• Nông nghiệp

Kinh nghiệm các tỉnh trong phát triển nghề nuôi tôm

12/09/2021 06:03 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 12/09/2021 | 06:03

STO - Nuôi tôm nước lợ đem lại nguồn thu nhập tốt cho người nuôi, nâng cao đời sống người dân tại các vùng nuôi tôm. Do con tôm có đóng góp tích cực vào nguồn thu của các tỉnh nên để “nghề nuôi tôm” duy trì bền vững, các địa phương có nuôi tôm đã có nhiều giải pháp trong việc phát triển con tôm nuôi nước lợ, để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu và cung ứng tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Nuôi tôm nước lợ đem lại nguồn thu nhập tốt cho người nuôi, nâng cao đời sống người dân tại các vùng nuôi tôm. Do con tôm có đóng góp tích cực vào nguồn thu của các tỉnh nên để “nghề nuôi tôm” duy trì bền vững, các địa phương có nuôi tôm đã có nhiều giải pháp trong việc phát triển con tôm nuôi nước lợ, để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu và cung ứng tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Con tôm nuôi nước lợ là loài thủy sản góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ cho các tỉnh, thành phố nuôi tôm. Ảnh: THÚY LIỄU

Cà Mau được biết đến là một trong những địa phương có diện tích thả nuôi tôm lớn, với hơn 284.000ha, gồm nhiều hình thức nuôi như: nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh; nuôi tôm quảng canh cải tiến; tôm - lúa; tôm - rừng; nuôi tôm quảng canh kết hợp cua, cá, sò huyết… Do có diện tích nuôi tôm lớn và đa dạng hình thức nuôi, để “nghề nuôi tôm” phát triển bền vững, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cà Mau Châu Công Bằng, hàng năm, ngành nông nghiệp triển khai các giải pháp trọng tâm trong mùa vụ nuôi tôm, đó là hỗ trợ các địa phương rà soát quy hoạch, lập kế hoạch phát triển sản xuất đảm bảo chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; tuyên truyền người dân áp dụng triệt để lịch mùa vụ, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch bệnh trên tôm; thông tin dự báo về thị trường, giá cả trong nước và thế giới nhằm khuyến cáo hộ nuôi chọn đối tượng, thời điểm và mật độ thả nuôi để tránh nguy cơ mất giá do nguồn cung vượt cầu. Tiến hành lập đội liên ngành kiểm tra ở các địa bàn sản xuất giống, vùng nuôi; quan trắc, dự báo diễn biến chất lượng môi trường, xác định kịp thời các vấn đề môi trường, khuyến cáo hộ nuôi chủ động trong sản xuất.

“Bên cạnh đó, để hạn chế dịch bệnh trên tôm, sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vùng nuôi, bám sát địa bàn để kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất của địa phương, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, để vượt qua thách thức, hạn chế rủi ro do tác động dịch bệnh, sở chủ động phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan thường xuyên cập nhật diễn biến giá cả thị trường mặt hàng thủy sản, tình hình xuất nhập khẩu các nước, thông tin đến hộ nuôi chủ động sản xuất phòng ngừa rủi ro, thiệt hại. Đối với doanh nghiệp cần mở rộng thị trường mới, củng cố thị trường truyền thống và phát triển thị trường nội địa, chủ động nắm bắt thông tin diễn biến dịch bệnh Covid-19 để có kế hoạch điều chỉnh sản xuất kịp thời” - đồng chí Châu Công Bằng thông tin thêm.

Cũng là tỉnh có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn với 36.000ha và để đảm bảo sản lượng tôm nuôi có vụ nuôi thành công, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre Nguyễn Văn Buội nêu một số giải pháp cho ngành nuôi tôm tỉnh Bến Tre, đó là thực hiện công tác quan trắc môi trường các tuyến kênh tự nhiên phục vụ cho nuôi tôm nước lợ của tỉnh; khuyến cáo hộ dân chuẩn bị ao nuôi, thả giống khi các điều kiện thuận lợi. Đồng thời, sở triển khai thực hiện đăng ký đối tượng thủy sản chủ lực đến hộ nuôi; quản lý con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất.

Riêng tỉnh Sóc Trăng có diện tích thả nuôi tôm trong năm 2021 là 51.000ha, ước sản lượng hơn 98.000 tấn và để có vụ tôm thắng lợi trong các năm qua, Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Ngọc Nhã chia sẻ kinh nghiệm của ngành trong thực hiện vụ nuôi tôm nước lợ là áp dụng công nghệ 4.0 vào công tác quan trắc môi trường để khuyến cáo hộ nuôi thông qua mail, zalo; áp dụng các quy trình quản lý tiên tiến và công nghệ mới vào khâu thu hoạch, vận chuyển, chế biến, bảo quản các sản phẩm tôm nhằm tiết kiệm nhiên liệu, giảm giá thành sản phẩm, tăng tỷ trọng mặt hàng giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, sở ưu tiên thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống kênh cấp, thoát nước đối với các vùng nuôi tôm tập trung, vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Tập trung đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong nuôi và sản xuất giống tôm, có khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến và sản xuất giống tôm; tăng cường năng lực cán bộ kiểm dịch, quản lý kiểm soát môi trường, an toàn thực phẩm tôm nuôi, quản lý cộng đồng. Thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để thuận lợi cho việc chuyển giao khoa học kỹ thuật đến hộ nuôi cũng như tăng cường việc hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm tôm sau thu hoạch.

Với những kinh nghiệm và giải pháp “ngành nuôi tôm nước lợ” của các tỉnh có diện tích nuôi tôm có thể thấy, để vụ nuôi tôm thành công, ngành nông nghiệp các tỉnh phải thực hiện rất nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là triển khai hàng loạt các giải pháp trong mùa vụ. Vì để có vụ tôm nuôi thành công, phụ thuộc rất nhiều yếu tố, đáng nói trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay còn là một thách thức lớn đối với ngành nuôi tôm nước lợ.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: