• Nông nghiệp

Ngành nông nghiệp chủ động trong các tình huống thiên tai, hạn, mặn

14/11/2021 04:07 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 14/11/2021 | 04:07

STO - Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sóc Trăng, trong nửa cuối tháng 10 và tháng 11-2021 có nhiều áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), bão hoạt động trên biển Đông. Từ nay đến hết năm 2021, trên khu vực biển Đông còn khả năng xuất hiện từ 4 - 6 cơn bão/ATNĐ, trong đó có khoảng 2 - 3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Nhiều khả năng còn xuất hiện bão/ATNĐ trên khu vực phía Nam biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ...

Khu vực tỉnh Sóc Trăng có khả năng không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, ATNĐ nhưng chịu ảnh hưởng kết hợp của nhiều hình thế thời tiết khác nên sẽ có những đợt mưa trên diện rộng. Đồng thời, cũng trong tháng 10 và tháng 11-2021, dự báo mực nước đỉnh triều cao nhất năm, sẽ xuất hiện và mùa khô năm 2021 - 2022, độ mặn sẽ xuất hiện sớm trên các sông rạch trong tỉnh vào khoảng giữa tháng 12, với độ mặn 4‰ có khả năng sẽ xâm nhập sâu trong sông cách cửa biển từ 20 - 25km.

Thi công các công trình cống thủy lợi, tại thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) nhằm ngăn mặn, trữ ngọt ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Sóc Trăng về tình hình thời tiết trong các tháng cuối năm 2021 nhận thấy rằng, trong những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), tình hình thời tiết diễn biến bất thường, không theo quy luật, các hiện tượng dông, lốc, sét xảy ra nhiều hơn, phạm vi ảnh hưởng ngày càng rộng và nguy hiểm hơn, đặc biệt trong những năm gần đây, các địa phương như: Kế Sách, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung, TX. Ngã Năm, TX. Vĩnh Châu thường xuyên xảy ra dông, lốc xoáy mạnh và bất ngờ có chiều hướng gia tăng với tần suất và số lượng ngày càng tăng, xuất hiện ngay từ đầu năm và xuyên suốt trong năm. Bên cạnh đó, mùa khô năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng của BĐKH và lưu lượng dòng chảy của sông Mê Kông giảm dẫn đến tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, mặn xâm nhập sớm, sâu và độ mặn cao hơn so với trung bình nhiều năm. Độ mặn cao nhất tại các trạm đo trên sông Hậu có khả năng xuất hiện các tháng 2, tháng 3. Cùng với đó tình hình sạt lở những năm gần đây khá phổ biến và nghiêm trọng cả về mức độ và phạm vi ảnh hưởng, nhất là khi có tác động mạnh của bão, lũ, triều cường gây sạt lở đất, hư hỏng các công trình cơ sở hạ tầng, các khu vực nhà sàn ở cặp bờ sông.

Đồng chí Phạm Tấn Đạo - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy (BCH) phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chia sẻ: “Nhằm chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh, trước thiên tai xảy ra (trước khi bão và ATNĐ xuất hiện), hàng năm, BCH rà soát, kiểm tra các công trình hạ tầng, phòng, chống thiên tai (điện, giao thông, thủy lợi, nhất là hệ thống bờ bao, đê bao ở các tuyến, địa bàn xung yếu) để nâng cấp, sửa chữa trước mùa mưa bão; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm bắt được tình hình diễn biến của thiên tai cũng như lên các phương án sơ tán dân tại các huyện, thị xã, thành phố có bão xảy ra; chủ động phối hợp các đơn vị liên quan huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết, thuốc y tế, phân luồng tuyến giao thông... sẵn sàng phục vụ sơ tán dân, khi có lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc trưởng BCH”.

BĐKH diễn biến ngày càng phức tạp nên ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Với góc độ là đơn vị phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng đã triển khai một số giải pháp ứng phó thiên tai để đảm bảo sản xuất cho người dân trên hầu hết các lĩnh vực. Theo đó, khi có bão xảy ra thì chỉ đạo đơn vị chuyên môn trực thuộc sở phối hợp ngành liên quan, thông báo cho tàu thuyền, phương tiện khai thác thủy sản trên sông, biển ra khỏi vùng nguy hiểm. Vận động người dân sống trong các vùng bị ảnh hưởng tôn cao bờ bao chống tràn để bảo vệ sản xuất; tổ chức khắc phục hậu quả do triều cường gây ra, huy động lực lượng gia cố, sửa chữa các tuyến đê, bờ bao bị sạt lở...

"Đối với nắng hạn, xâm nhập mặn, chỉ đạo đơn vị phụ trách thường xuyên cập nhật độ mặn trong ngày, lịch vận hành các cống, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin để người dân biết; vận hành các trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn để cấp nước sinh hoạt cho người dân trong trường hợp xảy ra hạn, xâm nhập mặn kéo dài; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, mặn ngắn hạn, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước… khuyến cáo nông dân chỉ gieo cấy lúa ở những nơi có đủ nguồn nước, không xuống giống ở những khu vực không có nguồn tiếp ngọt; thi công các công trình thủy lợi, nhất là các công trình ngăn mặn, trữ ngọt. Đối với sạt lở bờ sông, bờ biển, tăng cường vận động nhân dân không xây dựng nhà ở gần ngã ba sông, các khúc sông cong và những đoạn sông, kênh dễ bị sạt lở” - đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: