• Pháp luật - Bạn đọc

Đừng có lỗi với người để lại di sản

13/08/2022 04:36 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 13/08/2022 | 04:36

STO - Họ từng có những tuổi thơ đầm ấm, gắn bó, hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Thế mà những người cùng huyết thống, thân thuộc ấy khi lớn khôn lại quyết tranh giành, hơn thua với nhau đến cùng, chỉ vì tài sản.

Các vụ việc tranh chấp di sản thừa kế ngày càng tăng. Ảnh: C.H

Hiện nay, do kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đất đai ngày càng có giá trị nên tình trạng tranh chấp diễn ra khá phổ biến, nhất là tranh chấp di sản thừa kế về đất đai. Nhiều vụ việc phát sinh tranh chấp căng thẳng, kéo dài và gây nhiều tổn thương cho người trong cuộc. Vụ án tranh chấp di sản thừa kế trên địa bàn TX. Ngã Năm (Sóc Trăng) âm ỉ hơn 5 năm, cuối cùng 10 anh em ruột thịt vẫn không có chung tiếng nói, phải kéo nhau ra tòa để chia đều 2.000mđất ruộng.

Thật ra, khi còn sống, cha mẹ đã cho mỗi đứa con một phần tài sản để ổn định cuộc sống gia đình; còn lại 2 công ruộng thì cha mẹ không bàn đến. Nhưng mọi người đều ngầm hiểu, sau này ai thờ cúng cha mẹ sẽ được nhận đất. Thế là khi cha mẹ qua đời, họ ngồi lại họp gia đình và người nào cũng muốn phần thờ cúng thuộc về mình. Hàng xóm xì xào, họ hàng trưởng bối khuyên can nhưng những đứa con “hiếu thảo” không quan tâm. Cũng kể từ đó, họ chẳng nhìn mặt nhau, thậm chí còn dùng những lời lẽ nặng nề, ánh mắt hận thù nhìn nhau. Tại tòa, một không khí căng thẳng diễn ra và lời lẽ đối đáp gay gắt; theo quy định pháp luật, tòa đã tuyên mỗi người nhận được giá trị trên 40 triệu đồng (từ 2.000m2 đất). Họ đã nhận được giá trị phần di sản như mong muốn nhưng quên rằng mình đã đánh mất một thứ tình cảm thiêng liêng lớn lao, không vật chất nào sánh bằng.

Do phong tục tập quán nên những bậc cha mẹ hoặc vợ chồng không có thói quen lập di chúc để lại tài sản cho nhau hoặc cho ai đó khi còn khỏe mạnh, minh mẫn. Điều này càng thể hiện rõ ở vùng nông thôn, mọi người quen ứng xử với nhau theo phong tục, tập quán, truyền thống, đạo đức của dòng họ, gia đình. Những bậc cha mẹ, sinh thời thường làm việc cật lực tạo dựng cơ nghiệp để lại cho con cái và luôn mong muốn con cái của mình sẽ mãi luôn thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Nhưng có nhiều trường hợp chính những di sản của người mất và lòng tham trong tự bản thân mỗi người đã đạp đổ tất cả, kể cả mong mỏi của đấng sinh thành.

Trường hợp của bà N, huyện Long Phú (Sóc Trăng) là một bài học suy ngẫm cho những ai có tư tưởng “con trai mới hưởng hết tài sản”. Cha mẹ bà N thuộc diện khá, chỉ có 2 người con, một trai, một gái. Lúc con gái có chồng, cha mẹ đã cho 1 lượng vàng - đối với thời ấy là khá nhiều. Sau đó, cha mẹ kêu cho con gái 2 công đất ruộng nhưng vợ chồng bà N từ chối, vì gia đình chồng cũng không thiếu thốn gì. Rồi 20 năm sau, bà N có nhiều biến cố, gia đình bà N rơi vào cảnh túng quẫn nên về xin anh trai (cha mẹ đã mất) cho nhận 2 công đất nhưng người anh cương quyết không cho. Bởi theo quan điểm của ông H, con gái đã gả đi, cho cả lượng vàng như vậy là nhiều lắm rồi; việc đói no thì đã có chồng lo và bản thân ông là con trai mới có quyền hưởng tài sản của cha mẹ. Do anh trai thách thức, bà N ức lòng đi kiện và cuối cùng, bà đã được chia ½ di sản của cha mẹ. Vì theo quy định pháp luật, con trai, con gái hay con nuôi đều bình đẳng trong việc thừa hưởng di sản của cha mẹ mất mà không để lại di chúc.

Trường hợp cụ T sinh thời không sống được với các con (không hợp tính) nên ở cùng đứa cháu nội và hứa sẽ cho đứa cháu căn nhà nhưng không lập di chúc. Khi cụ mất, các con cụ T kiện đòi đứa cháu phải trả nhà, đất…

Thực tế, có muôn ngàn lý do và nhiều tình tiết, sự kiện đau lòng trong các cuộc tranh chấp di sản thừa kế. Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, việc giải quyết, xét xử các vụ án liên quan đến tranh chấp thừa kế tài sản không nhiều nhưng ngày càng tăng, có tính chất phức tạp, gay gắt. Trong 3 năm qua, tòa án hai cấp đã thụ lý 9.717 vụ việc dân sự và có 194 vụ việc liên quan thừa kế (2% vụ việc dân sự).

Đồng chí Nguyễn Hoàng Lâm - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết, qua các vụ việc thụ lý, nguyên nhân dẫn đến phát sinh tranh chấp thừa kế di sản chủ yếu là do sinh thời các cụ không lập di chúc hoặc di chúc không có giá trị hợp pháp (không có công chứng, chứng thực). Thêm vào đó, mặt trái của sự phát triển kinh tế - xã hội khiến giá trị đạo đức và sự gắn kết giữa các thành viên gia đình của một bộ phận trong nhân dân không được bền chặt, dễ bị tác động của vật chất. Chính vì vậy, theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, sinh thời, người dân cần xác định rõ tài sản của mình và trong khối tài sản đó phải xác định rõ tài sản nào được chia, tài sản nào dùng vào việc thờ cúng, trách nhiệm của người được giao tài sản thờ cúng, có hay không được đứng tên tài sản thờ cúng; xác định rõ cho ai, cho tài sản nào. Đồng thời, phải tìm hiểu các hình thức di chúc để lựa chọn phù hợp; tìm người tin tưởng để quản lý và công bố di chúc sau khi người để lại di chúc qua đời. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác hòa giải cơ sở…

Tuy nhiên, thực tế, cái gốc của mọi vấn đề vẫn nằm ở yếu tố gia đình. Nếu một gia đình có sự gắn kết, yêu thương bền chặt và được trau dồi, giáo dục từ nhỏ sẽ hiếm có trường hợp “anh em tương tàn vì tài sản”. Họ không thể nhẫn tâm thấy người thân mình khốn khổ hay dám làm trái với di nguyện của đấng sinh thành… Dù cuộc sống muôn ngàn đổi thay, mỗi con người chúng ta hãy biết trân trọng, giữ gìn những đạo lý, thâm tình cao quý.

S.M

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: