• Nông nghiệp

Cảnh báo về tình hình thời tiết năm 2023:

Chủ động ứng phó mặn xâm nhập

03/03/2023 04:09 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 03/03/2023 | 04:09

STO - Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng đang có xu thế tăng nhanh. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo, xâm nhập mặn lớn nhất mùa khô năm nay tương tự như 2020 - 2021. Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc giảm lượng xả thủy điện ở thượng nguồn sẽ làm gia tăng xâm nhập mặn từ thượng tuần tháng 2 đến khoảng nửa đầu tháng 3/2023.

Từ đầu tháng 2/2023 đến nay, nước mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng diễn biến khá phức tạp. Theo ngành chức năng, có những thời điểm độ mặn lên đến 4 theo tuyến sông Hậu, đã xâm nhập gần 50km nên đe dọa tình hình sản xuất ở một số vùng chuyên trồng cây ăn trái, đặc biệt là huyện Kế Sách (Sóc Trăng), nơi được xem là “thủ phủ” trồng cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng, với diện tích trên 17.770ha, gồm: bưởi, xoài, vú sữa, sầu riêng, nhãn, cam, mít...

Để ứng phó với hạn, mặn, người dân xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã chủ động mua thiết bị đo mặn trước khi lấy nước tưới tiêu cho vườn cây. Ảnh: QUANG BÌNH

Nhằm ứng phó với mặn xâm nhập, bảo vệ vườn cây ăn trái, người dân địa phương đã chủ động mua thiết bị đo mặn, thử nồng độ nước mặn trước khi lấy nước tưới tiêu cho vườn cây. Trao đổi với chúng tôi, anh Đoàn Văn Út Em, người dân ở xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách cho biết: “Tôi và nhà vườn chuyên canh sầu riêng đã tích lũy nhiều kinh nghiệm nên chủ động mua thiết bị đo mặn cầm tay để thử nước trước khi bơm vào vườn tưới cho cây sầu riêng. Đồng thời, gia đình cũng chủ động nạo vét ao, mương vườn nhằm chủ động bơm dự trữ nước ngọt phòng tránh tình trạng mặn xâm nhập trong những ngày tiếp theo”.

Huyện Kế Sách hiện có gần 1.300ha diện tích trồng sầu riêng, trong đó tập trung ở các xã: Xuân Hòa, Ba Trinh, Trinh Phú (trên 60% diện tích). Sầu riêng là loại cây trồng có khả năng chống chịu nước mặn rất kém, vì vậy khi bước vào mùa khô năm 2023, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động kiểm tra hệ thống đê bao, đảm bảo việc ngăn mặn và khuyến cáo nạo vét mương vườn dự trữ nước tưới để tránh trường hợp xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, kéo dài.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách Vũ Bá Quan thông tin, huyện Kế Sách có 24km tiếp giáp với sông Hậu và cách biển từ 42 - 64km, thuộc vùng dự án thủy lợi hở (chưa có cống ngăn mặn từ các sông giáp với sông Hậu), chỉ khép kín từng khu vực có quy mô 30 - 50ha nên khả năng trữ nước trong kênh thủy lợi không nhiều. “Khi nước mặn bắt đầu xâm nhập vào địa bàn, chúng tôi kích hoạt các tổ đo mặn ở các xã, thị trấn nhằm tiến hành đo nước mặn hàng ngày ở những khu vực xung yếu. Đồng thời, cập nhập số liệu mặn xâm nhập hàng ngày trên các nhóm zalo, phát thông báo mặn xâm nhập trên hệ thống loa truyền thanh của huyện để người dân chủ động lấy nước tưới tiêu phục vụ sản xuất. Mặt khác, hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật nhằm giúp nông dân có giải pháp thích ứng phù hợp, khuyến cáo nhà vườn chủ động dự trữ nước ngọt cho những tháng tiếp theo” - đồng chí Vũ Bá Quan thông tin thêm.

Kiểm tra nồng độ mặn trên sông. Ảnh: QUANG BÌNH

Còn huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cũng là vùng trọng điểm thứ 2 của tỉnh về trồng cây ăn trái, với diện tích trên 4.700ha và diện tích trồng mía khoảng 2.800ha. Ứng phó với tình hình mặn xâm nhập trong mùa khô năm 2023, Huyện ủy, UBND huyện Cù Lao Dung đã chủ động chỉ đạo gia cố đê bao, xây dựng kế hoạch nhằm chủ động ứng phó với mặn xâm nhập. Đồng chí Trần Văn Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung thông tin, ngay từ đầu năm 2023, huyện đã xây dựng kế hoạch ứng phó hạn, mặn, trong đó, chủ đạo là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân ứng phó với hạn, mặn. Đồng thời, ngành chuyên môn thường xuyên kiểm tra, duy tu bảo dưỡng cống ngăn mặn, vận hành thông suốt, đảm bảo hệ thống đê bao an toàn. Ngoài ra, ngành chức năng còn tăng cường triển khai những mô hình tưới nước tiết kiệm, giúp người dân ứng dụng vào sản xuất.

Theo thông tin từ ngành chức năng, từ đầu tháng 2 đến nay, nước mặn đã vượt qua địa bàn huyện Long Phú (thị trấn Đại Ngãi) tiếp cận khu vực huyện Kế Sách đồng thời giữ vững cường độ mặn trong nhiều ngày, các vùng trọng điểm sản xuất lúa, cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng. Đồng chí Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng thông tin, từ tháng 3 trở đi, nước mặn sẽ xâm nhập gay gắt hơn, với nồng độ mặn 4, có thể xâm nhập theo sông Hậu vào từ 58 - 60km. Trước tình hình đó, Chi cục Thủy lợi đã chủ động triển khai các giải pháp chống hạn, mặn, trong đó, sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình xâm nhập mặn để có thông báo, cảnh báo kịp thời với các địa phương và người dân chủ động trong công tác ứng phó. Song song đó, Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành quan trắc độ mặn trên các sông, kênh, rạch, nhất là các điểm quan trọng như các cống đầu nguồn, lấy nước phục vụ sản xuất và số liệu đo mặn được cập nhật hàng ngày trên các phương tiện thông tin của địa phương. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, dịch chuyển lịch thời vụ để né hạn và khuyến cáo hộ dân tích trữ nước tại hộ, chuẩn bị các phương tiện lấy nước phục vụ sản xuất khi mặn giảm.

Tỉnh Sóc Trăng là địa phương hạ nguồn sông Hậu, có 3 cửa sông đổ ra biển gồm: Trần Đề, Định An, Mỹ Thanh. Hàng năm, địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng mặn xâm nhập vào những tháng mùa khô (từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau). Mùa khô năm nay, theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, diễn biến mặn còn gay gắt, do đó, việc chủ động ứng phó được ngành chức năng quan tâm thực hiện ngay từ đầu năm, nhằm tránh rủi ro, hạn chế thiệt hại, bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

QUANG BÌNH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: