• Pháp luật - Bạn đọc

Khó khăn trong xác định, xử lý tài sản chung, tài sản riêng

11/08/2022 04:34 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 11/08/2022 | 04:34

STO - Việc kê biên, xử lý tài sản để đảm bảo thi hành nội dung bản án là việc làm thường xuyên và bắt buộc trong công tác thi hành án dân sự (THADS). Mặc dù, các quy định của pháp luật về vấn đề này khá cụ thể, chặt chẽ nhưng trong quá trình áp dụng, xử lý tài sản, chấp hành viên vẫn gặp muôn vàn khó khăn, vướng mắc trước trăm kiểu “hô biến” của thực tế.

Thời gian gần đây, nền kinh tế thị trường có nhiều biến động, đa dạng, phức tạp và tranh chấp dân sự diễn ra thường xuyên. Việc cơ quan THADS thụ lý thi hành những bản án, quyết định của tòa án ngày càng phát sinh nhiều, đặc biệt là những tranh chấp liên quan đến xử lý tài sản chung, tài sản hộ gia đình và những tranh chấp này thường phải được áp dụng các biện pháp kê biên, xử lý tài sản ở giai đoạn thi hành án. Nhưng nhiều chấp hành viên phải “đứng hình” trong xử lý.

Ông Võ Hồng Diệp - Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Kế Sách (Sóc Trăng) cho biết, vụ việc tòa án tuyên ông T phải có trách nhiệm trả số tiền nợ 70 triệu đồng, do ông tự nguyện thi hành nên cơ quan THADS phải xác minh điều kiện thi hành án. Hiện ông T đang sử dụng, canh tác các thửa đất nhưng tất cả đều cấp cho hộ gia đình (cha ông T làm chủ hộ và có 7 thành viên). Hiện tại, cha mẹ ông T đều đã chết nhưng gia đình không đồng ý chia thừa kế; tòa án cũng không thụ lý xác định phần tài sản của ông T... Do vậy, chấp hành viên không tự xác định phần tài sản của ông T để thi hành án và đành “ôm án”. Đây được xem là trường hợp có điều kiện thi hành án nhưng không thể thi hành và cũng chẳng biết tháo gỡ từ đâu!

Theo chia sẻ của nhiều chấp hành viên, việc xác định hộ gia đình được dựa trên căn cứ là “sổ hộ khẩu” của gia đình. Nhưng tại thời điểm xác định thì sổ hộ khẩu đã được cấp đổi, còn giấy chứng nhận sở hữu tài sản đã có trước thời điểm sổ hộ khẩu được cấp đổi. Từ đó, dẫn đến gặp khó khăn trong việc xác định thành viên của hộ và việc xác minh tại một số địa phương cũng không nắm rõ thời điểm được cấp giấy chứng nhận sở hữu tài sản thì hộ gia đình có bao nhiêu người. Đối với một số trường hợp tài sản chưa được cấp giấy chứng nhận hoặc chưa xác định được nguồn gốc tài sản thì việc xác định là tài sản riêng, tài sản chung của hộ gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Bởi đương sự không hợp tác hoặc bỏ địa phương đi nơi khác mà không thông báo cho cơ quan THADS khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú.

Thực tế, có trường hợp hồ sơ, thủ tục thể hiện chỉ có cá nhân hoặc vợ chồng nhưng giấy chứng nhận thì thể hiện cấp cho hộ. Còn đối với tài sản của hộ gia đình thì chấp hành viên gặp rất nhiều khó khăn, vì không có căn cứ để xác định là người phải thi hành án có bao nhiêu phần trong khối tài sản chung của hộ gia đình. Riêng đối với những tài sản thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng thì phần lớn là quyền sử dụng đất. Sau khi có tranh chấp, tòa án thụ lý xét xử và tuyên xử lý tài sản thế chấp để đảm bảo thi hành án. Quá trình tổ chức thi hành án, tài sản quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình nhưng những thành viên trong hộ gia đình không có ký tên vào hợp đồng thế chấp tài sản; khi xét xử, tòa án cũng không đưa thành viên hộ gia đình vào vụ việc với tư cách là người liên quan. Do vậy, nếu chấp hành viên xử lý tài sản theo nội dung bản án tuyên thì ảnh hưởng đến quyền lợi của thành viên hộ gia đình và không thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Cơ quan THADS hai cấp gặp nhiều khó khăn trong việc kê biên, xử lý tài sản hộ gia đình. Ảnh: C.H

Có chấp hành viên từng lo lắng, việc pháp luật về THADS không có quy định là chấp hành viên và người được thi hành án được thực hiện quyền yêu cầu tòa án xác định phần quyền sở hữu của người phải thi hành án trong tài sản chung của hộ gia đình. Chấp hành viên chỉ xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản và thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết. Nếu trường hợp các thành viên hộ gia đình không đồng ý thì có quyền yêu cầu tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày (kể từ ngày được thông báo hợp lệ). Hết thời hạn, không có người khởi kiện, chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ. Tuy nhiên, thực tế, người phải thi hành án và các đồng sở hữu, sử dụng tài sản chung, không bao giờ muốn khởi kiện; bởi không ai muốn tài sản của mình bị kê biên xử lý để thi hành án. Khi hết thời hạn 30 ngày, không có người khởi kiện thì chấp hành viên phải tiến hành kê biên, xử lý tài sản và việc kê biên sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người không có nghĩa vụ phải thi hành án, chi phí cho việc kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá... Từ đó, thường dễ phát sinh tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện và nếu có sự rủi ro thì chấp hành viên là người phải gánh chịu hậu quả...

Trước tình hình khó khăn, vướng mắc trên, ông Lê Việt Khải - Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Sóc Trăng cho biết, lãnh đạo đơn vị đã kiến nghị về Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS có văn bản hướng dẫn rõ về việc xác định phần quyền sở hữu, quyền sử dụng đất của hộ gia đình và thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên sâu về công tác xác minh điều kiện thi hành án. Để đảm bảo tính khách quan và nhằm đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án, cần bổ sung quy định người được thi hành án có quyền yêu cầu tòa án xác định phần quyền sở hữu, quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung của hộ gia đình. Đồng thời, kiến nghị UBND hai cấp (tỉnh, huyện) quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn (tài nguyên và môi trường, văn phòng đăng ký đất đai, công an) phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin, giải thích kịp thời, chính xác cho cơ quan THADS khi có yêu cầu. Đề nghị tòa án hai cấp trong công tác xét xử tài sản thế chấp vay vốn cần xem xét tính pháp lý của hợp đồng thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình. Vì phần lớn những thành viên trong hộ gia đình không có ký tên vào hợp đồng thế chấp nhưng tòa án vẫn tuyên xử lý tài sản, dẫn đến tổ chức thi hành án gặp nhiều khó khăn khi xử lý tài sản...

Trước việc chia nhỏ, làm rõ từng “khúc mắc” của vấn đề và sự phối hợp, hỗ trợ từ các cơ quan hữu quan sẽ giúp cơ quan THADS tháo gỡ được những khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng công tác, đặc biệt, giải tỏa tâm lý “lo ngại” của chấp hành viên trong thực hiện nhiệm vụ.

C.H

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: