• Pháp luật - Bạn đọc

Bảo vệ phụ nữ yếu thế trước tội phạm mua bán người

28/11/2022 06:40 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 28/11/2022 | 06:40

STO - Thời gian gần đây, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến khá phức tạp, có chiều hướng gia tăng và tính chất nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Loại tội phạm này thường nhắm đến phụ nữ, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một số chị em để dụ dỗ, lôi kéo, lừa bán nhằm trục lợi, gây tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Đặc biệt, họ tập trung vào các đối tượng phụ nữ dễ bị tổn thương, khó khăn, tuyệt vọng. Qua đó lợi dụng công nghệ thông tin để tìm kiếm, bóc lột nạn nhân và thu lợi bất chính không có điểm dừng.

Theo Thượng tá Nguyễn Minh Toàn - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Sóc Trăng, tình hình người dân Sóc Trăng bị lừa đưa sang Campuchia làm việc và bị cưỡng bức lao động, đòi tiền chuộc nếu muốn trở về địa phương vẫn diễn biến. Đến nay, đã có 12 trường hợp người dân trình báo vụ việc người thân bị lừa đi lao động và bị giữ tại một số điểm khác nhau tại Campuchia. Kết quả, 6 trường hợp đã về địa phương để trình báo, các trường hợp còn lại đang đề nghị UBND tỉnh bảo hộ và giải cứu. Ngoài ra, Công an Sóc Trăng đã hỗ trợ xác minh hơn 100 trường hợp công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú; vì các trường hợp trên chủ yếu là nhập cảnh trái phép sang nước bạn hoặc cư trú sai quy định và lao động bất hợp pháp tại nước sở tại. Tình trạng công dân Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh trái phép sang các nước có chung đường biên giới cũng là vấn đề cần được quan tâm, trong đó, tỷ lệ phụ nữ khá cao, chủ yếu là sang nước bạn tìm kiếm việc làm nhưng trình độ hiểu biết hạn chế và đây là nhóm có nguy cơ bị các đối tượng khác lợi dụng hoặc lừa gạt, mua bán. Hiện nay, một số trường hợp phụ nữ tại địa phương có chồng là người nước ngoài, sau một thời gian xuất cảnh theo chồng đã quay trở lại địa phương sinh sống do bất đồng ngôn ngữ, hôn nhân không hạnh phúc, bị ngược đãi về thể chất và tinh thần. Họ rất cần được quan tâm, có nguyện vọng được hỗ trợ về một số thủ tục pháp lý khi đưa con về cùng nhưng con hiện nay mang quốc tịch nước ngoài.

Với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, đồng chí Nguyễn Thị Diện - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng cho biết, Tỉnh hội đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đến các cấp hội tham gia tích cực trong công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng an toàn, bền vững. Hàng năm, chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”, “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” và cảnh báo người dân về tội phạm mua, bán người đã xâm chiếm không gian mạng. Cụ thể, thời gian qua, các cấp hội đã tổ chức tuyên truyền được 7.320 cuộc cho trên 104.000 cán bộ, hội viên phụ nữ và tổ chức hội thi, các mô hình, viết bài thông qua các trang mạng. Theo đó, chú trọng tuyên truyền về thủ đoạn của các tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh; nguyên nhân, hậu quả của hành vi mua bán người và các giải pháp phòng ngừa; thông tin tuyên truyền phòng ngừa một số trường hợp có người thân đi làm ăn xa, vượt biên trái phép. Từ đó, giúp cho cán bộ, hội viên phụ nữ có ý thức hơn trong việc quản lý con em và hướng dẫn khai báo khi có người thân trở về địa phương, cảnh giác các hành vi và thủ đoạn mua bán người.

Chị em hội viên phụ nữ chia sẻ về kiến thức, hiểu biết liên quan đến tội phạm mua bán người. Ảnh: SỚM MAI

Các cấp hội phụ nữ còn hỗ trợ 11.249 chị thuộc nhóm phụ nữ yếu thế (phụ nữ khuyết tật, phụ nữ bị bạo hành và phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực; phụ nữ mắc các tệ nạn xã hội; phụ nữ đơn thân, bệnh hiểm nghèo; phụ nữ đi nước ngoài bị ngược đãi trở về địa phương) từng bước giúp chị em khắc phục khó khăn, vượt qua mặc cảm tạo dựng cuộc sống ổn định, hạnh phúc. Năm 2022, các cấp hội chủ động rà soát, phân nhóm phụ nữ theo đặc thù để có giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp như: rà soát giúp các chị nhận bảo trợ xã hội hàng tháng (2.382 chị); phụ nữ hoàn lương 2 chị (giúp vay vốn 40 triệu/người); 1 chị khuyết tật là nạn nhân chất độc da cam vay 40 triệu để làm cơ sở in lụa quảng cáo; 2 chị khiếm thị vay vốn (mỗi chị 20 triệu đồng để sửa nhà, bán vé số)... Ngoài ra, đối với nhóm phụ nữ nghèo, các cấp hội tập trung triển khai giúp đỡ phát triển các mô hình kinh tế gia đình thông qua vay vốn từ quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, quỹ tình thương, vốn ngân hàng chính sách xã hội; kết nối thực hiện các chương trình thoát nghèo; vận động chị em tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp cho các đối tượng yếu thế tham gia phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.

Thực hiện Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”, năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh hội đã xây dựng ra mắt 11 mô hình với 194 thành viên tại 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với các tên gọi khác nhau, như: tổ phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em; tổ phụ nữ phòng chống bạo lực gia đình; tổ phụ nữ tiến bộ hạnh phúc, câu lạc bộ phòng chống ma túy; tổ phụ nữ phòng chống tệ nạn xã hội... Thông qua các mô hình đã tổ chức tuyên truyền đến hội viên phụ nữ về các hoạt động phòng, chống các tệ nạn xã hội. Duy trì và củng cố 121 góc tư vấn cộng đồng và 778 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhằm thực hiện tốt việc tư vấn hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có nguy cơ cao, nạn nhân, gia đình, cộng đồng về phòng, chống mua bán người.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác này vẫn còn nhiều khó khăn trước tình trạng đưa người lao động trái phép sang các nước với chiêu bài lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp tục diễn ra và nhiều lao động sau khi sang nước ngoài còn bị hành hạ, đe dọa, áp bức tinh thần. Đồng chí Nguyễn Thanh Đông - Trưởng Phòng phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị, cần phải tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người trong toàn xã hội; phối hợp hoạt động tuyên truyền phòng, chống mua bán người với phòng, chống mại dâm nhằm thay đổi hành vi tại cộng đồng; tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và các đảng viên tham gia vào công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Đồng thời, tăng cường tập huấn, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn cho cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; đảm bảo cơ sở vật chất để tiếp nhận và thực hiện chế độ hỗ trợ ban đầu cho người bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật. Các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan tăng cường phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân. Đồng thời, thống kê, cập nhật danh sách và lập hồ sơ quản lý nạn nhân bị mua bán trở về để tư vấn, xác định nhu cầu, trình độ, hoàn cảnh gia đình để có kế hoạch trợ giúp thích hợp. Đặc biệt, tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống mua bán người; trao đổi thông tin, kịp thời liên hệ, hỗ trợ xác minh, xác định nạn nhân và phối hợp điều tra, bảo vệ, giải cứu nạn nhân...

Chính sự vào cuộc của các cấp, các ngành với các giải pháp đồng bộ từ phòng ngừa, can thiệp và hỗ trợ kịp thời sẽ giúp cho nạn nhân vượt qua khó khăn, có được cuộc sống ổn định. Đồng thời, với quyết tâm của cả cộng đồng và ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân đã từng bước loại trừ tội phạm buôn bán người.

SỚM MAI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: