• Nông nghiệp

Sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững

07/11/2021 04:17 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 07/11/2021 | 04:17

STO - “Sản xuất lúa gạo bền vững” vùng Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Sóc Trăng (Dự án VnSAT) với mục đích là xây dựng mô hình cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật “1 phải 5 giảm” và liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị lúa, gạo giữa nông dân, hợp tác xã (HTX) với doanh nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng lúa mang tính ổn định, lâu dài, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần vào việc tạo ra sản phẩm gạo an toàn cung ứng đến người tiêu dùng và phục vụ thị trường xuất khẩu.

HTX Nông nghiệp 22/12 xã Trinh Phú, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) tiếp tục thực hiện mô hình “Sản xuất lúa gạo bền vững” do Dự án VnSAT hỗ trợ trong vụ lúa Đông - Xuân (2021 - 2022) (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: THÚY LIỄU

Để hộ nông dân và HTX tại các vùng Dự án VnSAT triển khai ứng dụng các khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa, nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, Dự án VnSAT đã chọn hàng chục HTX, trong đó có hàng trăm thành viên HTX tham gia mô hình "Sản xuất lúa gạo bền vững" trong vụ Hè - Thu (2021), đã đem lại những kết quả đáng kể như: giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón hóa học, giảm chi phí công lao động, nhất là tập quán sản xuất truyền thống của hộ dân đã dần được thay đổi, chuyển sang tư duy sản xuất thích ứng với thị trường và làm ra hạt lúa an toàn, đặc biệt là thành viên HTX đã nâng cao nhận thức trong khâu làm đất đầu vụ, trước gieo sạ, giảm lượng giống gieo sạ.

Giám đốc HTX Nông nghiệp 22/12, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) Trần Văn Kiệt thông tin: “Trong vụ Hè - Thu vừa qua, HTX được Dự án VnSAT hỗ trợ thực hiện mô hình "Sản xuất lúa gạo bền vững", tôi nhận thấy đây là một trong những mô hình có ý nghĩa rất lớn đối với các thành viên tham gia mô hình, bởi giảm hơn 50% lượng giống gieo sạ, giảm hơn 60% lượng thuốc bảo vệ thực vật phun trên lúa, giảm lượng phân bón hóa học trên đồng ruộng thay vào đó là dự án hỗ trợ phân bón hữu cơ 200kg/ha, việc dùng phân bón hữu cơ giúp đất đai màu mỡ hơn nên lúa phát triển tốt hơn, cùng với đó dự án còn hỗ trợ 50% tiền làm đất trước xuống giống, 50% giống lúa, kể cả kỹ thuật trong suốt quá trình thực hiện mô hình tại HTX và hướng dẫn luôn việc ghi chép. Đồng thời, HTX được Dự án VnSAT hỗ trợ mô hình "Sản xuất lúa gạo bền vững", với diện tích 40ha, giống lúa OM18 và áp dụng phương pháp gieo sạ bằng máy phun hạt và sạ hàng bằng dụng cụ kéo tay trong vụ Hè - Thu (2021). Sau 3 tháng xuống giống, toàn bộ diện tích lúa đã thu hoạch, năng suất lúa hơn 6,3 tấn/ha (cao hơn bên ngoài 330kg/ha), thu nhập cao hơn bên ngoài 2,7 triệu đồng/ha. Qua hiệu quả mô hình đem lại trong vụ Đông - Xuân (2021 - 2022), Dự án VnSAT tiếp tục hỗ trợ HTX thực hiện mô hình, hiện diện tích lúa tham gia mô hình đã gieo sạ xong”.

Thạc sĩ Hứa Thanh Xuân - cán bộ kỹ thuật, Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) cho biết: “Thực hiện mô hình "Sản xuất lúa gạo bền vững", các thành viên HTX Nông nghiệp 22/12 xã Trinh Phú, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) rất tích cực tham gia. Theo đó, thành viên HTX đã áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác “1 phải 5 giảm” vào sản xuất, nên đã tiết kiệm chi phí sản xuất đồng thời năng suất lúa được cải thiện, nên hiệu quả kinh tế được nâng cao. Bên cạnh đó, thành viên HTX đã thực hiện việc ghi chép sổ nhật ký sản xuất và thành viên HTX tập trung xuống giống gieo sạ đồng loạt theo lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, nên đã hạn chế sự phát sinh và gây hại của một số sâu hại chủ yếu. Áp dụng phương pháp sạ thưa hợp lý (mật độ sạ 100kg/ha) đã giúp nông dân tiết kiệm được chi phí giống, giúp cây lúa phát triển khỏe ngay từ đầu nên hạn chế sự gây hại của sâu bệnh và việc san phẳng đồng ruộng, đánh rãnh thoát nước, áp dụng phương pháp sạ thưa hợp lý, đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý nước, ốc bươu vàng, cỏ dại và giúp cây lúa phát triển khỏe nên hạn chế sâu bệnh, đổ ngã lúa ở giai đoạn sau. Bên cạnh đó, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa các khâu sản xuất từ làm đất, gieo trồng, bơm nước, bảo vệ thực vật, đến khâu thu hoạch và vận chuyển đến nơi tiêu thụ lúa, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thất thoát trong quá trình thu hoạch. Đồng thời, việc liên kết tiêu thụ lúa ngay từ đầu vụ do HTX làm đại diện ký kết, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng lúa mang tính ổn định lâu dài”.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: