Vốn - Cần nhưng đắn đo

07/06/2023 04:17 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 07/06/2023 | 04:17

STO - Trong bối cảnh cả người nuôi lẫn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm đang gặp nhiều khó khăn thì câu chuyện vốn cho ngành tôm một lần nữa được các doanh nghiệp, người nuôi và cơ quan quản lý chuyên ngành đặt ra để cùng tìm hướng tháo gỡ, vực dậy ngành tôm.

Chia sẻ về khó khăn trong xuất khẩu tôm, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, sau dịch Covid-19, các dự báo đều nghiêng về hướng thị trường sẽ tăng mạnh trở lại, nên các nhà nhập khẩu tăng cường nhập hàng. Không bao lâu, chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, kéo dài, khiến lạm phát tại các nước ngày càng tăng cao, tiêu thụ chậm lại, hàng tồn kho nhiều; các nước giảm nhập khẩu, kéo theo các nước xuất khẩu tôm (trong đó có Việt Nam) cũng bị tồn kho lớn. “Để giải quyết bài toán nợ ngân hàng, giảm tồn kho, các doanh nghiệp buộc phải giảm giá bán, nhưng khổ nỗi, càng giảm thì khách hàng lại càng nghi ngờ không dám nhập nhiều, còn nếu có nhập cũng ép giá cực thấp” - ông Quang chia sẻ. Trước tình hình giá tôm thế giới giảm kéo dài ngoài dự kiến, nên doanh nghiệp buộc phải giảm giá thu mua để có thể duy trì hoạt động, khiến giá tôm giảm mạnh trong hơn 1 tháng qua, nên nhiều hộ nuôi không dám thả giống vì sợ thua lỗ.

Mô hình nuôi tôm thẻ ao đất mật độ thấp (40 con/m2), kèm ao nước cấp có nuôi cá rô phi giúp người nuôi giảm chi phí, hạn chế rủi ro đang được Chi cục Thủy sản Sóc Trăng triển khai tại Hợp tác xã Chiến Thắng, xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: TÍCH CHU

Liên quan đến khó khăn về vốn cho sản xuất, theo ông Quang, lợi nhuận của doanh nghiệp ngành tôm vốn dĩ đã khá thấp, nay thêm tình trạng lạm phát, tiêu thụ khó khăn, giá bán giảm liên tục thì với mức lãi suất trên, doanh nghiệp sẽ không dám vay, bởi chưa vay đã thấy lỗ ngay trước mắt. Ông Quang cho biết: “Dù lãi suất đồng Việt Nam thời gian qua có giảm nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức khá cao, khiến doanh nghiệp ngành tôm dù đang rất cần vốn nhưng vẫn hết sức dè dặt do xuất khẩu vẫn đang gặp khó và giá bán liên tục giảm mạnh. Ngay cả gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng dù chưa biết khi nào sẽ triển khai nhưng với mức lãi suất tiền đồng Việt Nam như hiện tại thì doanh nghiệp ngành tôm cũng sẽ không dám vay”.

Trong khi lãi suất Việt Nam đồng vẫn còn ở mức cao thì lãi suất đô la Mỹ cũng chưa hạ nhiệt khi vẫn đang neo ở mức 4%/năm. Mức lãi suất này vẫn được xem là khá cao, nhưng theo doanh nghiệp ngành tôm, dẫu sao cũng có phần nhẹ hơn nếu so với vay bằng đồng Việt Nam. Tuy nhiên, muốn vay bằng đô la hiện cũng đang gặp khó, nhất là đối với những doanh nghiệp không xuất được hàng, tồn kho lớn. Ông Quang chia sẻ thêm: “Với tình hình thị trường như hiện nay, dù vay được bằng đồng đô la Mỹ đi chăng nữa thì doanh nghiệp cũng phải khéo lắm mới có thể có được lợi nhuận, còn không thì chỉ đạt mục tiêu duy trì sản xuất là chính. Do đó, phần lớn doanh nghiệp chế biến dù đang rất cần vốn để mua tôm nguyên liệu dự trữ chuẩn bị cho cao điểm chế biến vào giữa quý III nhưng đều hết sức đắn đo, cân nhắc trong việc vay vốn ngân hàng”.

Nếu như doanh nghiệp cần vốn nhưng không dám vay vì ngại thua lỗ thì người nuôi, nhất là các hộ nuôi nhỏ lẻ gần như không thể tiếp cận được nguồn vốn này. Ngay cả nguồn vốn 10.000 tỷ đồng từ gói hỗ trợ của Chính phủ, người nuôi và cả cơ sở sản xuất tôm giống cũng khó có thể tiếp cận được. Ông Quang dẫn chứng: “Ngay như các đơn vị nuôi tôm, sản xuất giống trực thuộc Tập đoàn Minh Phú, dù được tập đoàn đứng ra bảo lãnh thì ngân hàng cũng không cho vay. Nguyên nhân chủ yếu là do nghề sản xuất giống và nuôi tôm thương phẩm vốn có quá nhiều rủi ro, nay rủi ro đó càng lớn nữa khi giá tôm đã giảm xuống dưới mức giá thành”.

Chuyện người nuôi tôm khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng vốn tồn tại từ lâu, nhưng sở dĩ nhiều năm qua họ vẫn có thể sản xuất được là nhờ có sự hỗ trợ đầu tư bán hàng trả chậm từ các đại lý. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu như các đại lý cũng bắt đầu co cụm lại, không còn mạnh dạn đầu tư cho người nuôi như trước nữa. Ông Võ Văn Khải - Giám đốc Hợp tác xã Chiến Thắng ở xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) than thở: “Bây giờ đại lý không còn bán nợ thức ăn nữa vì giá tôm quá thấp, người nuôi đạt năng suất kha khá mà còn lỗ nữa thì ai dám đầu tư. Mà bây giờ có đầu tư cũng có rất ít người dám nuôi do chưa biết giá tôm tới bao giờ mới tăng trở lại nữa”.

Có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, cả doanh nghiệp và người nuôi tôm đều đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, nhưng một mặt, họ cũng hết sức đắn đo, chưa dám mạnh dạn vay vốn vì chưa nhìn thấy điểm sáng từ thị trường tiêu thụ. Theo các hộ nuôi tôm, với việc giá tôm giảm hơn 30% chỉ trong thời gian ngắn gần đây, cộng thêm vụ nuôi gặp khó về dịch bệnh, thời tiết nên phần lớn đã ngừng nuôi. Tuy nhiên, theo quy luật nhiều năm cho thấy, chỉ cần giá tôm khởi sắc trở lại là nguồn vốn lại đổ về cho người nuôi tôm, tiến độ sản xuất sẽ lại tăng lên.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, sang nửa quý III, nhu cầu tôm thế giới sẽ dần phục hồi và giá tôm sẽ được cải thiện trở lại. Do đó thay vì treo ao, người nuôi nên tìm kiếm cho mình một mô hình, cùng các giải pháp tiết kiệm chi phí nuôi phù hợp để vừa đảm bảo tỷ lệ nuôi thành công, vừa giảm giá thành, ổn định lợi nhuận ở mức có thể chấp nhận được.

TÍCH CHU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: