• Nông nghiệp

Phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm

13/07/2022 03:57 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 13/07/2022 | 03:57

STO - Sóc Trăng có diện tích đất nông nghiệp khá lớn và được thiên nhiên ưu đãi về nguồn nước, thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp cho sản xuất nhiều loại cây trồng khác nhau. Diện tích gieo trồng lúa hàng năm của tỉnh hơn 300.000ha, trong đó sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm hơn 70% tổng sản lượng. Riêng diện tích rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày trên 50.000ha, đặc biệt là diện tích cây ăn trái của tỉnh hơn 29.000ha với đa dạng các loại trái cây đặc sản cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu, đem lại thu nhập cao cho nhà vườn.

Phát triển sản xuất an toàn

Trong những năm gần đây, người tiêu dùng có nhu cầu ngày càng cao, sản phẩm được ưa chuộng không chỉ ngon mà còn phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước xu thế thị trường, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định sản xuất nông nghiệp của tỉnh phải theo quy hoạch và gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, sản xuất theo xu hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản…

Để đảm bảo sản phẩm an toàn, việc sản xuất màu được người dân thực hiện theo quy trình sạch bằng mô hình trồng màu trong nhà lưới. Ảnh: TL

Thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động khuyến khích, hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và đã đạt kết quả tích cực với diện tích màu sản xuất theo hướng hữu cơ đạt hơn 2.560ha, trong đó có gần 36ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, cùng với đó toàn tỉnh có 117 nhà lưới, nhà màng đang hoạt động với diện tích 6,7ha. Riêng hành tím có diện tích hàng năm khoảng 6.000ha, trong đó diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ khoảng 2.000ha, năng suất bình quân 2,2 - 2,5 tấn/1.000m2, tổng sản lượng hành tím 97.000 tấn/năm.

Về cây ăn trái, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi diện tích các cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái đặc sản. Nhờ đó, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh phát triển khá lớn (hơn 29.000ha) với các loại cây trồng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu như: vú sữa, nhãn, xoài, bưởi… Đến nay, diện tích cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt hơn 434ha, sản xuất theo hướng hữu cơ đạt hơn 7.590ha và đã có hơn 518ha cây ăn trái được cấp 77 mã vùng trồng.

Lúa là cây trồng chủ lực của tỉnh, ngoài cơ cấu sử dụng các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cũng được ngành Nông nghiệp tỉnh chú trọng thực hiện. Theo đó, diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ đạt gần 5.000ha và sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 455ha. Việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, VietGAP đã góp phần tăng chất lượng gạo và mùi thơm trên các giống lúa thơm, lúa đặc sản.

Gắn liên kết với tiêu thụ

Bên cạnh phát triển sản xuất cây trồng theo hướng an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, công tác liên kết tiêu thụ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng. Do đó, để kêu gọi các doanh nghiệp, công ty liên kết tiêu thụ với các hợp tác xã (HTX) sản xuất sản phẩm cây trồng, đặc biệt là trên các loại cây ăn trái, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo liên kết tiêu thụ giữa các công ty, doanh nghiệp với HTX. Qua đó, đã xây dựng 4 chuỗi liên kết trên cây vú sữa, bưởi, nhãn. Tính từ năm 2018 đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã liên kết tiêu thụ tại thị trường cao cấp trong nước và xuất khẩu trên 2.000 tấn trái cây.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Phước - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng, để sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường cũng như thu hút nhiều doanh nghiệp liên kết sản phẩm cây trồng, đứng về góc độ chuyên ngành, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học để nâng cao chất lượng nông sản, cải tạo môi trường đất và tuân thủ đúng quy trình công tác kiểm dịch thực vật; tiếp tục hỗ trợ các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ cao, theo hướng hữu cơ… tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường; xây dựng chuỗi giá trị hoàn chỉnh, hướng tới phát triển nông nghiệp tuần hoàn; áp dụng các kỹ thuật xử lý ra hoa đậu trái, đảm bảo thời gian cung cấp sản phẩm được kéo dài và liên tục đáp ứng yêu cầu sản lượng của doanh nghiệp.

Quan tâm phát triển thêm một số loại cây ăn trái có diện tích lớn như: mít, sầu riêng, ổi… quản lý, giám sát việc tuân thủ quy trình sản xuất theo quy trình của các mã số vùng trồng hiện có và xây dựng thêm mã số vùng trồng trên các loại cây ăn trái và cây lúa; nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho các HTX; củng cố và mở rộng thêm nhiều HTX cây ăn trái, lúa và rau màu; tăng cường xúc tiến thương mại, theo dõi thông tin thị trường, mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư, liên kết tiêu thụ. Quảng bá các sản phẩm nông sản của tỉnh tại các hội chợ, hội thi, sàn thương mại điện tử - đồng chí Nguyễn Thành Phước thông tin thêm.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: