng điện) và hệ thống làm lạnh, sản xuất theo quy trình khép kín nên năng suất tăng gấp đôi, chất lượng sản phẩm nâng lên, hạn sử dụng dài hơn, phân phối ra thị trường ngoài tỉnh, công ty cũng đang dần lấy lại thị trường và lượng khách hàng như trước đây.

Anh Tuấn cho biết, sản phẩm sữa tươi thanh trùng và bánh kẹo từ sữa mang thương hiệu Ba Xuyên đều được chứng nhận OCOP 3 sao. Hiện công ty đang nghiên cứu cho ra nhiều sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ sữa của công ty nên rất cần đầu tư thêm máy đóng gói và hy vọng chương trình khuyến công của tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng đơn vị trong thời gian tới.

Nhiều doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19 nhờ sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công. Ảnh: H.LAN

Sự phục hồi sản xuất, kinh doanh của DNTN Phú Hương - An Thành và Công ty TNHH Sản xuất thương mại bánh kẹo Ba Xuyên là điển hình trong rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh sau đại dịch có phần đóng góp không nhỏ từ các chương trình khuyến công của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Luông - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thực hiện các nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ thị của Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình khuyến công tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công được UBND tỉnh và Bộ Công Thương phê duyệt. Kết quả, trong năm 2021 đã tổ chức thực hiện hoàn thành 13 đề án khuyến công với số tiền trên 5,3 tỷ đồng. Qua đó, các doanh nghiệp, cơ sở đều hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, đạt và vượt mục tiêu đề án đề ra, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương, đặc biệt giúp doanh nghiệp, cơ sở phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh, đồng thời xây dựng được nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP, góp phần hướng đến việc ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến của các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, đồng thời làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp tại địa phương.

Hiệu quả mang lại từ chương trình khuyến công năm 2021 là cơ sở để tỉnh Sóc Trăng tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình khuyến công trong thời gian tới. Theo đồng chí Nguyễn Văn Luông, trong năm 2022, tỉnh sẽ triển khai 20 đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương với tổng kinh phí thực hiện trên 6,2 tỷ đồng. Để triển khai đạt hiệu quả chương trình khuyến công, Sở Công Thương tập trung huy động mạnh mẽ các nguồn lực để hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm công nghiệp đặc trưng, tiêu biểu, phù hợp với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, có thị trường tiêu thụ ổn định, các đề án ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 hoặc tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương; hạn chế thực hiện các đề án hỗ trợ dàn trải, phân tán, quy mô nhỏ, hiệu quả thấp. Tập trung xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương; ưu tiên hỗ trợ các ngành như: chế biến nông sản (trái cây đóng lon, nấm đóng lon, nông sản sấy…), chế biến thủy sản, xay xát, chế biến lương thực, ngành cơ khí chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm (bánh pía, lạp xưởng, sữa tươi thanh trùng...). Đặc biệt, ưu tiên các đề án hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025.

Tin rằng với sự hỗ trợ, tiếp sức từ chương trình khuyến công, thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp, cơ sở phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch, hướng đến phát triển sản xuất bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng.

H.LAN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: