Kinh nghiệm hỗ trợ sản phẩm tiềm năng đạt sao OCOP

01/02/2023 05:09 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 01/02/2023 | 05:09

STO - Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Sóc Trăng có tổng số 189 sản phẩm của 102 chủ thể đạt sao OCOP (trong đó có 169 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 19 sản phẩm hạng 4 sao và 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao), vượt 2,9 lần so chỉ tiêu kế hoạch. Để sản phẩm của các chủ thể đạt hạng sao OCOP, ngoài hỗ trợ của các ngành chuyên môn cấp tỉnh thì sự hỗ trợ của địa phương là rất quan trọng. Theo đó, chính quyền các địa phương sẽ tiến hành rà soát, lựa chọn sản phẩm đặc trưng riêng của địa phương để kịp thời hỗ trợ chủ thể nâng chất sản phẩm, tham gia hội thi đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đến cấp tỉnh.

Theo đồng chí Lê Hoàng Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách (Sóc Trăng), hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Kế Sách có 8 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 4 sao OCOP, sản phẩm đạt hạng sao OCOP này chủ yếu là trái cây. Sở dĩ số lượng sản phẩm trái cây của huyện đạt sao OCOP chiếm phần lớn là bởi ngay từ khi triển khai Chương trình OCOP, địa phương xác định tiềm năng của huyện là cây ăn trái; do đó huyện đã tập trung hỗ trợ các hợp tác xã trồng cây ăn trái chọn sản phẩm mang nét đặc trưng riêng của địa phương, như: trái vú sữa tím, trái bưởi da xanh... là sản phẩm OCOP để hỗ trợ các loại sản phẩm này đủ điều kiện tham gia đánh giá xếp hạng OCOP, bằng cách trang bị kiến thức về chuẩn hóa sản phẩm.

Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện Kế Sách đã phối hợp ngành chuyên môn hỗ trợ hợp tác xã có sản phẩm OCOP tiềm năng, sản xuất theo quy trình VietGAP, quy trình canh tác của nước xuất khẩu hoặc phân khúc chất lượng cao ở thị trường trong nước và hỗ trợ hợp tác xã tổ chức sản xuất trái cây bài bản, khoa học, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nhằm rải vụ trái cây để đảm bảo trái cây có cung ứng thường xuyên ra thị trường, tạo tính bền vững cho sản phẩm OCOP tiềm năng, đứng vững trên thị trường khi đạt được sao OCOP.

Nhiều sản phẩm trái cây của huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đạt sao OCOP, trong đó có sản phẩm vú sữa tím, vú sữa bơ hồng đạt 4 sao OCOP. Ảnh: THÚY LIỄU

"Sau khi sản phẩm đã đạt hạng sao OCOP, huyện tiếp tục hỗ trợ giới thiệu sản phẩm tại các lễ hội, hội chợ và trên sàn thương mại điện tử, giúp chủ thể OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ với nhiều phân khúc thị trường khác nhau, góp phần tăng thu nhập cho chủ thể có sản phẩm đạt hạng sao OCOP” - đồng chí Lê Hoàng Phong thông tin thêm.

Cũng là địa phương có số lượng sản phẩm đạt hạng sao OCOP nhiều so với một số địa phương trên địa bàn tỉnh, đồng chí Phan Vĩnh Tùng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) chia sẻ: “Để hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng tham gia đánh giá xếp hạng sao OCOP, trong các năm triển khai Chương trình OCOP, UBND thị xã Vĩnh Châu đã chỉ đạo các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm OCOP đặc trưng văn hóa của địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn và đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn và chuyển giao công nghệ sản xuất cho chủ thể OCOP”.

Cũng theo lãnh đạo UBND thị xã Vĩnh Châu, nhờ quan tâm sát sao việc phát triển sản phẩm tiềm năng OCOP của địa phương nên đến nay, thị xã Vĩnh Châu đã có 17 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 4 sao OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt hạng 4 sao, còn lại đạt hạng 3 sao OCOP. Sau khi sản phẩm đạt sao OCOP, UBND thị xã Vĩnh Châu hỗ trợ chủ thể liên kết tiêu thụ sản phẩm, tuyên truyền quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông, đưa sản phẩm đi trưng bày tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh; lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình, dự án hỗ trợ bao bì, tem sản phẩm, trang thiết bị để chủ thể phát triển sản xuất sản phẩm OCOP, với số lượng nhiều hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần tăng thu nhập cho chủ thể OCOP.

Các chủ thể OCOP rất phấn khởi khi sản phẩm do chủ thể sản xuất đạt Chứng nhận sao OCOP cấp tỉnh đợt 2/2022. Ảnh: THÚY LIỄU

Trong giai đoạn 2019 - 2022, tỉnh đã thực hiện các hỗ trợ dành cho sản phẩm OCOP như: hỗ trợ về công nghệ, trang thiết bị máy móc cho 18 sản phẩm OCOP; công bố chất lượng, chứng nhận chất lượng cho 62 sản phẩm; thiết kế, in ấn bao bì, nhãn mác cho 63 sản phẩm; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho 24 sản phẩm; đăng ký sở hữu trí tuệ cho 81 sản phẩm; phát triển vùng nguyên liệu cho 52 sản phẩm; xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị cho 18 sản phẩm; xây dựng website cho 53 sản phẩm…

Đồng chí Lê Văn Đáng - Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng cho rằng, để sản phẩm đạt các sao OCOP, qua quá trình triển khai Chương trình OCOP, chúng tôi đã rút ra được bài học kinh nghiệm mà địa phương có thể tham khảo vận dụng đó là xem Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế địa phương, do đó cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong chỉ đạo thực hiện chương trình; hình thành bộ máy có quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên tham gia. Bên cạnh đó, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành liên quan trong việc chỉ đạo hướng dẫn nội dung, quy định chi tiết trong đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP. Tăng cường công tác tuyên truyền Chương trình OCOP sâu rộng đến người dân, cán bộ cơ sở và nhất là các chủ thể sản xuất, kinh doanh; đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức của chủ thể OCOP và hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ tại địa phương, kể cả xuất khẩu…

Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị gắn với nông thôn mới. Thông qua Chương trình OCOP đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho các địa phương và chủ thể có sản phẩm đạt sao OCOP. Với những kinh nghiệm của các địa phương nêu trên về việc phát triển sản phẩm OCOP tiềm năng và hỗ trợ sản phẩm sau khi đạt hạng sao OCOP sẽ góp phần để các địa phương khác tham khảo, rút ra những điểm hay, điểm mới áp dụng tại địa phương, khi triển khai Chương trình OCOP, giai đoạn 2023 - 2025, đạt được kết quả tốt nhất.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: