• Pháp luật - Bạn đọc

Lượng án hành chính tuy ít nhưng giải quyết không dễ

06/02/2023 04:06 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 06/02/2023 | 04:06

STO - Trong các loại án, án hành chính chiếm số lượng không lớn, thậm chí có thể nói là rất thấp so với tổng án thụ lý (không quá 50 vụ/gần 10.000 tổng vụ án thụ lý). Tuy nhiên, việc giải quyết án này vô cùng phức tạp và gặp nhiều khó khăn, mang tính đặc thù nên để đạt, vượt chỉ tiêu là sự quyết tâm, nỗ lực lớn của từng cán bộ, thẩm phán.

Thực tế, hầu hết các vụ án hành chính đều thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp tỉnh và các đơn khởi kiện chủ yếu là đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính ở lĩnh vực quản lý đất đai, quyết định hành chính trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nguyên tắc giải quyết án, hội đồng xét xử phải luôn dựa vào chứng cứ, các cơ sở pháp lý nhưng nhiều người vẫn còn tâm lý chưa đặt trọn niềm tin vào sự phán quyết; bởi tranh chấp thường là giữa người dân với tổ chức, cơ quan hành chính nhà nước. Từ đó, vô hình gây nên áp lực cho người làm công tác xét xử. Thêm vào đó, người đứng đầu cơ quan hành chính thường ủy quyền cho cấp phó của mình tham gia tố tụng nhưng cấp phó công việc cũng không kém phần bộn bề, đôi khi phải xin vắng mặt dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết án; việc xác minh, thu thập chứng cứ khá gian nan…

Tòa án nhân dân tỉnh thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng xét xử án hành chính. Ảnh: SỚM MAI

Dù số lượng không lớn nhưng án hành chính có chiều hướng gia tăng theo từng năm. Cụ thể, năm 2021, thụ lý án hành chính 39 vụ, giải quyết đạt tỷ lệ 51,2% (không đạt chỉ tiêu) và án bị hủy chiếm tỷ lệ 6%. Năm 2022, án thụ lý 45 vụ, giải quyết đạt tỷ lệ 84,44% (vượt 19,44% so với chỉ tiêu giao) và không có án quá hạn, án bị hủy, sửa. Như vậy, dù án tăng nhưng chất lượng giải quyết xét xử được nâng cao rõ rệt. Từ khi tiếp nhận đơn, thụ lý vụ án, xây dựng hồ sơ vụ án và cho đến khi đưa vụ án ra xét xử đảm bảo đúng trình tự luật định. Trong xét xử, có chuẩn bị tốt về nội dung và hình thức, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; các phán quyết phải đảm bảo tính chính xác, quyết định của bản án rõ ràng, có tính khả thi.

Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Văn Dũ - Chánh tòa Hành chính Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, tính chất án hành chính tuy có phức tạp, quan hệ nhiều lĩnh vực khác nhau trong quản lý hành chính nhà nước, phải tốn nhiều thời gian để thu thập chứng cứ và kéo dài thời gian xét xử nhưng với bản lĩnh nghề nghiệp, với tinh thần trách nhiệm nên khi được giao giải quyết, thẩm phán chủ động thu thập chứng cứ, tiến hành các thủ tục tố tụng theo quy định và đưa vụ án ra xét xử đảm bảo thời hạn luật định. Với lại, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa thẩm phán và kiểm sát viên nên việc trao đổi, thu thập chứng cứ, những khó khăn, vướng mắc từng vụ án được tháo gỡ. Hiện nay, người bị kiện, các cơ quan chức năng liên quan có sự phối hợp ngày càng tốt hơn trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, trả lời xác minh theo yêu cầu của tòa án. Đặc biệt, sự quan tâm của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hành chính...

Qua từng vụ việc cụ thể, việc giải quyết án hành chính không hề đơn giản. Bởi người xử án phải nghiên cứu rất nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan, những quy định, căn cứ pháp lý để đưa ra phán quyết đúng, sai về một quyết định của cơ quan hành chính vào thời điểm đưa ra quyết định. Có những vụ việc đã xảy ra rất nhiều năm, cũng có vụ lại liên quan đến nhiều cấp, ngành. Đặc biệt, những vụ việc liên quan đến các quyết định thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng luôn phức tạp. Sau khi thụ lý vụ việc, nghiên cứu hồ sơ, các quy định, cán bộ Tòa Hành chính phải yêu cầu đương sự cung cấp tài liệu có liên quan, chứng minh quan điểm, quyết định của mình là đúng. Khi đó, từng nội dung được làm sáng tỏ, mọi vướng mắc được giải quyết. Dù có bị bác đơn khởi kiện nhưng với những văn bản đầy đủ cơ sở pháp lý, quy định cùng những phân tích, giải thích rõ ràng của hội đồng xét xử, công dân mới “tâm phục, khẩu phục”. Quá trình thụ lý án hành chính cho đến xét xử, thẩm phán phải thực sự công tâm, minh bạch, gần dân, hiểu dân, vì dân, để công dân tin tưởng vào cơ quan công lý. Một số vụ việc, tòa án đã ra phán quyết yêu cầu cơ quan hành chính thu hồi, hủy quyết định ban hành không đúng; khắc phục hậu quả để đảm bảo quyền lợi cho người dân, tổ chức. Do vậy, đòi hỏi thẩm phán giải quyết án hành chính phải không e ngại, không sợ va chạm thì mới đưa ra được những phán quyết công tâm, khách quan, đúng pháp luật.

Để đẩy nhanh tiến độ xét xử và nâng cao chất lượng giải quyết án, trước tình hình án hành chính có chiều hướng gia tăng như hiện nay là thách thức lớn đối với các đơn vị tòa án. Hy vọng, mỗi thẩm phán sẽ tiếp tục đề cao tinh thần, trách nhiệm và bản lĩnh nghề nghiệp; lãnh đạo các đơn vị tòa án thể hiện là vai trò hạt nhân trong sự đoàn kết, tăng cường công tác phối hợp và đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng giải quyết án hành chính.

SỚM MAI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: