Tăng cường, quản lý, chăm sóc tôm nuôi nước lợ giai đoạn giao mùa

19/05/2023 08:58 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 19/05/2023 | 08:58

STO - Theo dự báo của ngành chuyên môn, mùa mưa năm 2023 ở khu vực Nam Bộ có khả năng bắt đầu sớm hơn so hàng năm, từ 10- 25%. Cuối tháng 4 và tháng 5, các nơi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bước vào giai đoạn chuyển mùa, mưa sẽ xuất hiện nhiều hơn với những đợt mưa vừa, mưa to và dông mạnh, dẫn đến môi trường biến động lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh đối với con tôm nuôi. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo kịp thời để hộ dân chủ động trong việc bảo vệ diện tích tôm nuôi, giảm thiểu rủi ro do môi trường, dịch bệnh trong mùa vụ nuôi tôm.

Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của toàn tỉnh Sóc Trăng hơn 17.760ha, đạt hơn 24% kế hoạch, bằng 64% so với cùng kỳ, ước sản lượng thu hoạch hơn 14.600 tấn. Để tiếp tục thả nuôi tôm cho diện tích còn lại đạt theo kế hoạch đề ra, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người nuôi khẩn trương lấy nước vào ao nuôi, khi độ mặn nước thích hợp để thả giống tôm; đồng thời lưu ý cải tạo ao thật kỹ, diệt bỏ các vật chủ trung gian mang các mầm bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến đường ruột của tôm như: tép, cá tạp, hến, cua, còng, ốc đinh và diệt bỏ các loại giáp xác khác trong ao nuôi. Thiết kế một phần diện tích (ít nhất 15% tổng diện tích ao nuôi đối với ao đất và ít nhất 50% đối với ao bạt) để làm ao lắng, ao dự trữ nước cho tôm nuôi. Đối với ao lắng, ao dự trữ nước nên đắp bờ cao lên xung quanh và lót bạt bờ hoặc bạt đáy để nâng chiều sâu ao lên từ 2,5 - 3m để dự trữ được nhiều nước phục vụ nuôi tôm. Cùng với đó, bố trí ít nhất 10% tổng diện tích ao nuôi để làm ao chứa thải, bùn thải.

Đối với chọn giống tôm thả nuôi phải bắt giống ở cơ sở có uy tín, có thương hiệu, nguồn gốc, cơ sở rõ ràng, có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất và ương dưỡng giống thủy sản, con giống phải có giấy kiểm dịch và phải xét nghiệm sạch bệnh ít nhất 3 loại bệnh thường gặp đó là đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, bệnh còi - vi bào tử trùng. Khi chọn giống thả kích cỡ sú post 15 và thẻ từ post 12 trở lên, lựa chọn con giống đồng đều, bơi lội nhanh nhẹn, lội ngược dòng, phản xạ tốt với tiếng động, gan tụy và ruột sậm màu, tỷ lệ dị hình dưới 0,5%. Khi thả giống không nên thả đồng loạt mà nên thả thăm dò, rải vụ một phần diện tích, nếu con giống tốt, môi trường, thời tiết thuận lợi thì tiếp tục thả. Bố trí thêm ao ương tôm giai đoạn đầu khoảng 100 - 200m2 và ương tôm từ 15 - 30 ngày để thả tôm giống size lớn nhằm quản lý tốt sức khỏe tôm nuôi giai đoạn đầu, tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.

Trong thời điểm giao mùa, ngành chuyên môn tăng cường công tác giám sát môi trường vùng nuôi và thường xuyên kiểm tra dịch bệnh trên con tôm nuôi, để có những khuyến cáo đến hộ nuôi tôm. Ảnh: THÚY LIỄU

Đồng chí Quách Thị Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng khuyến cáo, sau giai đoạn nắng nóng kéo dài thì kế tiếp là giai đoạn mùa mưa hay còn gọi là giao mùa, môi trường thời tiết biến đổi rất đột ngột dẫn đến tôm nuôi hay bùng phát dịch bệnh, do đó người nuôi nên hạn chế thả tôm trong giai đoạn giao mùa. Thời điểm giao mùa, hộ nuôi tôm phải thường xuyên theo dõi các yếu tố thủy lý hóa trong ao nuôi như: độ mặn, pH, độ kiềm, khí độc NH3, NO2 và hàm lượng oxy hòa tan để điều chỉnh về khoảng thích hợp kịp thời, tránh tình trạng làm tôm bị stress hoặc bị sốc môi trường. Thường xuyên bổ sung vôi, khoáng chất, đặc biệt là Canxi, Magie, Kali cho tôm, nhất là các ao độ mặn thấp để phòng ngừa bệnh cong thân đục cơ, mềm vỏ, tăng sức đề kháng cho tôm. Có thể sử dụng muối đen để tăng cường độ mặn và khoáng chất trong ao nuôi tôm, nhất là trong giai đoạn ương. Mật độ thả tôm nên thả phù hợp với năng lực quản lý để giảm rủi ro, quản lý môi trường tốt hơn và giúp tôm mau lớn.

Trong thời điểm hiện tại có thể xuất hiện các cơn mưa đầu mùa đột ngột, dẫn đến giảm pH và sụp tảo gây ô nhiễm nền đáy ao tôm. Do đó, người nuôi nên bón vôi xung quanh bờ ao nuôi trước những cơn mưa. Sau những cơn mưa khi thấy hiện tượng sụp tảo (nước trong lại, mất màu tảo) cần phải tăng cường sục khí và xử lý vi sinh để làm sạch môi trường nước và đáy ao nuôi. Định kỳ lấy mẫu nước kiểm tra mật số vi khuẩn gây hại (vibrio) trong ao tôm với tần suất 2 lần/tuần, khống chế mật số vibrio tổng ở mức thấp <1.000CFU/ml và sự hiện diện của vibrio gây bệnh hoại tử gan tụy và vibrio gây bệnh phân trắng.

Con tôm nuôi nước lợ đem về nguồn thu nhập rất tốt cho hộ nuôi. Chính vì vậy, để góp phần đạt chỉ tiêu diện tích thả nuôi tôm của tỉnh là 51.000ha, sản lượng 206.000 tấn, hộ dân cần tuân thủ lịch khuyến cáo thả nuôi tôm của ngành chuyên môn và tích cực chăm sóc, bảo vệ diện tích tôm nuôi trong giai đoạn thời tiết giao mùa, nhằm có vụ tôm nuôi thành công.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: