• Nông nghiệp

Sóc Trăng tận dụng lợi thế sẵn có để tiếp tục phát triển lúa đặc sản

22/06/2022 05:15 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 22/06/2022 | 05:15

STO - Sóc Trăng có diện tích gieo trồng lúa hàng năm khoảng 353.687ha, sản lượng hơn 2 triệu tấn/năm. Để phát huy lợi thế sẵn có, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, tỉnh đã thực hiện Đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng (giai đoạn 2012 - 2015 và 2016 - 2020) đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Diện tích lúa đặc sản, lúa thơm các loại tăng từ 66.018ha (năm 2012) lên 178.095ha (năm 2020), sản lượng lúa đạt trên 1 triệu tấn/năm. Để phát huy thành quả của đề án nêu trên, UBND tỉnh đã phê duyệt thông qua Dự án Phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022 - 2025.

Để thông tin rõ hơn về dự án, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi cùng đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Sóc Trăng xoay quanh các nội dung của dự án quan trọng này.

Phóng viên: Thưa đồng chí, theo đồng chí, dự án cần thiết như thế nào cho tỉnh Sóc Trăng?

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Việc phát triển lúa đặc sản sẽ tạo thành những vùng sản xuất tập trung, áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật để cho năng suất, chất lượng cao và đồng đều, giá thành thấp. Đồng thời cũng thuận tiện trong việc áp dụng cơ giới hóa khâu thu hoạch và tạo được vùng nguyên liệu lớn, thúc đẩy sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; liên minh giữa nông dân và doanh nghiệp, tập trung vào yếu tố chất lượng, an toàn, quan tâm phân khúc thị trường cấp cao cho kênh nội địa và xuất khẩu. Giải quyết những khó khăn về công tác giống, duy trì chất lượng giống không bị thoái hóa, đảm bảo chất lượng gạo. Có nguồn nguyên liệu đủ lớn, xây dựng thương hiệu cho gạo đặc sản Sóc Trăng ở thị trường trong nước và xuất khẩu và góp phần thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phóng viên: Đồng chí thông tin thêm về phạm vi thực hiện dự án?

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Dự án sẽ được triển khai thực hiện trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh với tổng số 67 xã, phường, thị trấn, gồm có: huyện Trần Đề tại 10 xã, thị trấn (Tài Văn, Viên An, Viên Bình, Thạnh Thới Thuận, Thạnh Thới An, Đại Ân 2, Trung Bình, Liêu Tú, Lịch Hội Thượng, thị trấn Lịch Hội Thượng); huyện Mỹ Xuyên: 10 xã (Gia Hòa 1, Gia Hòa 2, Hòa Tú 1, Hòa Tú 2, Ngọc Đông, Ngọc Tố, Tham Đôn, Đại Tâm, Thạnh Phú, Thạnh Quới); huyện Thạnh Trị tại 10 xã, thị trấn (Hưng Lợi, Châu Hưng, Thạnh Trị, Tuân Tức, Vĩnh Thành, Phú Lộc, Thạnh Tân, Lâm Tân, Lâm Kiết, Vĩnh Lợi); huyện Mỹ Tú tại 6 xã, thị trấn (Mỹ Hương, Long Hưng, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, Hưng Phú, Mỹ Phước, Mỹ Tú); huyện Châu Thành tại 7 xã  (An Ninh, An Hiệp, Phú Tân, Phú Tâm, Thuận Hòa, Hồ Đắc Kiện, Thiện Mỹ); huyện Long Phú tại 7 xã, thị trấn (Long Đức, Tân Thạnh, Châu Khánh, Phú Hữu, Long Phú, Tân Hưng, thị trấn Long Phú); huyện Kế Sách tại 6 xã (Đại Hải, Thới An Hội, Kế Thành, Kế An, An Mỹ, thị trấn Kế Sách); TX. Ngã Năm tại 8 phường, xã (Phường 1, Phường 2, Phường 3, Long Bình, Vĩnh Quới, Tân Long, Mỹ Bình, Mỹ Quới) và TP. Sóc Trăng tại 3 phường (Phường 5, Phường 8, Phường 10).

Phóng viên: Giải pháp phân vùng sản xuất được thực hiện như thế nào tại các địa phương trong triển khai dự án, thưa đồng chí?

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Để triển khai thành công dự án thì có nhiều giải pháp được đề ra, trong đó có việc phân vùng sản xuất. Theo đó, giải pháp thực hiện là liên kết sản xuất để có diện tích lớn, dễ quản lý canh tác và ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng như cơ giới hóa vào sản xuất và theo chuỗi giá trị; đầu tư khai thác đất lúa theo hình thức gắn với lợi thế sẵn có của từng vùng, kết hợp cải thiện hạ tầng và gắn với tiêu chí nông thôn mới, cảnh quan địa phương; phát triển sản xuất lúa theo định hướng thị trường, nâng cao chất lượng và phát triển thêm các tổ hợp tác, hợp tác xã. Củng cố và nâng cao chất lượng mạng lưới trạm trại, công ty, doanh nghiệp, nông dân, tổ hợp táchợp tác xã sản xuất, cung ứng giống lúa đặc sản…

Xây dựng khung pháp lý, thể chế rõ ràng, minh bạch có tính ràng buộc để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các đối tượng thụ hưởng khi tham gia dự án; xây dựng mô hình một chủ thể đóng vai nhiều tác nhân, có nhiều chức năng trong chuỗi như vừa cung ứng đầu vào, sản xuất, chế biến sản phẩm đến cung ứng đầu ra để tiết kiệm chi phí, tận dụng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư và kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt nhất…

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

THÚY LIỄU (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: