• Nông nghiệp

Thành quả triển khai Dự án VnSAT Sóc Trăng

29/06/2022 03:57 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 29/06/2022 | 03:57

STO - Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Sóc Trăng được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh vào năm 2016 - 2022 tại 6 huyện. Đến nay, Dự án VnSAT đã góp phần hỗ trợ các địa phương trong vùng dự án triển khai phát triển được nhiều vùng sản xuất lúa tập trung, thông qua việc hình thành các hợp tác xã (HXT) cùng với đó là việc hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa nên năng suất lúa cao, lúa đạt chất lượng tốt.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh (thứ 3 từ trái sang) đến khảo sát hiệu quả hoạt động nhà kho, do Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ cho HTX, tại huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: TL

Kết quả triển khai Dự án VnSAT

Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện tại 30 xã của 6 huyện gồm: Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Châu Thành, Thạnh Trị và Mỹ Xuyên với diện tích thực hiện là 43.000ha, có 29.000 hộ dân tham gia; tổng vốn thực hiện dự án hơn 330 tỷ đồng. Theo đó, trong quá trình triển khai Dự án VnSAT (từ năm 2016 đến nay) đã có 4 chỉ tiêu chính dự án đề ra đạt và vượt.

Dự án đã triển khai 605 lớp đào tạo kỹ thuật canh tác lúa theo quy trình “3 giảm 3 tăng” cho gần 20.000 nông dân và 343 lớp “1 phải 5 giảm” cho gần 13.000 nông dân trên diện tích canh tác lúa 43.306ha. Đồng thời, dự án xây dựng 12 mô hình (quy mô 40ha/mô hình) tại 12 HTX nông nghiệp theo các tiêu chí là cánh đồng lớn; ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa sản xuất lúa bền vững; gắn với liên kết tiêu thụ giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, dự án tổ chức 1 cuộc thi cấp tỉnh và 4 cuộc thi cấp huyện “Nông dân sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chí Dự án VnSAT” trong vùng dự án. Song song đó, dự án đã mở 11 lớp đào tạo nâng chất cho 379 lãnh đạo HTX. Thông qua lớp đào tạo, tập huấn đã giúp nông dân nâng cao nhận thức và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường năng lực cho HTX góp phần giảm lượng giống gieo sạ từ 165 - 200kg/ha, xuống còn 80 - 100kg/ha, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lợi nhuận của nông dân vùng dự án thu về cao hơn gần 19% so với nông dân ngoài vùng dự án và tăng trên 30% so với khi không có dự án. Ngoài ra, thông qua việc triển khai Dự án VnSAT, nhiều khâu trong sản xuất lúa đã được cơ giới hóa như: khâu làm đất, san phẳng mặt ruộng, gieo sạ và cấy bằng máy…

Đầu tư cơ sở hạ tầng và thiết bị

Ngoài việc triển khai thực hiện các hoạt động kỹ thuật cho HTX, nông dân, Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng còn hỗ trợ các HTX nhà kho, máy cấy, máy gặt đập liên hợp… Theo đó, Dự án VnSAT đã đầu tư 9 nhà kho tạm trữ kết hợp lò sấy lúa cho 9 HTX vùng dự án và mỗi nhà kho HTX có công suất khoảng 1.000 tấn; xây dựng gần 8.000m đường giao thông nông thôn có tải trọng 3,5 tấn; 11 cầu giao thông nông thôn; 7 cống và 2 trạm bơm điện. Dự án cũng đã hỗ trợ các HTX mua sắm 3 thiết bị sấy, 2 máy cuốn rơm, 4 thiết bị tách hạt, 5 máy cấy lúa, 4 máy phun hạt, với kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng...

Thông qua việc xây dựng hạ tầng giao thông tạo điều kiện liên kết các vùng sản xuất, liên huyện, kết nối với giao thông của huyện, tỉnh do Trung ương đầu tư đã tạo điều kiện kêu gọi các nhà đầu tư về đầu tư tại địa phương, góp phần giảm thời gian đi lại cho người dân, biến những con đường lầy lội trước kia thành đường bê tông đi lại thuận tiện. Nhờ có đường giao thông mà việc giao lưu hàng hóa, sinh hoạt của nông dân tốt lên, đặc biệt giá lúa, cây ăn quả, rau màu tăng từ 4 - 5%.

Theo đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, Giám đốc Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng, Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện được sự tham gia và đồng tình ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương và nông dân, tạo sự gắn kết chặt chẽ với UBND huyện và các phòng chức năng của huyện, các xã trong vùng dự án nên dự án được triển khai đồng bộ, đem lại kết quả thiết thực. Hàng ngàn nông dân vùng dự án được hưởng lợi khi được dự án hỗ trợ nhà kho, các trang thiết bị và làm đường giao thông nông thôn, đặc biệt là sản xuất lúa của HTX, nông dân vùng dự án có sự thay đổi rõ nét là giảm lượng giống gieo sạ gần 50%, cách lựa chọn giống lúa chất lượng cao sản xuất, giúp lúa tăng năng suất, tăng lợi nhuận và thu hút doanh nghiệp đến liên kết tiêu thụ bền vững…

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: