• Pháp luật - Bạn đọc

Cần xử lý nghiêm hành vi bao chiếm lại đất sau khi cưỡng chế

22/11/2022 04:33 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 22/11/2022 | 04:33

STO - Hành vi bao chiếm lại đất sau khi cưỡng chế không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án mà còn gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Nếu hành vi này không được xử lý kịp thời, triệt để, sẽ “sản sinh” ra nhiều vụ việc khác. Đây là thực trạng gây đau đầu của huyện Kế Sách (Sóc Trăng) hiện nay.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kế Sách đã ban hành quyết định thực hiện cưỡng chế thi hành án 39 vụ việc và không có trường hợp nào tái chiếm lại tài sản. Tuy nhiên trong năm này, lại phát sinh 2 trường hợp bao chiếm lại đất mà vụ việc đã cưỡng chế thi hành án cả chục năm trước. Như trường hợp bà Trần Thị Tuyết Ngọc (thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách) cất chòi bao chiếm lại phần đất đã bị cưỡng chế thi hành án từ 7 năm trước (cưỡng chế ngày 12/6/2015). Phần đất này, người được thi hành án đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện giao dịch chuyển nhượng với người khác. Hiện nay, bà Ngọc bao chiếm lại đất nhưng người được thi hành án trước đây không ngăn cản (vì đã bán cho người khác). Thế là, người mua lại đất phải chịu thiệt thòi, ấm ức, mang nhiều bức xúc nên họ trình báo nhờ chính quyền địa phương can thiệp.

Các cơ quan tư pháp huyện Kế Sách (Sóc Trăng) thường xuyên trao đổi, bàn bạc liên quan đến hành vi bao chiếm đất sau khi cưỡng chế thi hành án. Ảnh: S.M

Đối với trường hợp bao chiếm của ông Trần Văn Há (xã Kế An, huyện Kế Sách) diễn ra khá ồn ào ở địa phương bởi hai bên cứ thường xuyên “khẩu chiến”. Theo Bản án dân sự phúc thẩm số 305/2008/DS-PT, ngày 22/9/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, tòa đã tuyên xử buộc vợ chồng ông Trần Văn Há có trách nhiệm giao trả cho vợ chồng bà Huỳnh Thị Cúc 12.076,87m2 đất nông nghiệp tọa lạc xã Kế Thành, huyện Kế Sách. Vợ chồng bà Cúc có trách nhiệm giao trả 30 chỉ vàng 24K cho vợ chồng ông Há (đây là vàng cầm cố quyền sử dụng đất). Đối với vụ việc này, không phải tiến hành cưỡng chế mà phía ông Há tự nguyện thỏa thuận giao quyền sử dụng đất và bà Cúc đã tự nguyện nộp trả 30 chỉ vàng 24K theo đúng nội dung bản án. Những tưởng bản án đã thi hành xong vào cuối năm 2008 nhưng năm 2022, ông Há bao chiếm lại đất.

Dư luận thắc mắc, không hiểu sao vụ việc đã thi hành xong hơn chục năm, giờ lại bao chiếm? Trước câu hỏi này, theo phỏng đoán của một số cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Kế Sách, vụ việc có thể xuất phát từ vụ việc bao chiếm đất của ông V.V.Ư (xã Trinh Phú, huyện Kế Sách) sau khi cưỡng chế, không bị xử lý triệt để. Ngày 3/3/2018, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kế Sách đã thành lập đoàn cưỡng chế để ông Ư giao tài sản đảm bảo nội dung bản án. Sau khi đoàn vừa cắm cột mốc xong, giao cho người được thi hành án, ông Ư chiếm lại canh tác, trồng cây trái. Đoàn kiểm tra, xác minh của UBND xã Trinh Phú đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Ư về hành vi chiếm đất trái phép; có công văn đề nghị UBND huyện xử phạt vi phạm hành chính. Khi đó, UBND huyện đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc trả lại phần đất đã chiếm nhưng ông Ư không chấp hành; cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện đã đề nghị xử lý hình sự đối với ông Ư. Trước kiến nghị đó, liên ngành tư pháp huyện có nhiều ý kiến không thống nhất nên xin ý kiến cấp tỉnh về hướng giải quyết vụ việc. Do thủ tục xử lý hành chính không đảm bảo, cấp tỉnh có ý kiến không đủ căn cứ để khởi tố hình sự đối với ông Ư về hành vi “Vi phạm quy định về sử dụng đất đai”. Ngày 9/9/2020, Công an huyện Kế Sách ra quyết định không khởi tố hình sự và hành vi của ông Ư đến nay vẫn chưa được xử lý. Việc ông Ư bao chiếm đất sau khi cưỡng chế mà không bị xử lý thì người khác cũng có thể bao chiếm được. Nếu các vụ việc trên vẫn tiếp tục không được xử lý kịp thời, tình hình bao chiếm đất trái phép phát sinh khó lường!

Ông Võ Hồng Diệp - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kế Sách cho biết, khi phát sinh tình hình bao chiếm, người dân tìm đến đầu tiên nhất là cơ quan thi hành án dân sự và cả chính quyền địa phương cũng cho rằng đây là trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự, trong khi, Luật Thi hành án dân sự đã quy định, sau khi hoàn tất các thủ tục và bàn giao tài sản thì đồng nghĩa với việc cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong bản án (hoàn thành nhiệm vụ). Hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa thống nhất về tội danh đối với hành vi bao chiếm đất sau khi cưỡng chế. Có quan điểm cho rằng đây là tội “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”, quan điểm khác rơi vào tội “Không chấp hành án”. “Quan điểm của tôi, ngay sau khi giao tài sản thi hành án, mà đương sự chiếm lại, người được thi hành án chưa sử dụng được thì hành vi đó là không chấp hành án. Đối với hành vi này, cơ quan thi hành án có trách nhiệm củng cố hồ sơ và đề nghị công an khởi tố về hành vi này. Còn tài sản cưỡng chế giao xong, người thi hành án đã sử dụng và bị bao chiếm lại thì đây là hành vi vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Tôi đề nghị, cần xác định rõ hành vi, trách nhiệm để xử lý nghiêm đối với hành vi trên” - ông Võ Hồng Diệp chia sẻ.

Các hành vi trên sẽ bị xử lý về tội danh nào, luật đã định và cơ quan chức năng có trách nhiệm xác định. Được biết, không phải riêng gì huyện Kế Sách mà việc bao chiếm sau khi thi hành án đang có chiều hướng gia tăng và xảy ra ở nhiều địa phương. Việc “lủng” hồ sơ từ giai đoạn đầu, không thể khởi tố hành vi bao chiếm trên cũng từng xảy ra ở một số địa phương. Việc không xử lý kịp thời, dứt điểm hành vi này, hoạt động ảnh hưởng đầu tiên là cơ quan thi hành án dân sự. Người dân sẽ e ngại và chẳng mặn mà trước việc mua tài sản, kê biên bán đấu giá dẫn đến bán đấu giá nhiều lần không có người mua, kéo theo án tồn và không đạt chỉ tiêu thi hành. Quan trọng nhất, người dân sẽ mất niềm tin đối với sự nghiêm minh của pháp luật. Đây là vấn đề đáng báo động, cần sự chỉ đạo quyết liệt và thống nhất từ lãnh đạo các cơ quan chức năng.

SỚM MAI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: