Thiên tai luôn khắc nghiệt và không hồi kết

04/07/2022 04:02 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 04/07/2022 | 04:02

STO - Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Sóc Trăng, từ tháng 8 đến tháng 12-2022, các nơi trong tỉnh có tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ đến cao hơn một ít so với trung bình nhiều năm (TBNN). Mùa mưa có thể kết thúc muộn hơn so TBNN, mặn năm 2022 - 2023 bắt đầu vào các tháng cuối năm 2022 và độ mặn sẽ lên nhanh, xâm nhập sâu vào các sông, kênh, rạch ở mức cao hơn so TBNN. Thiên tai theo từng năm diễn biến khác nhau và ngày càng khắc nghiệt, khó lường...

Sạt lở đất diễn biến ngày càng phức tạp tại các địa phương ven sông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong những năm gần đây do thiên tai gây ra. Ảnh: TL

Sóc Trăng là một trong những tỉnh ven biển thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hàng năm do ảnh hưởng thời tiết và biến đổi khí hậu (BĐKH), nên thường xuyên xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn sâu nội đồng... làm thiệt hại sản xuất của người dân tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê của ngành chuyên môn, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 42 vụ dông lốc, đã làm sập và tốc mái 280 căn nhà, làm 1 người chết, 2 người bị thương nhẹ, diện tích lúa bị đổ ngã hơn 10ha, diện tích cây ăn trái bị đổ ngã 39ha và 4 trụ điện hạ thế bị gãy. Cùng với đó, sạt lở đê cồn, bờ sông, bờ biển, đường giao thông nông thôn với chiều dài 52.487m, thuộc địa bàn các huyện: Kế Sách, Châu Thành, Long Phú, Trần Đề, Mỹ Tú, Cù Lao Dung, TX. Vĩnh Châu và TP. Sóc Trăng, ước thiệt hại hơn 341 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sóng to gió lớn trên biển đã làm chìm 2 phương tiện, dẫn đến 4 người chết, 12 thuyền viên được các phương tiện khác cứu sống. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, dông lốc làm thiệt hại 36 căn nhà của hộ dân tại các huyện: Mỹ Tú, Long Phú, Thạnh Trị, Kế Sách, Trần Đề và TX. Vĩnh Châu, TX. Ngã Năm; sạt lở bờ sông, đường giao thông nông thôn chiều dài 771m (huyện Kế Sách); sạt lở hơn 6.300m đê cồn (huyện Kế Sách, Cù Lao Dung). Thiên tai trên biển xảy ra 7 vụ/7 phương tiện, ảnh hưởng 26 thuyền viên, trong đó chết 4 người, mất tích 1 người, cứu nạn được 21 người, chìm 3 phương tiện, nguyên nhân của các vụ tai nạn là do phương tiện bị sóng đánh mắc cạn, hỏng bánh lái…

Sau thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan hỗ trợ kinh phí đến người dân có nhà bị thiệt hại do dông lốc gây ra, qua đó đã giúp bà con ổn định đời sống sinh hoạt cũng như triển khai các phương án gia cố các bờ sông, đê cồn, đê biển bị sạt lở.

Do ảnh hưởng của BĐKH, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, không theo quy luật, các hiện tượng dông, lốc, sét xảy ra nhiều hơn và phạm vi ảnh hưởng ngày càng rộng, nguy hiểm và tác động của dòng chảy, triều cường, nước dâng nên sạt lở bờ sông, bờ biển những năm gần đây diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là các huyện ven sông, ven biển như: Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung, TX. Vĩnh Châu…

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thường xuyên đi thực tế kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Kế Sách (Sóc Trăng) và cùng đơn vị bàn phương án khắc phục sạt lở. Ảnh: TL

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho rằng, thiên tai không thể lường trước cùng những ảnh hưởng đến sản xuất nên việc chủ động ứng phó là hết sức cần thiết, bảo vệ sản xuất cho người dân. Qua đó, ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng giải pháp ứng phó với từng loại hình thiên tai khác nhau là khi có bão, áp thấp nhiệt đới, dông, lốc, sét sẽ thông báo cho tàu thuyền, phương tiện khai thác thủy sản trên sông, trên biển ra khỏi vùng nguy hiểm; tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn; vận động người dân chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây to có nguy cơ gãy đổ.

Đối với triều cường thì ngành Nông nghiệp sẽ chỉ đạo đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra các tuyến đê, bờ sông có nguy cơ tràn, gây vỡ đê, bờ bao để có giải pháp khắc phục kịp thời; vận động người dân sống trong vùng bị ảnh hưởng tôn cao bờ bao, chống tràn để bảo vệ sản xuất. Đối với xâm nhập mặn, tổ chức dự báo, cảnh báo, thường xuyên cập nhật và thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về độ mặn trong ngày cho người dân nắm, chủ động sản xuất; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lịch mùa vụ, khuyến cáo sử dụng các giống ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để sử dụng nước hiệu quả. Riêng đối với sạt lở bờ sông, bờ biển, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các địa phương tăng cường vận động người dân không xây dựng nhà ở ngã ba sông, các khúc sông cong và những đoạn sông, kênh dễ bị sạt lở do địa chất nền để tránh thiệt hại về người và tài sản; rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở cao, đặc biệt vào những tháng triều cường cuối năm, khi đỉnh lũ cao từ thượng nguồn đổ về theo cấp báo động và lập kế hoạch chủ động di dời các hộ dân sống khu vực sạt lở ra khỏi phạm vi ảnh hưởng…

Nhằm chủ động ứng phó thiên tai, đồng chí Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố bám sát phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai, phối hợp trong việc xử lý khắc phục sự cố; khắc phục hậu quả, đảm bảo hiệu quả thực tế của từng địa phương; đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực trọng điểm, vị trí xung yếu, phát hiện và xử lý, khắc phục kịp thời hệ thống công trình thủy lợi, đê điều nhằm đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Phối hợp Đài Khí tượng Thủy văn Sóc Trăng tiếp nhận và truyền phát các tin cảnh báo về diễn biến của khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn, bão, áp thấp nhiệt đới và thời tiết nguy hiểm để các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh chủ động phòng tránh, ứng phó.

Đồng chí Vương Quốc Nam cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thống kê các cơ sở kinh doanh vật tư hàng hóa thiết yếu, sẵn sàng huy động khi cần thiết; rà soát các điểm dự kiến sơ tán dân và các phương tiện di chuyển cũng như nhân lực hỗ trợ di chuyển khi có thiên tai. Đồng thời, triển khai lực lượng hỗ trợ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn bị thiên tai kiểm tra an toàn đê điều, công trình giao thông, thủy lợi; rà soát thống kê, hướng dẫn các hộ có nhà tạm chằng, chống trước mùa mưa bão…

Các giải pháp ứng phó thiên tai của ngành chuyên môn, cùng sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ góp phần giảm thiểu tác động của thiên tai gây ra đối với đời sống của người dân, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: