• Nông nghiệp

Thách thức của thiên tai trong sản xuất nông nghiệp

06/05/2022 04:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 06/05/2022 | 04:01

STO - Sóc Trăng là tỉnh cuối nguồn sông Hậu, tiếp giáp với biển Đông thông qua 3 cửa sông chính gồm: Trần Đề, Định An và Mỹ Thanh. Với địa hình tiếp giáp biển cùng tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra ngày càng gay gắt nên hàng năm, tỉnh Sóc Trăng thường bị ảnh hưởng bởi thiên tai như: dông lốc, sạt lở (bờ sông, bờ biển), triều cường, ngập úng, xâm nhập mặn… dẫn đến nguy cơ thiệt hại đến sản xuất và đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.

Thiên tai gây ra nhiều điểm sạt lở trên địa bàn huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Ảnh: TL

Theo thống kê của ngành chuyên môn, năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn, dông lốc, sét và gió giật mạnh làm thiệt hại 285 căn nhà, 1 người chết, 2 người bị thương, diện tích lúa bị đổ ngã 707ha, diện tích cây ăn quả bị đổ ngã 39ha, ước thiệt hại hơn 13 tỉ đồng. Cùng với đó, hiện tượng mưa trái mùa trong các tháng đầu năm năm 2022 đã làm ảnh hưởng đến diện tích lúa Đông - Xuân của người dân tại một số địa phương gồm: Châu Thành, Mỹ Tú, Thạnh Trị và TX. Ngã Năm…

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hận - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Châu Thành (Sóc Trăng), mưa trái mùa vào tháng 3 vừa qua đã làm diện tích lúa Đông - Xuân năm 2022 trên địa bàn huyện đổ ngã cục bộ, ước tính diện tích 200ha. Tuy thiệt hại về năng suất không đáng kể nhưng làm cho việc thu hoạch lúa gặp khó khăn bởi lúa bị đổ ngã, một số diện tích lúa người dân phải thu hoạch tay, làm tăng cao chi phí mùa vụ. Với đợt mưa trái mùa đã qua, có thể thấy diễn biến thời tiết ngày một khác thường, người dân sản xuất sẽ gặp khó khăn hơn, bởi không thể biết trước được diễn biến đột ngột của thời tiết để phòng, chống.

Cũng bị ảnh hưởng bởi các đợt mưa trái mùa trong các tháng đầu năm 2022 làm cho năng suất dưa leo của gia đình giảm, ông Mai Văn Thắng, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng) giảm đáng kể. Ông Thắng chia sẻ: “Tôi trồng 5 công dưa leo, trong đó 2 công dưa bị mưa trái mùa làm thiệt hại năng suất hơn 50% (năng suất giảm chỉ còn 1,5 tấn/công) và 3 công dưa bị gió lớn liên tục trong hơn 20 ngày làm dây dưa không thể bò nổi lên giàn. Hiện tại, diện tích 5 công dưa trên, tôi đã cuộn dây bỏ và xuống giống đợt dưa leo mới nhưng nhiều ngày qua gió nhiều làm cây dưa bị yếu, mặc dù đang chuẩn bị leo giàn. Tôi rất lo cho vụ dưa leo trong đợt này, vì thời tiết năm nay không như các năm trước, gặp mưa trái mùa và gió lớn liên tục…”.

Ngoài mưa, dông lốc, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra xâm nhập mặn. Mặn bắt đầu ảnh hưởng từ ngày 19-1-2022, muộn hơn 30 ngày so với mùa khô năm 2015 - 2016, muộn hơn 45 ngày so với mùa khô 2019 - 2020, tương đương với năm 2021. Vào thời kỳ cao điểm, ranh mặn 1g/lít xâm nhập sâu vào nội đồng trên tuyến sông Hậu từ 50 - 65km, ranh mặn 4g/lít lấn sâu nhất vào nội đồng là 45km.

Để tích cực chủ động phòng tránh và khắc phục hậu quả của thiên tai, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, các địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã nghiêm túc triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên như: xây dựng Kế hoạch số 119/KH-UBND, ngày 14-10-2020 để thực hiện Chỉ thị số 36/CT-TTg, ngày 11-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 ở đồng bằng sông Cửu Long; Chỉ thị số 8712/CT-BNN-TCTL của Bộ NN-PTNT về triển khai các giải pháp ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 - 2022 vùng đồng bằng sông Cửu Long… và UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND về phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh…

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng thông tin, nhằm hạn chế thấp nhất tác hại gây ra do thiên tai, tỉnh đã thực hiện các giải pháp phi công trình mang tính cộng đồng và bền vững như: tăng cường công tác trồng rừng phòng hộ ven biển tại các địa điểm có điều kiện, trồng cây chắn sóng hỗ trợ công tác chống sạt lở tại các địa điểm xung yếu trên tuyến sông. Thường xuyên quan trắc và thông báo cho nhân dân biết về độ mặn trên các sông, rạch trên địa bàn, khuyến cáo người dân kiểm tra độ mặn trước khi tiến hành trữ nước, bơm tưới phục vụ sản xuất; vận hành hợp lý các công trình thủy lợi đáp ứng các yêu cầu về nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, giao thông thủy và vệ sinh môi trường tại các vùng có hệ thống thủy lợi khép kín và phối hợp chặc chẽ với cơ quan chức năng vận hành cống âu thuyền Ninh Quới phục vụ sản xuất cho vùng lúa tuyến Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp.

Có thể thấy thiên tai trong những năm gần đây diễn biến ngày càng khó lường. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 12 - 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan. Với nhận định trên của ngành chuyên môn, người dân sản xuất nông nghiệp cần quan tâm nắm bắt thông tin thời tiết để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: