• Nông nghiệp

Thiên tai diễn biến khó lường và luôn khắc nghiệt

07/11/2022 04:49 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 07/11/2022 | 04:49

STO - Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, triều cường dâng cao ở mức báo động làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đi lại của người dân tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nhất là với các huyện ven sông, ven biển, như: Kế Sách, Cù Lao Dung, thị xã Vĩnh Châu...

Tác động thiên tai

Để tìm hiểu về tác động của thiên tai đến các địa phương, chúng tôi có chuyến đi thực tế đến huyện Kế Sách (Sóc Trăng), bởi đây là một trong những địa phương có mức độ thiệt hại do thiên tai cao, đã ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Chia sẻ cùng chúng tôi, đồng chí Lê Hoàng Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách cho biết: “Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra nhiều đợt mưa lớn kéo dài kèm theo dông lốc đã làm sập, tốc mái 27 căn nhà trên địa bàn các xã, thị trấn, ước thiệt hại về vật chất 550 triệu đồng; dông lốc cũng làm đổ ngã 294ha lúa và 3ha cây ăn trái. Về tình hình sạt lở, trên địa bàn huyện có 33 đoạn bờ bao bị sạt lở, chiều dài hơn 1,1km; sạt lở 9 đoạn đê cồn, chiều dài 943m”.

Còn huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cũng là địa phương chịu tác động của thiên tai, nhất là vấn đề sạt lở bờ sông, bờ đê, đê bao thường xuyên xảy ra. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cù Lao Dung Nguyễn Văn Đắc chia sẻ: “Cù Lao Dung chịu ảnh hưởng dòng chảy sông Hậu, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Khi lũ cao tràn về kết hợp triều cường, mực nước dâng cao, tràn vào nội đồng gây ra tình trạng sạt lở bờ bao, công trình chống lũ lụt, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Tính từ đầu năm đến nay, sạt lở xảy ra 14 điểm thuộc các xã: An Thạnh Đông, Đại Ân 1. Các điểm sạt lở rất nghiêm trọng, đã lấn vào thân đê Tả - Hữu, chiều dài đoạn sạt lở hơn 1,3km; khu vực sạt lở có 300 hộ dân sinh sống, với diện tích trồng cây ăn trái, hoa màu 400ha và 30ha diện tích nuôi thủy sản. Riêng triều cường xảy ra trong tháng 9, 10/2022 đã làm vỡ 6 đoạn bờ bao, chiều dài 27m và làm tràn 3 đoạn đường đal, chiều dài 65m, xảy ra trên địa bàn các xã: An Thạnh 1, An Thạnh 2, thị trấn Cù Lao Dung…”.

Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) triển khai công trình tuyến đê biển, nhằm phòng, chống sạt lở. Ảnh: THÚY LIỄU

Còn theo Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu Mã Chí Thọ, trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu xảy ra các đợt mưa lớn kèm dông lốc đã làm sập và tốc mái 55 căn nhà, ước thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sạt lở bờ biển xảy ra tại 15 khu vực, chiều dài 20.770m, vị trí sạt lở từ ranh Bạc Liêu đến ranh xã Vĩnh Tân và từ Khu du lịch Hồ Bể đến K45, xã Vĩnh Hải. Riêng với xâm nhập mặn, do đặc thù thị xã Vĩnh Châu là địa phương được bao quanh bởi biển Đông và sông Mỹ Thanh nên tình hình xâm nhập mặn diễn ra quanh năm. Cùng với đó, triều cường trong những năm gần đây cũng ảnh hưởng đến đời sống người dân tại xã Vĩnh Hải, xã Lai Hòa, đặc biệt là triều cường dâng cao vào những tháng cuối năm trước, đầu năm sau, đã gây ngập cục bộ trên tuyến lộ đal và nhà ở của 282 hộ dân sinh sống tại một số khu vực của các xã nêu trên.

Ứng phó, phòng chống thiên tai

Để chủ động ứng phó, phòng chống thiên tai diễn biến ngày càng khó lường, hàng năm, các huyện: Kế Sách, Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu đã triển khai các giải pháp phòng, chống, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách Lê Hoàng Phong, biện pháp huyện triển khai phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện là thực hiện việc đắp đập tạm bờ bao, cống; kiểm tra bọng, nắp cống của từng hộ... để ngăn mặn, trữ ngọt và thực hiện việc trữ nước trong ao, mương vườn để phục vụ sản xuất; cơ cấu mùa vụ sản xuất theo đúng lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo tránh hạn, mặn. Triển khai các công trình thủy lợi mùa khô. Tiến hành nâng cấp bờ bao trên địa bàn các địa phương thường bị ảnh hưởng triều cường, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do triều cường gây ra, nhất là đối với vùng trũng và đê cồn. Tranh thủ các nguồn vốn từ cấp trên, thực hiện các công trình gia cố bờ sông, bờ kênh sạt lở; chuẩn bị lực lượng xung kích tại các địa phương nhằm sẵn sàng ứng phó các tình huống thiên tai.

Còn theo Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung Trần Văn Nguyên thì để phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện thiết thực và hiệu quả, huyện đã triển khai các giải pháp, như: tăng cường phổ biến pháp luật về phòng, chống thiên tai bằng cách lồng ghép các chương trình nội dung tuyên truyền tại các đơn vị, địa phương để người dân và cán bộ, công chức, viên chức có kiến thức, kinh nghiệm trong việc chủ động phòng tránh, ứng phó với các tình huống, sự cố khi thiên tai xảy ra; thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động ứng phó kịp thời thiên tai. Triển khai các công trình gia cố các điểm sạt lở bờ sông và các điểm có nguy cơ sạt lở; nạo vét kênh, rạch đảm bảo việc ngăn mặn, trữ ngọt; gia cố các điểm bờ bao và khắc phục ngay các bờ bao bị vỡ do ảnh hưởng triều cường...

“Để phòng, chống thiên tai trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu, thị xã thực hiện giải pháp là tăng cường tuyên truyền về công tác ứng phó với thiên tai (mưa lớn kèm theo dông lốc, áp thấp nhiệt đới, triều cường...) trên các phương tiện thông tin đại chúng, để người dân biết, chủ động ứng phó. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chằng chống nhà cửa khi có mưa dông, lốc xoáy xảy ra. Vận động người dân chủ động đào rãnh thoát nước trên các đập, ao mương hộ gia đình; gia cố các đoạn đê bao, bờ bao xung yếu để bảo vệ cây trồng và tài sản tại hộ. Chỉ đạo ngành liên quan và các địa phương trên địa bàn thị xã thường xuyên kiểm tra hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt; tổ chức đắp đập, đê bao, bờ bao ngăn triều cường…” - Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu Phan Vĩnh Tùng cho biết.

Có thể nói, trong những năm gần đây, mức độ thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, làm ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Chính vì vậy, ngoài việc các cấp, các ngành triển khai các công trình ứng phó thiên tai cũng như các biện pháp phi công trình thì người dân cũng cần chủ động chung tay cùng chính quyền địa phương phòng, chống thiên tai nhằm bảo vệ tốt việc sản xuất tại hộ, góp phần giảm tác hại thiên tai gây ra cho cộng đồng.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: